(HNM) - Trong bối cảnh ngày khai mạc các giải đấu quốc nội đã cận kề, những tranh cãi xung quanh vấn đề bản quyền truyền hình (BQTH) giữa Công ty Nghe nhìn toàn cầu (AVG) và VPF (Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam) đang làm dấy lên lo ngại Giải Bóng đá VĐQG sẽ vắng bóng trên sóng các đài truyền hình lớn.
Nếu không điều chỉnh hợp đồng với AVG, có thể giải VĐQG sẽ vắng bóng trên các đài truyền hình lớn khoảng 20 năm nữa. Ảnh: VSI
Trên thực tế, AVG gần như chưa đưa ra ý kiến chính thức nào về vấn đề trên. Trong một tuyên bố gần nhất, với nội dung tương đối rõ ràng, Chủ tịch AVG Phạm Nhật Vũ đã khẳng định hợp đồng giữa AVG với VFF được sự bảo đảm của luật pháp và không phải vì chuyện nào đó mà thay đổi được. Ở đây, ông Vũ muốn nhắc tới sự ra đời của VPF. Cùng với quá trình khởi xướng và cho ra đời VPF, Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội Nguyễn Đức Kiên đã khơi lại bản hợp đồng của AVG với VFF, với yêu cầu phải tiến hành xem xét lại. Để người đọc dễ hình dung hơn, chúng tôi xin tóm gọn lại câu chuyện tốn nhiều giấy mực trên.
Bản hợp đồng gây tranh cãi
Cuối năm 2010, khi ĐTVN đang tham dự AFF Cup, VFF đã bất ngờ tiến hành ký kết hợp đồng bán độc quyền BQTH V.League (ngoài ra còn bản quyền các trận đấu của ĐTQG, giải hạng Nhất, cúp quốc gia…) với AVG với thời hạn lên tới 20 năm. Trước đó, khi thông tin AVG mua BQTH V.League lộ ra, đã làm dấy lên những ý kiến tranh cãi giữa các bên có liên quan. Theo những người phản đối, thì trên thế giới hợp đồng BQTH thường có thời hạn tối đa không quá 3 năm, có điều khoản ưu tiên rằng bên "mua" sẽ tiếp tục được ký hợp đồng sau khi hết thời hạn. Tuy nhiên, hợp đồng AVG ký với VFF (và cả LĐ Điền kinh Việt Nam) đều có thời hạn 20 năm, với điều khoản đi kèm là AVG được ưu tiên ký tiếp trong 10 năm tiếp theo. Nhiều đài truyền hình lớn như VTV, VTC đều bày tỏ lo ngại trước việc VFF ký kết hợp đồng với AVG. Lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam và một số liên đoàn thể thao cũng cho rằng, việc các liên đoàn (bóng đá, điền kinh) ký hợp đồng với AVG trong 20 năm là không hợp lý bởi nhiệm kỳ của các liên đoàn dài nhất chỉ 5 năm. Tuy nhiên, cả AVG và VFF đều cho rằng, bản hợp đồng giữa đôi bên không sai luật. Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ khẳng định, với việc ký kết hợp đồng 20 năm với AVG, VFF đã "vượt qua tư duy nhiệm kỳ". Lãnh đạo VFF cũng đồng thời khẳng định về quyền sở hữu đối với BQTH các giải đấu trên. "Như BQTH World Cup thuộc FIFA, ASIAN Cup thuộc AFC" - Phó Chủ tịch VFF Lê Hùng Dũng nói. Và trong khi dư luận còn đang bán tín, bán nghi trước lập luận của đôi bên, VFF đã ký hợp đồng với AVG.
"Bầu" Kiên và VPF
Câu chuyện BQTH V.League một thời gian đã lắng xuống thì bất ngờ được khơi lại. Tại hội nghị tổng kết mùa giải 2011 tổ chức tại Hà Nội vừa qua, Chủ tịch CLB bóng đá Hà Nội Nguyễn Đức Kiên đã tuyên bố, VFF cần xem xét lại hợp đồng BQTH với AVG. Theo ông Kiên, bản hợp đồng trên là chưa từng có ở đâu trên thế giới, ảnh hưởng sâu rộng tới bóng đá Việt Nam. Quan điểm của ông Kiên đã nhận được sự ủng hộ của nhiều CLB hạng Nhất và V.League cũng như các đài truyền hình lớn. Trong cuộc họp báo sau Đại hội cổ đông VPF lần I, ông Kiên (được bầu làm Phó chủ tịch HĐQT VPF) tiếp tục khẳng định lại quan điểm, sẽ đàm phán với AVG, bên cạnh việc mời các đài truyền hình khác đến làm việc. Theo ông Kiên, AVG sẽ vẫn là đối tác ưu tiên, nhưng thời hạn hợp đồng sẽ phải rút xuống còn 3 năm. Được biết, sau khi thành lập, VPF sẽ tiếp nhận toàn bộ các hợp đồng của VFF ký với các đối tác, bao gồm cả hợp đồng BQTH trên. Ngay lập tức, VTV và VTC, hai đài truyền hình lớn đều ủng hộ "bầu" Kiên. Giám đốc kênh thể thao VTC3 Vũ Quang Huy cho rằng, việc rút hợp đồng của VFF với AVG xuống 3 năm sẽ có lợi cho các đài, VPF và cả người hâm mộ. Theo ông Huy, các đài cần được đối xử công bằng, làm sao để càng nhiều đài phát sóng truyền hình về V.League càng tốt.
