Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rạn nứt trên nền móng mới

Lâm Phương| 20/05/2011 06:06

(HNM) - Quan hệ Nga - Mỹ vừa được nhìn nhận là đã có bước đột phá khi Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược (START) mới giữa hai nước có hiệu lực cách đây 3 tháng.

Nhưng tất cả mọi nỗ lực của Kremlin và Nhà Trắng - trước sự đáng sợ của các loại vũ khí hủy diệt - lại lâm vào thách thức mới khi Washington vừa đạt được thỏa thuận triển khai một phần hệ thống phòng thủ tên lửa quốc gia (NMD) tại Deveselu và sử dụng sân bay Mihail Kogalniceanu, Cảng Constanta làm căn cứ quân sự tại Romania. Cùng với sự kiện di chuyển phi đội máy bay chiến đấu F-16 từ Italia sang Ba Lan, đây là nhân tố hoàn toàn mới trong chiến lược chung nhằm đưa hạ tầng cơ sở chiến tranh của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tới sát biên giới Nga trước thềm chuyến thăm châu Âu của Tổng thống Barack Obama từ ngày 23 đến 28-5 tới.

Trên thực tế, căng thẳng giữa Mátxcơva và Washington lần này không phải là điều quá bất ngờ bởi NMD vốn được coi là một trong những vấn đề nổi cộm giữa hai cường quốc hạt nhân trong suốt hơn một thập kỷ qua. Ngay cả khi START mới được Tổng thống hai bên đặt bút ký vào ngày 9-4-2010 tại Thủ đô Prague của Cộng hòa Czech thì dư luận vẫn không khỏi quan ngại về sự mập mờ trong mối quan hệ giữa vũ khí hạt nhân tấn công chiến lược với lá chắn tên lửa. Rút cuộc, trong văn bản START mới, thay vì nội dung cam kết chi tiết và cụ thể gắn hai vấn đề này với nhau thì mỗi bên lại tự bổ sung những điều kiện riêng theo quan điểm có lợi cho mình. Washington cho rằng Hiệp ước không được cản trở sự phát triển NMD của Mỹ, còn Mátxcơva cương quyết gắn vũ khí tấn công chiến lược với NMD như một trong những yêu cầu chủ chốt để duy trì START mới.

Lập luận của Mátxcơva được giải thích cặn kẽ trong Học thuyết quân sự mới của Nga đến năm 2020, cho rằng NMD là vi phạm tương quan lực lượng đã hình thành trong lĩnh vực tên lửa - hạt nhân và là nguy cơ nghiêm trọng nhất với an ninh nước này. Do đó, không có gì lạ khi Mátxcơva bảo lưu quyền sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp lại việc sử dụng vũ khí hạt nhân và các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt khác nhằm chống lại nước Nga và các đồng minh của Nga. Trong bài phát biểu ngày 18-5, Tổng thống Dmitry Medvedev không ngần ngại tuyên bố Nga sẽ tăng cường khả năng tấn công hạt nhân nếu NATO từ chối hợp tác với Mátxcơva trong dự án phòng thủ tên lửa châu Âu.

Ngoài vấn đề liên quan tới lá chắn tên lửa, phản ứng không khoan nhượng của Điện Kremlin lần này là hoàn toàn có cơ sở vì sự hiện diện của Mỹ tại hai căn cứ quân sự của Romania bên bờ Biển Đen cho thấy Nhà Trắng chưa bao giờ có ý định dừng chiến lược vây bủa và cô lập Nga trong lĩnh vực phòng thủ. Hiểu theo một cách khác thì bàn cờ địa chính trị tại khu vực này đang đứng trước những thay đổi lớn. Thứ nhất, "cái bắt tay" với Bucharest có thể giúp Mỹ mở tuyến đường vận tải mới từ Afghanistan qua Georgia, Azerbaijan và Turkmenistan. Đây được xem là "Con đường tơ lụa" mới qua Trung Á, giúp Mỹ giảm phụ thuộc vào đường vận tải hiện tại vốn phải qua lãnh thổ Nga. Điều này dự báo vai trò của Nga trong khu vực sẽ sụt giảm. Thứ hai, sự hiện diện của Mỹ tại Biển Đen sẽ tạo ra một cơ chế giám sát đáng dè chừng đối với Hạm đội Biển Đen của Nga đang đóng ở Cảng Sevastopol. Vậy nên, không phải ngẫu nhiên Đô đốc Viktor Kravchenko, cựu Tham mưu trưởng lực lượng Hải quân Nga lại đưa ra đề xuất phải tăng cường khả năng chiến đấu của Hạm đội Biển Đen.

Vẫn biết sự ấm - lạnh trong quan hệ Nga - Mỹ là khó tránh và những gì đang diễn ra chỉ là sự tiếp nối của chuỗi mâu thuẫn kéo dài nhiều năm qua. Tuy nhiên, đáng nói là, sự việc xảy ra vào thời điểm nhiều hy vọng nhất để hai bên chấm dứt thời kỳ căng thẳng, tức là chỉ 3 tháng sau khi START mới chính thức có hiệu lực. Điều này có thể gây phương hại đến nền móng quan hệ mới mà Nga, Mỹ đang cố tạo dựng kể từ khi Tổng thống Barack Obama lên nắm quyền; đồng thời tạo điều kiện để "bóng ma" ngờ vực lẫn nhau tiếp tục trở lại, đeo đẳng mối quan hệ của hai cựu địch thủ thời kỳ Chiến tranh lạnh. Nghiêm trọng hơn nữa, tranh cãi giữa hai cường quốc có thể là nguyên nhân khiến START mới bị khai tử, đẩy sự ổn định của an ninh châu Âu vào một viễn cảnh mới đầy thăng trầm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Rạn nứt trên nền móng mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.