(HNM) -
Mối tình quân dân thắm thiết giữa những người lính cầm súng bảo vệ Tổ quốc và những người làm báo cầm bút xây dựng đất nước như được chắp cánh bay lên từ mảnh đất Sóc Sơn gắn liền với truyền thống Thánh Gióng ngày hôm nay.
Tổng biên tập Báo Hànộimới Hồ Quang Lợi và Sư trưởng 371 Đỗ Đức Minh tại lễ kết nghĩa. Ảnh: Linh Tâm |
Khát vọng dưới chân tượng đài
253 bậc thang đưa những người làm báo Thủ đô hôm nay đến gần hơn nữa dưới chân Tượng đài Không quân nhân dân Việt Nam vời vợi cao 65m vút lên trời xanh trên đỉnh núi Dược (thôn Dược Thượng, Tiên Dược, Sóc Sơn). Càng thêm trọn nghĩa vẹn tình với những người anh em, những chiến sỹ ngày đêm canh giữ, bảo vệ vùng trời Thủ đô khi được nghe lại những câu chuyện huyền thoại đã trở thành bất tử của những phi công thế hệ đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ đã hóa thân vào bầu trời cho cây đời xanh mãi.
Giọng cô hướng dẫn viên Phạm Thị Kim Loan sang sảng: Dưới chân Tượng đài Không quân với bức phù điêu mang ý nghĩa biểu tượng cho dáng đứng Việt Nam cho sự trường tồn của Tổ quốc, những thế hệ người Hà Nội trong đó có tuổi trẻ Sư đoàn Không quân Thăng Long và Báo Hànộimới càng thấy tự hào khi khát vọng hòa bình và truyền thống gìn giữ xây dựng quê hương đang được chắp cánh. Như từ ngàn xưa vọng về hình ảnh chàng Gióng bay về trời đã chắp cánh cho khát vọng được cống hiến hơn nữa với những chàng trai cô gái Báo Hànộimới hôm nay và các chiến sỹ Sư đoàn Không quân Thăng Long.
Không thể nói thành lời, trong lễ kết nghĩa trọn nghĩa vẹn tình nhận nhau là anh em, thế hệ trẻ hôm nay đã xúc động và cùng hòa ước mơ nguyện góp sức mình xây dựng Hà Nội hôm nay, sống xứng đáng như hình ảnh anh phi công thế hệ đầu tiên của Không quân nhân dân Việt Nam đã hóa thân vào bầu trời làm nên lịch sử. Bạn trẻ Lại Thị Phương Huế, chiến sỹ thông tin đã xúc động bày tỏ: "Đất nước đã hòa bình, non sông đã thống nhất, kinh tế - xã hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhiệm vụ bảo vệ bầu trời Tổ quốc yêu dấu đặt rất nặng nề song chúng tôi, những người trực tiếp cầm súng và những người bạn hôm nay, những người cầm bút, đều thấy phải hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ, tiếp tục cống hiến cho non sông đất nước".
Tiếp nối những truyền thống anh hùng
Trong cuốn sổ vàng tại nhà truyền thống Sư đoàn hôm nay đã lưu lại những dòng tâm thư của những người anh em làm báo Thủ đô. Thay mặt cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới Tổng biên tập Hồ Quang Lợi đã viết: "Đoàn công tác Báo Hànộimới xúc động sâu sắc và tự hào khi được đến thăm Sư đoàn Không quân Thăng Long Anh hùng - sư đoàn Không quân đầu tiên của quân đội ta, đã khắc tạc những chiến công như những kỳ tích. Chúng ta cùng kết nối tâm sức để xây dựng mối quan hệ anh em giữa Sư đoàn và Báo Hànộimới ngày càng thêm bền vững!". Mối tình thắm thiết quân dân này lại được Tổng biên tập Hồ Quang Lợi đặc biệt nhấn mạnh bằng hình ảnh tượng trưng đầy xúc động: "Nguyên cái tên Sư đoàn Thăng Long Anh hùng và Báo Hànộimới đã như nói lên tất cả mối quan hệ khăng khít tự nhiên và từ lâu của hai đơn vị. Hai cái tên gắn kết hai đơn vị, như thể từ lâu chúng ta đã là anh em".
