Theo dõi Báo Hànộimới trên

Rằm tháng Bảy: Hướng tâm hiếu kính

Minh Ngọc| 15/08/2011 06:50

(HNM) - Nếu như trước Rằm, người người, nhà nhà hối hả sắm lễ thì hôm qua 14-8 (tức Rằm tháng Bảy Tân Mão), không khí của ngày Rằm được thể hiện tôn nghiêm, trang trọng, thành kính...


Dâng hương ngày Rằm tháng Bảy tại chùa Quán Sứ. Ảnh: Hoàng Long

Sáng ngày 14-8, đường phố trung tâm Thủ đô như vắng lặng hơn và dường như có phần lắng lại. Chùa Quán Sứ làm lễ cầu siêu, các tăng, ni, phật tử thành tâm tụng kinh niệm phật, cầu cho quốc thái dân an; nhà chùa làm lễ đàn Mông Sơn chẩn tế cô hồn để thỉnh Phật bố thí cho chúng sinh. Chùa Trấn Quốc tổ chức khóa lễ cầu an "Đại hội Dược sư" với sự tham dự của hàng trăm tăng, ni, phật tử, đọc kinh "Vô lượng thọ" và làm lễ "A Di Đà cầu siêu tiến". Tại chùa Phúc Khánh, hàng nghìn tăng, ni, phật tử với lòng thiện, tâm thành cùng nhà chùa lập đàn cầu siêu, nghe kinh, thụ đạo. Hầu hết các chùa trên địa bàn Thủ đô đều làm lễ cúng với đồ chay như hoa quả, phẩm oản, cháo trắng, bỏng ngô, bỏng gạo… cầu cho các vong hồn được siêu thoát.

Dự những khóa lễ này, tâm hồn mỗi người như được thư thái, sống thanh thản hơn. Như ông Phạm Xuân Vinh (pháp danh Minh Tịnh) từ xã Kinh Bình, huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) về làm lễ ở chùa Quán Sứ tâm sự: "Trước đây cũng có đôi lúc tôi ăn nói trần tục, có khi gắt gỏng với người khác, nhưng 6 năm nay kể từ ngày thắp nén hương thơm, tụng kinh niệm Phật, tôi bỏ được những thói hư tật xấu ở đời, sống thanh thản, hướng thiện. Tôi đối xử với con cái và mọi người xung quanh mình tốt hơn vì hiểu ra rằng, muốn nhận được điều cầu nguyện thì mình phải cho trước đã".

Theo một nhà sư: "Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng "mình còn mẹ" và cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa". Đạo lý tốt đẹp ấy xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiều Liên đại hiếu đã cứu mẹ ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Và hôm nay, vào dịp Rằm tháng Bảy, hàng triệu người con dù còn hay đã mất mẹ đều tỏ lòng hiếu kính.

Hạnh phúc vì có mẹ ở bên, chị Nguyễn Thanh Xuân ở Phú Cường (Ba Vì) dậy sớm đi chợ sắp bữa cơm tươm tất, ấm cúng mời bố mẹ và anh chị em về quây quần. Ông bà kể chuyện cho con cháu nghe, con cháu thì ríu ran "khoe" thành tích học tập, công tác. Chị Xuân cho biết, gia đình chị thường báo hiếu bố mẹ bằng những buổi sum họp như thế. Còn em Lê Văn Hải, sinh viên lớp K61, Khoa Kinh tế xây dựng, Trường Cao đẳng Giao thông - Vận tải đã dành dụm những đồng tiền làm thêm trong dịp hè để mua tặng mẹ một món quà. Em nói: "Dường như tất cả những đứa con đều nghĩ rằng cha mẹ phải quan tâm, chăm sóc các con, nước mắt chảy xuôi chứ có bao giờ chảy ngược? Vì thế đôi khi chúng em vui, hạnh phúc, đau khổ, khóc lóc vì yêu đương, vì những mối lo của bản thân mà quên mất rằng mình còn có bố mẹ bên cạnh cũng rất cần mình quan tâm, lo lắng bằng những việc làm rất nhỏ thường ngày. Em tặng mẹ món quà ngày Lễ Vu Lan để biết ơn công sinh thành, dưỡng dục".

Theo TS Nguyễn Mạnh Cường, Viện Nghiên cứu tôn giáo thì lễ cúng Rằm tháng Bảy mỗi nơi, mỗi thời có sự khác nhau nhưng đều giống nhau ở chỗ tỏ lòng hiếu kính với cha mẹ, mong cho người bị đầy đọa được tự do, người đói khổ được ấm no, người có tội được tha thứ, người oan ức được giải oan... Bởi thế mà ở nội thành cũng như ngoại thành Hà Nội, và cả nước vào dịp ngày Rằm, người người, nhà nhà thắp nén hương thơm, giữ tâm trong sáng để tưởng nhớ những người đã khuất và cả những người thân đang hiện diện bên ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Rằm tháng Bảy: Hướng tâm hiếu kính

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.