(HNM) - Sau hơn 3 tháng kể từ khi UBND thành phố ban hành Kế hoạch tổ chức Đại hội (ĐH) TDTT Thủ đô lần thứ IX năm 2017, một số xã, phường đã tổ chức ĐH TDTT cấp cơ sở.
Đồng diễn thể dục khai mạc ĐH TDTT xã Phụng Thượng (Phúc Thọ). |
Vào giữa tuần qua, xã Phụng Thượng (Phúc Thọ) là đơn vị đầu tiên tại Hà Nội tổ chức khai mạc ĐH TDTT cấp cơ sở năm 2017. Những ai có mặt tại buổi khai mạc đều có thể cảm nhận được những giá trị mà ĐH TDTT mang lại cho nhân dân, chính quyền địa phương. Buổi sáng ngày diễn ra lễ khai mạc, trời đổ mưa và rét nhưng hàng nghìn người vẫn kiên nhẫn chờ đợi với hy vọng trời sẽ ngớt mưa. Trước đó cả tháng, các thôn, cơ quan, đoàn thể, trường học trên địa bàn xã đã tập luyện tích cực, chờ mang đến niềm vui cho mọi người trong buổi khai mạc. Ông Hoàng Quang Giác, Chủ tịch UBND xã Phụng Thượng cho biết, lễ khai mạc và các cuộc thi đấu ĐH TDTT cấp cơ sở không đơn thuần mang tính thể thao, đánh giá tổng kết cả một quá trình phát triển phong trào TDTT để phát triển con người toàn diện mà đây còn là dịp để kết nối mọi người, huy động các nguồn lực, tăng cường tình đoàn kết toàn dân.
Phụng Thượng cuối cùng cũng được “trời thương” khi mưa tạnh ngay trước lễ khai mạc. Người dân đến cổ vũ và những người tham gia diễu hành, đồng diễn ai cũng phấn khởi. Có mặt tại lễ khai mạc, Trưởng phòng Quản lý thể thao (Sở Văn hóa - Thể thao Hà Nội) Đinh Văn Luyến cho hay: "Sự bài bản trong khâu tổ chức, sự hưởng ứng của đông đảo nhân dân nơi đây đã cho thấy tính cần thiết của các ĐH TDTT cấp cơ sở. Quan trọng nhất là những ngày hội thể thao của nhân dân này cần được tổ chức thiết thực, bảo đảm để người dân ở các xã, phường, thị trấn đều được thụ hưởng những giá trị do thể thao mang lại”.
Điều mà ông Đinh Văn Luyến nhớ lại: Cách đây 4 năm, khi đó thể thao Hà Nội đứng trước nguy cơ không đạt chỉ tiêu đề ra là 100% xã, phường, thị trấn tổ chức ĐH TDTT cấp cơ sở. Một số xã ở các huyện vùng xa như Sóc Sơn, Ba Vì đã qua hạn được ấn định mà vẫn không thể tổ chức ĐH TDTT. Nếu chấp nhận "vùng trắng" thì nhiều người không được tham gia vào một ngày hội thể thao chỉ 4 năm mới có một lần. Cũng may là đơn vị phụ trách chuyên môn - Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch (nay là Sở Văn hóa - Thể thao) Hà Nội đã vào cuộc kịp thời. Đích thân Phó Giám đốc Sở Nguyễn Đình Lân đã đến một số huyện tìm hiểu về khó khăn của cấp cơ sở để có thể hỗ trợ. Sau này, chính ông Nguyễn Đình Lân đã nói lại rằng: "Rất đơn giản để chấp nhận chuyện các xã không thể tổ chức ĐH TDTT vì lý do kinh phí, cơ sở vật chất. Nhưng nếu muốn giúp họ thực hiện được phần việc mà đa số xã, phường, thị trấn ở Hà Nội làm được thì phải xuống tận nơi để nắm thực tế chứ không phải ngồi trong phòng nghe báo cáo qua điện thoại”.
Năm đó, các xã khó khăn đều tổ chức ĐH TDTT một cách suôn sẻ. Hà Nội đạt mục tiêu 100% xã, phường, thị trấn đều tổ chức ĐH TDTT, góp phần mang đến những ngày vui cho nhân dân. Đến bây giờ, đó vẫn là ví dụ điển hình để những người làm công tác thể thao quần chúng ở Hà Nội tham khảo.
Theo ông Đinh Văn Luyến, để bảo đảm cho cả 584 xã, phường, thị trấn đều tổ chức thành công ĐH TDTT cấp cơ sở, UBND thành phố đã sớm ban hành Kế hoạch tổ chức ĐH TDTT Thủ đô, yêu cầu triển khai từ cấp xã, phường, thị trấn. Điều lệ ĐH TDTT Thủ đô các cấp cũng được ban hành, quy định 100% đơn vị hành chính cơ sở phải tổ chức ĐH TDTT. Để chứng minh là có tổ chức ĐH TDTT, các địa phương phải có báo cáo kèm hình ảnh động về ĐH TDTT cấp cơ sở, nếu thiếu coi như đơn vị đó không tổ chức.
Những yêu cầu, giải pháp tổ chức ĐH TDTT cấp cơ sở được đặt ra nhằm bảo đảm cho người dân được thụ hưởng những giá trị do thể thao mang lại. “Không thể tổ chức quấy quá cho xong, mà phải bảo đảm thực chất” - ông Đinh Văn Luyến nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.