(HNM) - Tô Hoài, theo đánh giá của một nhà văn
Nhà văn Tô Hoài đã để lại hơn 150 tác phẩm trong đời cầm bút của mình. Ảnh: An Thành Đạt |
Lần đầu tôi được gần ông khoảng năm 1984, đại hội những người viết văn trẻ toàn quốc. Họp hành nhiều nhưng "quán triệt" chẳng bao nhiêu, những tay cảm thấy mình sắp nắm vận mệnh văn chương nước nhà khoái gặp mặt người cũ, kết bạn mới hơn. Buổi làm việc ở 65 Nguyễn Du, tôi làm quen với Châu Hồng Thủy, dạy học trên Sơn La. Chuyện đang ròn thì Tô Hoài tới, ai nấy rón rén hẳn, hỏi, nghe nhiều hơn. Nhưng ông cụ mang lại vẻ dễ gần - tất nhiên không tào phào, đối thoại không ra kiểu dạy dỗ "a cái này tôi biết rồi". Và cũng chả để ý đến nghị sự trên kia đang nghiêm túc ra sao.
Đang hỏi han "đám" Sơn La, Tô Hoài quay sang nói về truyện "Bốc mộ" của tôi trên Báo Người Hà Nội, ra ý biết xếp sắp, có chi tiết. Tôi sướng rơn nhưng giả cách khiêm nhường "đáng gì đâu". Nói chung giấu kín ái ố hỷ nộ là cách xử phổ biến ở lứa chúng tôi thời đấy, chứ không bộc bạch rõ như giờ.
Lần sau, lại có nhận xét, nhưng làm bẽ mặt. Trên Hànộimới, tôi kể chuyện Tư Lùn thợ phở, phần dạo đầu nhắc đến những Tản Đà, Thạch Lam, Nguyễn Tuân sành mồm cho sang trọng. "Phở bò Nguyễn Tuân nói là phở chín", Tô Hoài thủng thẳng, cho tôi bài học biết nhiều viết ít thôi đừng dại hồn nhiên bốc phét. Ông cụ "ma xó" thế, soi cả báo ngày. Tôi nghĩ vậy và vẫn đánh bài lảng. Nhà văn già, chắc tỏng tòng tong kiểu ấp úng này, không dồn đuổi thêm. Nhưng hình như khen chê thẳng thừng chả phải là lối tỏ ra thường xuyên của Tô Hoài. Nhiều anh chị gần ông cụ, nhận bổ béo hay xí hổ nhiều hơn, cũng bảo vậy. Đám chị em ở văn phòng Hội Văn nghệ Hà Nội hay có quà của Tô Hoài và cũng thích chiều nhà văn. Một ông cụ vui tính, tinh quái kiểu hiền hậu, đối với họ là thế.
Ít lâu sau, một cuối năm, chi hội (bấy giờ chưa "lên" Hội) Nhà văn Hà Nội kiết xác bày gặp mặt áp Tết. Chi phí tằn tiện, tất nhiên, thơ từ hùng tráng đến nẫu ruột bay tới tấp, cũng tất nhiên. Rồi giải tán "hẹn một năm sáng tạo", rồi thế nào mà tụ lại một hội dăm bảy người, thành phần rất chi không thuần nhất. Cũng chả hiểu vì sao trong đó có Tô Hoài, lại tất nhiên là "món nhắm" chính. Đây là lúc văn nghệ đang "cởi trói", nhiều thâm cung bí sử vốn chỉ thì thào đã rón rén công khai. "Chủ đề" đầu tiên rất nhã nhặn nhưng đáng nghe, chuyện từ làng Nghĩa Đô của ông lan sang Dinh đào Nhật Tân, trôi xuống Cống Chéo Hàng Lược, đám dân cư sống dưới gậm cầu… củ tỷ thứ như đàn kiến trong lỗ bò ra. Những chữ cổ, những ví von duyên dáng. Có đoạn rõ ràng đã đọc thấy đâu đó, có khi chính ở sách Tô Hoài, nay hiện lại, cho một cảm nhận khác sắc nét hẳn.
