Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng

Anh Thơ| 16/05/2021 05:17

(HNNN) - Điều ít ai ngờ tới, gạo ngon nhất thế giới ST25 của Việt Nam lại bị các doanh nghiệp ở tận Mỹ và sau đó là Australia đăng ký bản quyền thương hiệu. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo đối với các doanh nghiệp về ý nghĩa của thương hiệu trong kinh doanh thương mại quốc tế. Để hàng Việt, đặc biệt là nông sản Việt không phải trầy trật “tìm lại tên mình”, cần cái “bắt tay” chặt chẽ hơn nữa giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong bảo hộ thương hiệu.

Ông Hồ Quang Cua đang làm thủ tục đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 tại Mỹ với tên “GẠO ÔNG CUA”. Ảnh: Đặng Tú

Thương hiệu “ST25” bị nhòm ngó

Thông tin gạo ngon nhất thế giới ST25 do kỹ sư, Anh hùng lao động Hồ Quang Cua lai tạo đã bị 4 doanh nghiệp đăng ký bảo hộ thương hiệu được ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) xác nhận qua thông tin phản ánh của doanh nghiệp. Theo ông Vũ Bá Phú, nếu gạo ST24, ST25 bị doanh nghiệp đăng ký bản quyền tại Mỹ thì khi Việt Nam xuất khẩu 2 loại gạo này sang Mỹ buộc phải thông qua doanh nghiệp chủ sở hữu thương hiệu ST24, ST25 ở Mỹ, nếu không sẽ vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngay sau khi nhận được thông tin, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) đã vào cuộc kiểm tra. Theo Bộ Công Thương, hệ thống đăng ký bảo hộ thương hiệu tại Mỹ cho thấy hiện có 5 hồ sơ đăng ký bảo hộ thương hiệu gạo ST25 ở trạng thái “đang kiểm tra” của 4 doanh nghiệp. “Do đó, thương hiệu gạo ST25 chưa bị mất tại thị trường Mỹ, nhưng nếu thời gian tới doanh nghiệp không làm gì, không có động thái kịp thời để bảo vệ, bảo hộ thương hiệu thì có thể bị mất” - Cục Xúc tiến thương mại khuyến cáo.

Chuyện ở Mỹ chưa kịp lắng xuống thì ngày 3-5 vừa qua, Bộ Công Thương tiếp tục cung cấp tới báo chí thông tin Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD (Australia) nộp đơn đăng ký nhãn hiệu ST 24, ST 25 kèm nội dung là “Gạo, Gạo ngon nhất thế giới”. Hiện nay, cơ quan của Australia vẫn đang ở giai đoạn xem xét trước khi công nhận.

Ông Nguyễn Phú Hòa - Trưởng cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Australia đã chủ động trao đổi với lãnh đạo Công ty T&L Global Foods Supply PTY LTD. Lãnh đạo doanh nghiệp rất có thiện chí và cho biết sẽ kiểm tra lại sự việc với bộ phận thương hiệu của công ty.

Tuy nhiên, điểm mấu chốt mà Thương vụ Việt Nam tại Australia nhấn mạnh là: “Thương vụ sẽ cùng với ông Hồ Quang Cua đẩy nhanh các thủ tục liên quan, vì không có T&L Global Foods Supply PTY LTD thì sớm hay muộn cũng sẽ có công ty khác thực hiện các việc làm tương tự”.

Nhưng “cha đẻ” của giống lúa làm ra thứ gạo ngon nhất thế giới này - Anh hùng lao động Hồ Quang Cua thì dường như đang bất lực khi không biết làm cách nào để bảo vệ cái tên cho đứa con tinh thần của mình. Ông Hồ Quang Trí - Giám đốc doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí, đơn vị đang sở hữu bản quyền lúa giống ST25 cũng phải thừa nhận, doanh nghiệp của mình “không đủ sức lo nổi chuyện bên Mỹ”.

Và khi thấy mình không đủ lực, mới đây, doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí đã ủy quyền cho Tập đoàn PAN làm thủ tục bảo hộ thương hiệu sản phẩm gạo ST25 tại Mỹ. Hiện tại, doanh nghiệp này đã gửi hồ sơ đăng ký bảo hộ sản phẩm gạo ST25 của mình dưới cái tên: GẠO ÔNG CUA.

