(HNM) - Hiện nay, các dự án năng lượng tái tạo đăng ký đầu tư như điện mặt trời, điện gió… lên đến con số hàng trăm, nhưng triển khai trên thực tế vẫn rất ít. Nguyên nhân chủ yếu là lợi nhuận của nguồn năng lượng tái tạo thấp, cùng với đó là các rào cản liên quan tới cơ chế chính sách, tổ chức thực hiện, trình độ áp dụng công nghệ…
Với đường bờ biển dài cộng thêm số giờ ánh sáng lên tới 2.700 giờ/năm, Việt Nam có nhiều tiềm năng trong phát triển năng lượng tái tạo. Dù Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách thúc đẩy các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tiến tới giảm tỷ lệ nhiệt điện than, nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng.
Tại phiên họp Chính phủ trực tuyến với các địa phương, vào tháng 6-2019, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết: "6 tháng năm 2019, tốc độ tăng phụ tải rất lớn, vượt xa so với dự kiến. Từ nay đến cuối năm, chúng ta có điều kiện để “trông chờ” 5.000MW của các dự án điện mặt trời bổ sung, chủ yếu ở miền Trung. Song, các dự án năng lượng tái tạo lại đang gặp vướng mắc về hệ thống hạ tầng để giải tỏa công suất".
Thông tin thêm về thực trạng này, ông Bùi Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) chỉ rõ, hiện tiến độ triển khai các công trình lưới điện để giải tỏa nguồn công suất các dự án năng lượng tái tạo đang gặp vướng mắc. Mặc dù các công trình điện 110kV đã được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển điện lực tỉnh Bình Thuận, Ninh Thuận giai đoạn 2011-2015, có xét đến năm 2020; nhưng đến nay vẫn chưa thể vận hành dẫn đến không đồng bộ giữa nguồn và lưới điện, gây ra hiện tượng quá tải. Nguyên nhân vì các công trình này gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng vì đường dây dài, đi qua địa bàn nhiều địa phương.
Ở một khía cạnh khác, ông Đỗ Minh Kính, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Bình Thuận cho biết: "Bình Thuận hiện có 95 dự án điện mặt trời, tổng công suất đầu tư khoảng 6.047MWp, vốn đầu tư khoảng 143.432 tỷ đồng. Nhưng, quá trình thực hiện còn nhiều vướng mắc chưa được khai thông. Cụ thể, giá mua điện gió thấp (8,5 UScents/kWh), các nhà đầu tư chưa đáp ứng về năng lực quản lý, năng lực tài chính; việc đền bù giải tỏa gặp nhiều khó khăn; tình hình hạ tầng lưới điện đấu nối, truyền tải hiện nay không đủ khả năng giải phóng công suất phát điện…".
Tình trạng trên cũng xảy ra tương tự với năng lượng gió. Hầu hết các thiết bị làm dự án ở Việt Nam không sản xuất được mà phải nhập khẩu. Điều này đã đội giá thành chi phí đầu tư tăng cao. Chẳng hạn, nhập khẩu turbine gió của Mỹ, châu Âu thì tiền vận chuyển cũng chiếm 10-15% giá trị công trình. Bên cạnh đó, do cơ sở hạ tầng của nước ta chưa tốt, một số dự án nhà đầu tư phải tự bỏ tiền ra làm đường vận chuyển thiết bị, dẫn đến đội giá thành đầu tư.
Đề cập đến vấn đề này, ông Phạm Trọng Thực, Vụ trưởng Vụ Năng lượng mới và tái tạo (Tổng cục Năng lượng, Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù thời gian qua, Chính phủ đã có các chính sách hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo, nhưng các nhà đầu tư đánh giá chính sách hỗ trợ của Việt Nam vẫn chưa đồng bộ và thấp so với các nước trên thế giới.
Tìm giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh thông tin, Bộ đang chỉ đạo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) thực hiện nghiêm các giải pháp đầu tư, thúc đẩy tiến độ các dự án lưới điện, trạm biến áp để giải tỏa công suất tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận. Đồng thời, EVN phối hợp cùng các địa phương bảo đảm tiến độ chung của các dự án, nhất là việc giải phóng mặt bằng…
Cùng với đó, Bộ Công Thương đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, cho phép áp dụng một số cơ chế đặc thù liên quan đến Luật Quy hoạch mới để tập trung đẩy nhanh tiến độ, đưa một số dự án mới vào vận hành, góp phần giải tỏa công suất, cân đối nguồn cung điện từ nay đến cuối năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.