Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế, cản trở phát triển, là rào cản đối với môi trường đầu tư, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đời sống nhân dân... là chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khi chủ trì cuộc họp lần thứ nhất Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ về việc rà soát văn bản quy phạm pháp luật nhằm triển khai nhiệm vụ cấp bách của Tổ công tác tổ chức sáng 28-3 tại trụ sở Chính phủ.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh phiên họp diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 đang có nhiều diễn biến phức tạp, tác động tiêu cực đến nhiều mặt đời sống kinh tế, xã hội của đất nước. Việc tổ chức ngay phiên họp đầu tiên sau khi Thủ tướng Chính phủ thành lập và phê duyệt danh sách thành viên Tổ công tác đã thể hiện tinh thần khẩn trương, trách nhiệm đối với những vấn đề quan trọng của đất nước, Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị các thành viên Tổ công tác phát huy tinh thần này trong suốt quá trình hoạt động.
Phó Thủ tướng Thường trực đề nghị, đối với các nhiệm vụ tổng thể, các thành viên Tổ công tác bám sát kế hoạch rà soát văn bản quy phạm pháp luật các lĩnh vực được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; tập trung trao đổi, thảo luận về phạm vi, nội dung rà soát đối với các chuyên đề, lĩnh vực cần rà soát chuyên sâu mà Tổ công tác, Bộ Tư pháp đã dự kiến. Trong đó, nội dung rà soát tập trung các lĩnh vực kinh tế, các quy định cản trở phát triển, là rào cản đối với môi trường đầu tư, gây khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp và đặc biệt là đời sống nhân dân.
“Chúng ta phải phát hiện bằng được, chỉ ra những mâu thuẫn, chồng chéo, thiếu đồng bộ của hệ thống pháp luật hiện hành. Các kiến nghị cải cách thể chế cần đề xuất cụ thể việc sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật với mục tiêu là khơi dậy động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội của đất nước”, Phó Thủ tướng Thường trực yêu cầu.
Phó Thủ tướng Thường trực cũng đề nghị, Tổ công tác khẩn trương rà soát, tổng hợp các quy định của pháp luật cụ thể gây cản trở, vướng mắc cho sản xuất kinh doanh để kịp thời ứng phó và giảm thiểu tác động của dịch Covid-19 đến nền kinh tế. Đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần ưu tiên thực hiện có hiệu quả và kết quả ngay.
Các đại biểu trao đổi thảo luận, thống nhất về cách thức tổ chức thực hiện công việc, bảo đảm tính khoa học, thiết thực, hiệu quả, khả thi trong điều kiện khối lượng công việc lớn, đòi hỏi chuyên môn chuyên sâu; phân công trách nhiệm hợp lý, rõ ràng, đúng chức năng nhiệm vụ; bám sát kế hoạch, hoàn thành các công việc với tinh thần hết sức khẩn trương, kịp thời nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.