(HNM) - Hà Nội triển khai xây dựng mô hình NTM toàn quốc tại xã điểm Thụy Hương (Chương Mỹ) và 18 xã điểm cấp thành phố và các huyện. Thời gian qua, cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị của Thủ đô vào cuộc thực hiện. Tuy nhiên, hiện nay nhận thức về xây dựng NTM của nhiều người dân còn chưa đầy đủ, là rào cản trong quá trình xây dựng NTM.
Xây dựng, cải tạo kênh mương tại xã Thụy Hương (Chương Mỹ). Ảnh: Bá Hoạt |
Xây dựng NTM là sự nghiệp của toàn dân, do người dân làm chủ thể, lấy phát huy nội lực là chính, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí. Ấy vậy nhưng tại các xã, người dân - chủ thể thực hiện xây dựng NTM vẫn hiểu, xây dựng NTM là sự tăng cường đầu tư của cấp trên về phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn. Trong khi đó, đây chỉ là một trong năm nhóm của chương trình xây dựng NTM theo bộ tiêu chí quốc gia. Có 8/9 ý kiến của người dân tại các xã xây dựng NTM như Đại Đồng (Thạch Thất), Nghĩa Hương (Quốc Oai)... cho biết, theo họ thì xây dựng NTM đơn thuần là được Nhà nước cho kinh phí để làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng và các công trình phúc lợi khác. Họ bảo, vì đa số các cuộc họp với dân chủ yếu thấy cán bộ nói về làm đường và các công trình hạ tầng kinh tế. Khi được hỏi về chủ trương xây dựng NTM, anh Nguyễn Lộc ở Đại Đồng (Thạch Thất) cho biết, cũng không rõ lắm nhưng chỉ biết từ khi xã làm điểm xây dựng NTM thì được cấp trên đầu tư kinh phí mở đường, được phép đấu giá đất lấy nguồn thu... Nếu được kêu gọi huy động đóng góp cùng với Nhà nước thì thế nào? Anh Lộc thật thà bảo, đóng góp tiền thì không có điều kiện, nhưng nếu góp công lao động để xây dựng công trình phúc lợi thì được.
Ngay cả trong các đề án NTM của các xã điểm, phần bố trí kinh phí cho xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế chiếm đa số, phần dành cho đầu tư phát triển sản xuất, tuyên truyền vận động… chiếm số ít. Đơn cử như đề án NTM của xã Mai Đình (Sóc Sơn), trong tổng số 252 tỷ đồng thì kinh phí xây dựng cơ bản chiếm 193 tỷ đồng (chiếm 76,2%), kinh phí cho các hoạt động khác như tuyên truyền, đầu tư sản xuất... chỉ là 35 tỷ đồng (chiếm 13,8%). Đề án NTM xã Song Phượng (Đan Phượng) được phê duyệt gần 300 tỷ đồng thì vốn xây dựng cơ bản là 260 tỷ đồng (chiếm 86,5%)...
Chương trình xây dựng NTM của Hà Nội giai đoạn 2010-2020, định hướng đến 2030 dự kiến huy động vốn cho chương trình là 32.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách và có nguồn gốc ngân sách chỉ có 18.000 tỷ đồng, huy động từ doanh nghiệp 1.400 tỷ đồng, nhân dân đóng góp 5.700 tỷ đồng và một số nguồn vốn khác. Nếu nhận thức của người dân còn trông chờ ỷ lại vào nguồn ngân sách khi triển khai chương trình xây dựng NTM thì 5.700 tỷ đồng sẽ rất khó huy động. Ông Tăng Minh Lộc, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho rằng, khi người dân chưa nhận thức được xây dựng NTM Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí, còn lại chính người dân phải phát huy nội lực để tự triển khai xây dựng những công trình của chính mình thì sẽ rất khó.
Theo ông Lê Thiết Cương, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, kinh nghiệm ở nhiều địa phương cho thấy, nơi nào làm tốt công tác tuyên truyền, vận động đến từng người dân để họ hiểu đúng, thấy được trách nhiệm của mình thì nơi đó phong trào xã hội hóa và phong trào khác trong xây dựng NTM sôi động. Đơn cử như công tác dồn điền đổi thửa, sau hơn 5 tháng kể từ khi UBND thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 68/KH-UBND ngày 9-5-2012 và Sở NN&PTNT có hướng dẫn số 29/HD-SNN về "Quy trình thực hiện công tác dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố Hà Nội" nhưng tại nhiều huyện, thị xã vẫn chưa xây dựng được phương án như: Sơn Tây, Thanh Oai, Mỹ Đức, Gia Lâm, Ứng Hòa, Đông Anh, Thanh Trì và Mê Linh. Nguyên nhân nêu ra là do công tác tuyên truyền, vận động nhân dân còn hạn chế, người dân chưa thấy được ích lợi trước mắt và lâu dài của việc dồn điền đổi thửa.
Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo NTM Hà Nội Nguyễn Công Soái, các địa phương phải tổ chức học tập, nghiên cứu để hiểu đầy đủ và thống nhất hành động, tập trung tuyên truyền, vận động, giáo dục để người dân nhận thấy yêu cầu, nhiệm vụ và quyền lợi khi xây dựng NTM là cho chính mình chứ không phải ai khác. Nếu chưa quan tâm hoặc ít quan tâm đến vấn đề này thì xây dựng NTM sẽ khó thành công. Xây dựng NTM là một quá trình lâu dài giúp người dân nông thôn từ người sản xuất nhỏ, manh mún thành người nông dân sản xuất hàng hóa, tạo cho họ cuộc sống vật chất và tinh thần sung túc, rút ngắn khoảng cách giữa thành thị và nông thôn, bảo đảm công bằng xã hội.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.