Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Rất khó để thị trường vàng liên thông ngay lập tức”

Thanh Hương| 05/03/2013 10:27

(HNMO)- Nếu muốn thị trường liên thông ngay lập tức thì rất khó, vì phải bỏ ra số ngoại tệ rất lớn, 1,8 tỷ USD mỗi năm. Điều này dễ gây ra lạm phát và áp lực tỷ giá…

Phó thống đốc Lê Minh Hưng


Chiều qua, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng và Chủ tịch Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) Lê Hùng Dũng đã có buổi trao đổi với độc giả về những vấn đề nóng trên thị trường vàng qua báo điện tử Vnexpress.

Tại buổi giao lưu, trả lời thắc mắc của độc giả về chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước lên đến 4-5 triệu đồng có phải do lợi ích nhóm với các ngân hàng kinh doanh vàng, Phó Thống đốc Lê Minh Hương cho biết, thời gian qua các ngân hàng đã phải thực hiện chủ trương tất toán trạng thái nên phải mua vàng vào. Đây là một trong những lý do chính làm chênh lệch giá vàng trong nước và quốc tế tăng cao. NHNN kiên quyết thực hiện các chính sách cần thiết để yêu cầu ngân hàng thương mại chấm dứt các hoạt động nhiều rủi ro như huy động, cho vay bằng vàng và các hoạt động kinh doanh vàng rủi ro khác.

“Nếu nói chênh lệch giá hiện nay là có lợi ích nhóm ngân hàng, bạn có thể nhìn kết quả kinh doanh vàng thua lỗ của các ngân hàng thời gian qua sẽ hiểu”- Phó Thống đốc nói.

Cũng liên quan đến chênh lệch giá vàng, trước câu hỏi rằng cuối tháng 2, sau khi NHNN ký hợp đồng với SJC thì giá vàng giảm không phanh, từ chênh hơn 5,4 triệu xuống còn 2,4 triệu so với giá thế giới dù giá vàng thế giới đang tăng nhưng từ ngày 2-3 chênh lệch giá lại tăng lên 3,8-4 triệu đồng, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch SJC giải thích, diễn biến như vậy do độ trễ của diễn biến thị trường vàng và cần phải chấp nhận. “Còn hiện nay nếu muốn liên thông ngay lập tức thì rất khó, vì muốn liên thông phải bỏ ra số ngoại tệ rất lớn, 1,8 tỷ USD mỗi năm. Điều này dễ gây ra lạm phát và áp lực tỷ giá.”- Ông Dũng nói.

Ông cho biết thêm, nếu thấy chênh lệch giá lớn chỉ có cách NHNN tung vàng dự trữ ra để bán nhằm điều tiết giá vàng. Còn hiện nay chủ yếu là do thị trường tự điều tiết nên mức giá phải có chênh lệch như vậy.

“Thời gian tới, khi NHNN thực hiện can thiệp thị trường, đồng thời SJC gia công thì nguồn vàng lớn sẽ được bung ra thị trường và đủ lớn thì giá trong nước sẽ về sát thế giới.”- Ông Dũng khẳng định.

Vẫn liên quan đến chênh lệch giá vàng, trước thắc mắc liệu hiện nay giá vàng trong nước chỉ nên cao hơn thế giới 400.000 đồng/lượng, thời gian tới giá vàng trong nước về sát với thế giới hay không và thế nào được coi là "sát", Phó Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định: NHNN sẽ thực hiện các biện pháp theo quy định của pháp luật để thực hiện đúng Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ để đưa giá vàng trong nước bám sát quốc tế. Với khuôn khổ chính sách pháp luật hiện hành về hoạt động kinh doanh vàng cũng như các công cụ của mình, Ngân hàng Nhà nước hoàn toàn tin tưởng sẽ thực hiện đúng mục tiêu của mình.

Trước đây, khi chưa có Nghị định 24, chỉ cần giá trong nước chênh hơn 400.000 đồng/lượng so với thế giới là xuất hiện hiện tượng thu gom ngoại tệ với số lượng lớn để nhập vàng nguyên liệu trái phép, gây tác động tiêu cực đến thị trường ngoại hối. Diễn biến này cũng gây áp lực tới tỷ giá, dẫn đến tác động gia tăng lạm phát, gây bất ổn kinh tế vĩ mô. NHNN cũng phải cho phép nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng, việc này lại gây tiêu tốn ngoại tệ, ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, hiện nay, với quy định mới của Nghị định 24, dù chênh lệch giá trong nước và quốc tế lớn hơn nhiều so với mức 400.000 đồng nhưng không còn những tiêu cực trên.

