Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rèn kỹ năng, thêm nhiệt huyết

Thống Nhất| 08/08/2015 07:02

(HNM) - Từ ngày 27-7 đến 8-8, Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam tập huấn cho hơn 700 giáo viên chủ nhiệm của 20 trường tham gia dự án


Có 4 khóa tập huấn diễn ra trong thời gian này, mỗi khóa kéo dài 3 ngày. Các học viên được phổ biến 4 nội dung: Củng cố kiến thức về giới, giới tính, đồng tính, chuyển giới, bắt nạt qua mạng; thực hành kỹ năng hỗ trợ trẻ khi bị bạo lực giới, bao gồm một số kỹ năng tham vấn cơ bản (lắng nghe, đặt câu hỏi, thấu cảm); củng cố kiến thức, kỹ năng về phương pháp kỷ luật tích cực; củng cố kỹ năng dạy học để thực hiện các bài giảng về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới. Đây là lần thứ 2 trong hơn một năm triển khai dự án, đội ngũ GVCN được củng cố kiến thức, kỹ năng giáo dục bình đẳng giới nhằm chuẩn bị cho năm học mới 2015-2016.

Một lớp tập huấn kỹ năng tham vấn cho giáo viên chủ nhiệm các trường phổ thông của Hà Nội.


Hơn một năm qua, đội ngũ này đã thực hiện gần 5 nghìn tiết giảng về bình đẳng giới và phòng chống bạo lực giới. GVCN lớp có vai trò rất quan trọng đối với mọi hoạt động giáo dục, là linh hồn của lớp, là người gần gũi nhất với HS. Vì thế, việc tập huấn, bổ sung kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ này là hết sức cần thiết. Nhìn vào số liệu khảo sát ở các nhà trường, có thể thấy rõ những đóng góp của đội ngũ GVCN trong thời gian qua.

Ban đầu triển khai dự án, HS hầu như không trao đổi với cha mẹ và thầy cô giáo về những suy nghĩ, tâm tư của mình. Đến nay, 91,28% HS THCS và 87,25% HS THPT đã có những thay đổi tích cực. Nhiều HS mạnh dạn hơn trong chia sẻ với cha mẹ và giáo viên, với tỷ lệ ở cấp THCS là 63,69% và 57,95%; tỷ lệ này ở cấp THPT là 48,25% và 48%. Đáng chú ý là HS đã chủ động đến phòng tham vấn hơn, với tỷ lệ khoảng 1/3 số HS ở cấp THCS và 1/4 ở cấp THPT. Không chỉ tác động tới HS, bản thân các cô giáo cũng có những thay đổi nhất định.

Cô Đặng Ánh Tuyết (THPT Chu Văn An) cho biết: qua hai lần tham gia tập huấn, bản thân cô đã có nhiều thay đổi, biết cách thấu hiểu, đồng cảm và tạo được sự tin tưởng của HS để các em chủ động chia sẻ những vấn đề riêng tư hơn. Còn cô Vương Thị Yến (THPT Cao Bá Quát - Quốc Oai) tự nhận là người vốn nóng tính, nhưng sau các khóa tập huấn và quá trình triển khai các bài dạy, cô không chỉ kiềm chế được sự nóng nảy, mà còn tìm ra cách thức tiếp cận HS một cách tự nhiên, gần gũi. Qua nhiều lần được nghe các chuyên gia củng cố và được thực hành các kỹ năng tham vấn, khả năng quan sát HS "có vấn đề" của cô nhanh và trúng hơn. Tình trạng HS mâu thuẫn, xích mích trong lớp giảm hẳn.

Hy vọng rằng, với kiến thức và kỹ năng được trang bị từ các khóa tập huấn, đội ngũ GVCN sẽ không chỉ có thêm kiến thức, kỹ năng mà còn thêm nhiệt huyết để góp phần làm cho các hoạt động của dự án ngày càng lan tỏa.

"Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" là dự án do Sở GD-ĐT Hà Nội và Tổ chức Plan quốc tế tại Việt Nam triển khai từ tháng 6-2014 đến tháng 11-2016 với sự tài trợ của Quỹ Ủy thác của Liên hợp quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rèn kỹ năng, thêm nhiệt huyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.