Rồi dắt sang những chuyện nhạy cảm hơn, người nghe háo hức người nói cũng bạo mồm. Đám viết lách "trưởng thành" từ thời đánh Mỹ, nhất là sau "mở cửa", được dịp biết về làng văn tiền chiến, các "bác" Ngọc Giao, Lê Văn Trương, Vũ Đình Long… thấy rất lạ. Những tai cứ dỏng lên, mắt lấp lánh.
- Thế hồi bác đi mua bánh giò cho ông Nguyễn Bính thì thế nào?
Ai đó, không rõ, hỏi câu ấy, không ngờ đã khơi ra một mạch chuyện đặc sắc vô cùng. Nguyễn Bính tình tứ lai láng, thiên hạ thuộc nhiều bài, lắm câu của ông, nhưng chỉ mang máng đã đặt gót đến đâu đó, bị tai nạn gì ấy rồi lui về Nam Định sống thế nào ấy. Giờ Tô trưởng lão "tái hiện" những sự kiện chính của ông, không phải chỉ việc này sự nọ theo thời gian, mà còn dáng dấp, thần thái. Rằng Nguyễn Bính đến chơi nhà bạn thơ, được chiều chuộng rất mực, rồi ra thế nào mà bà chủ đâm hãi hùng vô kể (chỗ này tôi nhớ không kỹ nên chỉ thuật mang máng). Rằng sau khi ra kháng chiến, nhà thơ bỏ phắt miền Bắc vào Nam, để lại trong ấy một giọt máu là cô Hồng Cầu giờ làm nghề xuất bản.
Những chuyện hấp dẫn vô cùng. Nhưng nghe "suông" nó cứ thấy nhạt miệng thế nào… Phải có cái uống không phí quá. Tôi thấy mình gần như ở trong tình trạng một nhà văn "trẻ" (đâu như Tchya Đái Đức Tuấn) trình Nguyễn Tuân truyện nhờ nhận xét, mấy hôm sau mò tới rất hồi hộp chỉ thấy nhà văn tên tuổi nói những bâng quơ, "buồn đái đến chết không dám đứng dậy ngộ nhỡ có câu phán ra". Bụng nghĩ chỉ đủ tiền mua bia "Quả táo" của Trung Quốc, thứ uống nhiều đau đầu muốn chết, chả biết bậc trưởng lão có chê. Bèn nhờ người ra quán nước mua hộ. Đâu có dễ, vì ai ai đều chầu hẫu.
Rồi cũng có bia. Trời rét ngọt uống vào đến đâu run đến đấy, mà ông cụ "thưởng thức" chả hề hấn.
Buổi "sinh hoạt ngoài luồng" trưa rét ngọt ấy để lại bao nhiêu điều, kiểu như bài thơ quyển truyện và đời sống tác giả không hẳn đã "thống nhất", như không dễ hiểu đúng một con người nếu chỉ nhìn vào trang sách. Có những liên hệ vô hình, chỉ ông giời và vài người biết và thật là đơn giản, là không đủ nếu định hình nhà văn theo kiểu tốt - xấu, tích cực - tiêu cực...
Sau này, Tô Hoài viết những điều ông kể về Nguyễn Bính hôm ấy vào sách "Chiều chiều" với "Cát bụi chân ai", cùng với chuyện về Phùng Quán, Đặng Đình Hưng, Xuân Diệu… Sách hay, bao nhiêu kỳ bí, nhưng với tôi, chúng chả gây ấn tượng mạnh như hôm nghe ông tận mồm, khiến bần thần nghĩ ngợi mãi. Chân dung những bạn văn hiện lên gây ra nhiều phản ứng trái chiều, người bình nghiệt ngã quá chả nên người rằng lên như thế mới phải nhà văn cũng bình thường thần thánh gì đâu. Có điều cái lối kể ra rỉ rả "kiến bò", lắm chi tiết khiến lành lạnh, chả bị ai "kết tội" là ông ghét bỏ "đương sự" mà bôi cho xấu.
Giờ thì thông tin đa chiều vô kể, khiến có vô vàn sự hình dung về một con người, sự kiện hay giai đoạn. Ai cũng có quyền "nhớ lại những điều chưa từng xảy ra", có chỗ "công bố hành động mình chưa hề làm", cũng là điều hay nhưng đọc nghe phải tỉnh táo lắm mới được.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.