Giao lưu giữa những người cầm súng - cầm bút. Ảnh: Dương Hiệp |
Nói về truyền thống chiến đấu, xây dựng và trưởng thành của đơn vị, Sư đoàn trưởng Đoàn Không quân Thăng Long, Đại tá Đỗ Đức Minh cho biết: "Với truyền thống là sư đoàn Không quân đầu tiên của quân đội nhân dân Việt Nam. Với truyền thống ra quân trận đầu là chiến thắng, lại vinh dự được mang tên Thăng Long, được bảo vệ chính Thủ đô thân yêu, hơn bao giờ hết, cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn càng thấy vinh dự khi giờ đây bên cạnh mình đã có thêm những người bạn cầm bút. Mái nhà chung Báo Hànộimới và Sư đoàn Thăng Long sẽ là nơi để thế hệ trẻ hôm nay viết tiếp những truyền thống vẻ vang của Thủ đô thân yêu". Lịch sử còn ghi những trang vàng, trong suốt những năm tháng đối đầu không cân sức với không quân Mỹ, lớp lớp cán bộ, chiến sỹ của Sư đoàn đã nỗ lực vượt bậc, khắc phục mọi khó khăn, vượt lên mọi âm mưu toan tính của kẻ thù, sáng tạo nhiều cách đánh thông minh, táo bạo khi tất cả lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ chiến sỹ Sư đoàn đều chung một ý chí quyết thắng.
Một địa chỉ đỏ cho cán bộ, chiến sỹ Sư đoàn Không quân Thăng Long hôm nay chính là ngôi nhà Báo Hànộimới bên Hồ Gươm lịch sử. Hiện ra dưới những cánh bay bảo vệ vùng trời Thủ đô và phía Bắc Tổ quốc, Hồ Gươm như lẵng hoa Thủ đô giờ càng thêm trọn nghĩa vẹn tình là nơi những người anh em cầm súng tìm về. Tình cảm này đã được Thiếu tướng Nguyễn Kim Cách, Phó Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân nhấn mạnh: "Chúng tôi, những người chiến sỹ đang chắc tay súng bảo vệ vùng trời thân yêu của Tổ quốc và các bạn, những "người lính" làm Báo Hànộimới đang cầm bút viết lên những bài ca tươi đẹp của cuộc sống hôm nay đã là người một nhà. Cứ như thể từ lâu chúng ta đã gặp nhau giữa trời Thăng Long lịch sử !".
Thay lời kết
Hố bom Mỹ còn để lại lưng chừng núi Dược giờ đã được phủ một màu xanh tươi mát. Nếu không có tấm biển ghi lại tội ác của quân thù, chắc không còn nhận ra dấu. Dưới hố bom này, cây đời đã mọc lên vời vợi ngày ngày reo vui trên đỉnh đồi là tượng đài cao vút, gợi nhớ huyền thoại chàng Gióng đánh tan giặc, viên mãn bay về trời. Tiếp nối lịch sử hào hùng đó, hình ảnh người phi công tượng trưng cho sức mạnh làm chủ bầu trời vẫn kiêu hãnh hướng về Thủ đô thân yêu. Biết bao người đã đi qua đây, biết bao mùa xuân như vẫn còn dưới chân tượng đài. Cứ như thể chúng tôi hôm nay đã gặp nhau trọn vẹn bên những khát vọng bay cao, bay mãi gặp nhau giữa trời Thăng Long nghìn năm!
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Sư đoàn đã xuất kích hàng nghìn lần chiếc, chiến đấu hàng trăm trận, bắn rơi 320 máy bay Mỹ, gồm 19 kiểu loại, trong đó có 2 máy bay chiến lược B52, bắn chìm và hỏng 6 tàu chiến, phá hủy 3 căn cứ và nhiều phương tiện chiến tranh hiện đại của Mỹ. Những tấm gương chiến đấu của những phi công nổi tiếng của Sư đoàn 371 như Trần Hanh, Phạm Thanh Ngân, Nguyễn Hồng Nhị, Nguyễn Văn Cốc, Phạm Tuân… khiến kẻ thù khiếp đảm còn ghi tạc trong lòng bao thế hệ người Việt hôm nay. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.