Bắt đầu từ tuần này, học sinh cả nước đã bước vào năm học mới. Một vòng quay mới với niềm vui mới của trẻ và mối quan tâm, lo lắng chưa bao giờ vơi của các bậc phụ huynh. Làm gì để mang lại điều kiện học tập thật tốt cho con em mình, giúp chúng trưởng thành và tránh xa cạm bẫy ngày càng tinh vi, có thể khiến trẻ vô tình rẽ sang ngả bất lợi trong đường đời?
Lác đác có những lớp, trường tổ chức họp phụ huynh. Nhiều người chán nản khi tham dự bởi chỉ nhìn thấy ở đó những “khoản chi”, một số tìm thấy cơ hội giao lưu với bố mẹ bạn của con mình và lắng nghe kinh nghiệm nuôi dạy con từ họ.
Trong một buổi họp như thế, vào đầu tháng 9 này, khi được chia sẻ nỗi lo về sự phát triển của trẻ và hỏi ý kiến, một phụ huynh đã kể câu chuyện của con mình, diễn ra từ năm ngoái. Cậu bé này, từ sự thiếu quan tâm của cha mẹ, đã tiếp cận với truyện được đăng tải trên mạng. Không có sự giám sát của người lớn, cháu từ đọc những câu chuyện về tình bạn, tình cảm khác giới giữa học sinh với nhau chuyển sang truyện ngôn tình của người lớn lúc nào không hay. Người mẹ làm tự do, thường xuyên ở nhà nhưng chỉ phát hiện sự việc khi vô tình vào phòng con và thấy cậu đắp chăn trùm đầu khi ngủ. Hóa ra cu cậu lén "đọc truyện đêm khuya" qua chiếc điện thoại thông minh. Lịch sử truy cập khiến bà mẹ chết khiếp vì sợ...
Đó không phải là một phát hiện đúng nghĩa, nhưng câu chuyện gợi ý về một điều nguy hiểm mà nhiều người có xu hướng bỏ qua. Các diễn đàn về nuôi dạy trẻ tràn ngập lời than thở vì con chơi games, quên rằng trẻ có thể tiếp cận với những thứ thực sự độc hại khác qua chiếc điện thoại di động.
Năm nay, dường như sau một cuộc hội thảo về đề tài liên quan, báo chí đồng loạt đưa ý kiến từ giới văn chương, nhà nghiên cứu về việc “rác văn học” đang xuất hiện ngày một nhiều trên mạng. Bằng cách định danh “rác”, có thể hiểu rằng ngay từ đầu chúng ta đã thể hiện thái độ coi thường đối với thứ được gọi là “văn học” nhưng không có ý nghĩa nhiều về mặt văn chương.
Sự tiếp cận vấn đề theo hướng coi rẻ, không thèm đếm xỉa bởi “không có ý nghĩa gì về mặt học thuật” dẫn đến hệ quả là thái độ không coi trọng sự tác động của “thể loại này” đối với đời sống xã hội nói chung và sự hình thành nhân cách của giới trẻ nói riêng, dù đa số đánh giá rằng đối tượng hướng tới đầu tiên của văn học mạng là những người trẻ. Bởi vậy, lời cảnh tỉnh về sự độc hại từ nhiều thứ trong “mớ văn học ba xu” vốn đầy rẫy trên mạng thực sự là yếu ớt. Đó là những gì, “độc” đến mức nào?
Tác giả đã chia sẻ câu chuyện về con nói trên kể rằng chị đã bỏ công tìm hiểu con mình đọc những gì. Có vẻ như cháu bị thu hút bởi thứ truyện được xếp vào mục “xuyên không”, “tiên hiệp”, “dị giới”, đáng sợ là trong những thứ cậu bé đã đọc có không ít yếu tố tình dục đồng giới và khác giới... Giới quan sát có thể thêm vào hiểu biết của các bậc phụ huynh, khi chỉ ra rằng trong số những thứ được gọi là “truyện” trên mạng có vô số truyện dịch hoang đường, xuyên tạc lịch sử, cổ xúy bạo lực và hủ tục “một chồng nhiều vợ”, trọng nam khinh nữ, bỏ qua luật pháp...
Hiện đang có ý kiến rằng chúng ta chưa thể kiểm soát tốt mảng văn học mạng, do rào cản về kỹ thuật và cơ chế kiểm soát liên quan tới luật pháp. “Tường lửa” chưa đủ nhiệt và nhiều trang mạng thường xuyên đăng những thứ rác rưởi có đủ cách để tránh né sự kiểm soát, khiến mối lo lơ lửng trên đầu mỗi nhà, nhất là khả năng trẻ em tiếp cận với những thứ độc hại trong bối cảnh chúng chưa có đủ kỹ năng nhận biết và phân loại những điều tốt/ xấu.
Bởi vậy, đối với trẻ em, việc phòng chống tác động tiêu cực từ môi trường mạng phụ thuộc phần lớn vào mức độ quan tâm, hiệu quả trong việc giúp con trẻ xử lý vấn đề của cha mẹ và nhà trường. Những buổi họp phụ huynh, các diễn đàn chung của cha mẹ học sinh cần dành thời gian cho những câu chuyện thực tế về quá trình học/ chơi/ nghỉ ngơi/ giải trí của trẻ, cả ở trong và ngoài nhà trường, từ đó có biện pháp phối hợp hiệu quả nhằm giúp học sinh duy trì lối sống lành mạnh, tập trung cho sự học. Đó cũng là “tường lửa” của chúng ta.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.