Thời gian qua, nông dân xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) đã áp dụng quy trình sản xuất mới, hiện đại với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng. Thế nên 100% diện tích rau của xã được cấp giấy chứng nhận rau an toàn.
Theo ông Đặng Văn Phúc, ở thôn Trung Quan 1, xã Văn Đức, nhờ sản xuất theo chuỗi, toàn bộ sản phẩm được hợp tác xã đứng ra bao tiêu, nên các hộ sản xuất không lo về đầu ra. Hiện, gia đình ông trồng hơn 1 mẫu rau các loại, như: Cải bắp, súp lơ, cải thảo… với giá bán ổn định, cho hiệu quả kinh tế cao.
Còn theo bà Đinh Thị Luyến, ở thôn Chử Xá, xã Văn Đức, khi sản xuất rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, gia đình phải tuân thủ chặt chẽ quy trình kỹ thuật, bảo đảm thời gian cách ly khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiến hành ghi chép nhật ký đồng ruộng, nhờ đó đầu ra tương đối thuận lợi.
Gắn bó với mô hình trồng rau an toàn từ nhiều năm qua, Giám đốc Hợp tác xã Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Văn Đức (huyện Gia Lâm) Nguyễn Văn Minh cho biết, hợp tác xã có gần 1.100 hộ thành viên tham gia sản xuất. Hiện tại, xã Văn Đức có 250ha rau an toàn, trong đó 15ha sản xuất theo quy trình VietGAP. Trung bình mỗi ngày hợp tác xã cung cấp cho thị trường khoảng 40-50 tấn rau các loại, dịp Tết có thể tiêu thụ 80-100 tấn rau các loại. Trong số đó có khoảng 70% sản lượng được tiêu thụ tại hệ thống các siêu thị và chợ đầu mối trên địa bàn thành phố, số còn lại tiêu thụ tại các tỉnh lân cận.
Để nâng cao giá trị sản phẩm rau an toàn Văn Đức, những năm qua, hợp tác xã đã phối hợp với Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức tập huấn quy trình sản xuất rau an toàn cho thành viên; giám sát chéo, hướng dẫn nông dân sản xuất bảo đảm các quy định về an toàn thực phẩm, giảm tối đa việc sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật.
Ngoài ra, nhờ sự hỗ trợ của các ngành chức năng, sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã đã tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, Văn Đức đã có 12 sản phẩm rau đạt 4 sao và 5 sản phẩm được đánh giá 3 sao. Nhờ đó, sản phẩm rau an toàn của hợp tác xã không chỉ tiêu thụ nội địa, mà một số sản phẩm đã được xuất khẩu sang các nước: Nhật Bản, Hàn Quốc... giúp các thành viên hợp tác xã nâng cao thu nhập.
Là một trong những người tiêu dùng sản phẩm rau Văn Đức, bà Trần Thị Trọng ở phường Văn Quán (quận Hà Đông) chia sẻ: “Tôi thường mua và sử dụng rau an toàn Văn Đức tại các cửa hàng tiện ích và siêu thị cho thấy, rau bảo đảm chất lượng, tươi ngon và có mã QR để truy xuất nguồn gốc, xuất xứ”.
Để hỗ trợ và phát triển thương hiệu rau an toàn Văn Đức, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Lưu Thị Hằng cho biết, thời gian tới, chi cục tiếp tục phối hợp với chính quyền địa phương, hợp tác xã hỗ trợ nông dân trong sản xuất, bảo đảm đúng quy trình, từ việc ghi chép nhật ký chăm sóc đồng ruộng, tới sơ chế, chế biến sản phẩm, bảo đảm an toàn thực phẩm. Cùng với đó, ngành Nông nghiệp Hà Nội hỗ trợ hợp tác xã tham gia hội chợ xúc tiến thương mại để quảng bá, giới thiệu sản phẩm tới tay người tiêu dùng, ký kết hợp đồng tiêu thụ.
Bên cạnh đó, hợp tác xã cần công khai, minh bạch quy trình sản xuất rau an toàn, VietGAP từ khi gieo trồng đến chăm sóc, thu hoạch, sơ chế bảo quản… Qua đó để khách hàng, người tiêu dùng khi theo dõi và truy cập vào phần mềm, tem truy xuất đều nắm được các thông tin trong quá trình sản xuất, khách hàng cũng có sự tin tưởng, yên tâm về chất lượng sản phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.