Gian nan hành trình đòi lại tên

Trên thực tế, đây không phải là lần đầu tiên nông sản Việt bị đăng ký “trộm” bản quyền thương hiệu. Trước gạo ST25 đã có cà phê Buôn Ma Thuột, nước mắm Phú Quốc, kẹo dừa Bến Tre... ngậm ngùi nhìn cái tên của chính mình bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký và sử dụng, còn các doanh nghiệp Việt, dù ở chính nơi đã sản sinh ra nông sản ấy cũng không được phép sử dụng ở nơi nó đã được bảo hộ cái tên bởi một doanh nghiệp khác.

Đơn cử như cà phê Buôn Ma Thuột đã bị Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co., Ltd (Trung Quốc) và Công ty ITM Enterprises (Pháp) đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cà phê “Buon Ma Thuot” và “Dak Lak” vào năm 2009 dù chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp đăng bạ bảo hộ quốc gia từ năm 2005, cơ quan quản lý chỉ dẫn địa lý này là UBND tỉnh Đắk Lắk. Rất may sau đó, Bộ Công nghiệp và Thương mại Trung Quốc đã ra phán quyết hủy bỏ nhãn hiệu cà phê “Buon Ma Thuot Coffee” do Công ty Guangzhou Buon Ma Thuot Coffee Co. Ltd (Quảng Châu - Trung Quốc) đăng ký độc quyền tại nước này.

Tương tự như vậy, từ năm 1982, nước mắm Phú Quốc nổi tiếng của Việt Nam đã bị một công ty có địa chỉ tại Mỹ sử dụng làm nhãn hiệu hàng hóa. Sau đó, công ty này đã lần lượt đăng ký nhãn hiệu “Nước mắm Phú Quốc” ở EU và Australia. Đến năm 2006, Công ty này được cấp đăng ký nhãn hiệu Phú Quốc ở Trung Quốc vẫn với mẫu nhãn hiệu và logo như trên. Trải qua hành trình đấu tranh gian nan, mãi đến ngày 8-10-2012, nước mắm Phú Quốc mới được Ủy ban Châu Âu cấp văn bằng bảo hộ tên gọi xuất xứ địa lý, là sản phẩm đầu tiên của Việt Nam được bảo hộ trên thị trường của các nước thuộc EU.

Công ty Vinamit cũng phải mất tới 4 năm theo đuổi vụ kiện với 3 phiên tòa mới đòi lại thành công nhãn hiệu Đức Thành đã bị đối tác đăng ký bảo hộ tại Trung Quốc từ năm 2007... Ngoài khoản chi phí theo đuổi vụ kiện, doanh nghiệp cũng chịu nhiều thiệt hại do bị mất thị trường, sau khi thắng kiện phải xây dựng lại...

Tổng Giám đốc Công ty Phúc Sinh Phan Minh Thông cũng cho biết, công ty ông đã từng phải mất 5 năm khởi kiện một công ty khác đã đánh cắp nhãn hiệu một sản phẩm nông nghiệp của công ty mình.

Việt Nam có gần 1.000 sản phẩm đặc sản ở các vùng miền đều có thể đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bảo hộ thương hiệu nhưng đáng buồn là trong một thời gian dài có đến 80% nông sản Việt xuất khẩu dưới cái tên của doanh nghiệp nước khác. Thống kê chưa đầy đủ, đến nay mới chỉ có khoảng 50 chỉ dẫn địa lý và khoảng 140 nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể được đăng ký, được bảo hộ.

Trở lại với câu chuyện gạo ST25 vừa bị 4 doanh nghiệp tại Mỹ đăng ký bảo hộ thương hiệu, ông Hồ Quang Trí thừa nhận, không ai cấm được doanh nghiệp đăng ký thương hiệu. Cũng theo ông Trí, Thái Lan có cách ứng xử rất khác để bảo vệ thương hiệu gạo của họ. “Gạo Hom Mali đã được Thái Lan công nhận là thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp nào muốn bán gạo đó sang nước khác thì phải được nhà nước cấp cho giấy chứng nhận doanh nghiệp đó có sản xuất gạo Hom Mali của Thái. Nhưng ở Việt Nam, cho đến nay chưa ai công nhận gạo ST25 là thương hiệu quốc gia, thuộc sở hữu của Nhà nước” - ông Trí nêu một thực tế.

Có thể thấy, cho đến bây giờ câu chuyện bảo vệ thương hiệu gạo ST25 vẫn còn khiến cả doanh nghiệp, ngành chức năng lúng túng, trong khi thời gian thì không chờ đợi. Chỉ cần tờ đăng ký của 4 doanh nghiệp được cơ quan có thẩm quyền của Mỹ công nhận thì hạt gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam sẽ chính thức bước vào hành trình “đòi lại tên mình” vô cùng gian nan mà không biết khi nào kết thúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rất cần sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.