“Còn thế nào là sát giá và sát bao nhiêu, NHNN đang tính toán và xem xét cụ thể. Điều này còn phụ thuộc vào điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, trong đó có chính sách tiền tệ trong từng thời kỳ.”- Phó Thống đốc nói.

Cũng tại buổi giao lưu, Phó Thống đốc trả lời về việc giá vàng SJC chênh lệch xa so với vàng nguyên liệu nhập về, NHNN nhập vàng để sản xuất ra vàng miếng SJC thì chênh lệch đó ai được hưởng: Theo quy định của Nghị định 24, chỉ có Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng và sản xuất vàng miếng. Việc NHNN thực hiện chức năng này là nhằm mục tiêu kéo giá vàng trong nước bám sát giá vàng quốc tế và phục vụ mục tiêu bình ổn thị trường theo Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ chứ không phải mục tiêu lợi nhuận. Cho đến nay, NHNN cũng chưa tiến hành việc nhập khẩu vàng nguyên liệu.

NHNN với tư cách người mua bán cuối cùng trên thị trường chỉ tham gia thị trường khi nào có những biến động và với mục tiêu bình ổn, chứ không vì mục tiêu lợi nhuận.

Ảnh minh họa


Liên quan đến việc nhiều người đặt nghi vấn liệu có đúng là các ngân hàng đã tạm xuất vàng phi SJC để nhập vàng nguyên liệu và lấy đâu ra 9-10 tấn vàng SJC để xuất đi, Phó Thống đốc cho biết, NHNN đã tổ chức thực hiện phương án tạm xuất vàng phi SJC, tái nhập vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế để đẩy nhanh tiến độ chuyển đổi vàng phi SJC thành vàng SJC đáp ứng nhu cầu chi trả vàng SJC cho người dân của các tổ chức tín dụng.

Về cơ bản phương án này là đổi vàng miếng phi SJC thành vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế nên không làm phát sinh nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu vàng và do vậy không tạo áp lực lên thị trường ngoại tệ, không gây ra biến động về tỷ giá. Toàn bộ lượng vàng nguyên liệu tiêu chuẩn quốc tế nhập khẩu về được sản xuất thành vàng miếng SJC để đáp ứng nhu cầu chi trả vàng cho người dân tại các tổ chức tín dụng.

Số lượng vàng tạm xuất, tái nhập này là vàng miếng phi SJC của người dân đang gửi tại các tổ chức tín dụng thời gian trước đây. Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện kiểm tra tồn quỹ thực tế số vàng này trước khi cho phép thực hiện. Đồng thời, các tổ chức tín dụng không được thu bất kỳ loại phí nào khi chi trả số vàng này cho người dân.

Cũng tại buổi giao lưu, Phó Thống đốc trấn an người dân khi dư luận xôn xao về việc vàng miếng nhỏ lẻ không còn được sử dụng trên thị trường. Ông cho biết, các loại vàng miếng đã được NHNN cấp phép sản xuất, kinh doanh trước đây, kể cả các loại vàng miếng nhỏ lẻ vẫn được mua bán bình thường. Các tổ chức được cấp phép hiện nay vẫn đang mua bán loại vàng miếng này.

Khi NHNN tham gia mua bán thị trường, là mua bán trực tiếp với các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng đuợc cấp phép mua bán vàng miếng với khối lượng lớn để bình ổn thị trường vàng. Còn các loại vàng khác vẫn được kinh doanh mua bán bình thường giữa các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng với người dân.

Đánh giá về thị trường vàng sắp tới, Phó Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, thị trường vàng quốc tế hiện nay phụ thuộc rất lớn vào các chính sách của Chính phủ và Ngân hàng trung ương các nước. Rất khó để dự đoán một cách chính xác diễn biến giá vàng, đặc biệt là trong ngắn hạn. Trong khi đó, giá vàng trong nước chịu ảnh hưởng rất lớn trước biến động của giá vàng thế giới và cung cầu thị trường trong nước.

Với các biện pháp NHNN đang và sẽ triển khai quyết liệt trong thời gian ngắn tới đây, NHNN tin tưởng rằng cung cầu trên thị trường vàng miếng sẽ cân bằng hơn và giá vàng trong nước sẽ bám sát với giá vàng thế giới. Thị trường vàng trong nước sẽ dần đi vào ổn định.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Rất khó để thị trường vàng liên thông ngay lập tức”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.