Ra tòa, hay ngồi lại với nhau?
Va chạm đầu tiên giữa AVG và nhà đài khác xảy ra ở trận Siêu cúp Báo Tiền Phong tổ chức tại sân Vinh. Ban đầu, AVG đã không đồng ý cho VTV (đơn vị được Báo Tiền Phong chấp thuận cho phát sóng) được tường thuật trận đấu trên. Tranh cãi nổ ra và cuối cùng, các bên buộc phải đi đến một phương án dung hòa, là cả AVG và VTV đều phát sóng trận đấu.
Dư luận bắt đầu lo lắng khi loạt trận sơ loại cúp quốc gia diễn ra sau đấy đồng loạt không được truyền trên sóng của các đài, kênh truyền hình lớn như VTV, VTC, Bóng đá TV, Thể thao TV. Theo tìm hiểu, AVG đồng ý cho các đài truyền hình tiếp sóng các trận đấu, nhưng với điều kiện phải tiếp sóng toàn bộ, tức bao gồm cả logo, các "shot" quảng cáo, bình luận trước và sau trận… Riêng với VTV, AVG cho phép được tường thuật trận đấu còn lại của V.League, sau khi AVG đã chọn làm 6/7 trận. Dĩ nhiên, VTV và các đài truyền hình khác không đồng ý. Cho đến thời điểm hiện tại, khi ngày khai mạc V.League và các giải đấu khác đã cận kề, các bên vẫn chưa tìm được tiếng nói chung. Trong khi đó, theo khẳng định của đại diện nhà tài trợ V.League - Ngân hàng Eximbank, thì hợp đồng của Eximbank với VFF có bao gồm điều khoản liên quan đến thời lượng phát sóng trên các đài truyền hình lớn. Phó TGĐ Ngân hàng Eximbank Trần Đại Lộc bày tỏ mong muốn AVG và VPF sẽ ngồi lại được với nhau.
Theo phân tích của các luật sư thông thạo về vấn đề này, VPF và "bầu" Kiên có đủ cơ sở để yêu cầu AVG phải tiến hành đàm phán lại. Trong trường hợp không chấp thuận các điều kiện đàm phán, AVG có thể kiện ra tòa án dân sự. Tuy nhiên, khả năng này không lớn bởi hiện tại luật dân sự thiếu các quy định cụ thể đối với trường hợp này. Một phương án khác, VPF có thể đơn phương phá bỏ hợp đồng, chấp nhận đền bù. Số tiền đền bù dĩ nhiên sẽ rất lớn, bởi hợp đồng AVG ký với VFF có thời hạn tới 20 năm, với số tiền 6 tỷ đồng/năm, lũy tiến 10% qua từng năm. "Tuy nhiên, phương án tốt nhất là đôi bên nên ngồi lại với nhau để tìm ra biện pháp dung hòa lợi ích của cả đôi bên. Nếu đặt lợi ích của người hâm mộ, sự phát triển của bóng đá Việt Nam lên hàng đầu thì tôi tin, vấn đề sẽ được giải quyết" - một luật sư thuộc đoàn luật sư Hà Nội cho biết.
Trao đổi với báo giới sau cuộc họp BCH VFF ngày 22-12 vừa qua, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ cũng cho rằng, VPF và AVG sẽ nhanh chóng giải quyết được các khúc mắc để sớm đưa hình ảnh của V.League lên sóng các đài truyền hình. "Hợp đồng không có gì sai, nhưng chúng ta vẫn có thể ngồi lại đàm phán với nhau - ông Hỷ cho biết - VPF sẽ phải bảo đảm tính kế thừa các hợp đồng của VFF. Tôi tin rằng để giải quyết vấn đề này không khó".
TGĐ VPF Phạm Ngọc Viễn: Chờ hợp đồng chuyển giao Hiện tại chúng tôi vẫn đang chờ VFF chuyển giao hợp đồng BQTH với AVG để xem xét, sau đó mới quyết. Việc này cần phải thực hiện thông qua một hợp đồng mới. Quan điểm của chúng tôi là đôi bên nên vì lợi ích chung. AVG khi ký hợp đồng BQTH với VFF, mục tiêu đặt ra đầu tiên cũng vì sự phát triển của bóng đá Việt Nam. Thế nên, tôi cho rằng đôi bên sẽ không gặp nhiều khó khăn trong việc xích lại với nhau. Rõ ràng trong câu chuyện này, không ai muốn vướng mắc giữa các bên ảnh hưởng tới bóng đá Việt Nam và quyền lợi của người hâm mộ. Thế Vũ |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.