(HNMO) - Chiều 9-12, tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ mười, HĐND thành phố Hà Nội khóa XVI, các đại biểu quan tâm nhiều tới công tác bảo vệ môi trường trong hoạt động xử lý nước thải và thoát nước trên địa bàn thành phố Hà Nội. Lãnh đạo UBND thành phố và lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện đã trả lời chất vấn, giải trình làm rõ các vấn đề đại biểu quan tâm.
Sẽ rà soát, bảo đảm tuân thủ việc thiết lập xử lý nước thải
Các đại biểu Trịnh Xuân Quang (Tổ Thanh Xuân), Nguyễn Minh Đức (Tổ Hoàng Mai), Nguyễn Minh Tuân (Tổ Phú Xuyên), Hoàng Thị Thúy Hằng (Tổ Đống Đa), Đoàn Việt Cường (Tổ Đông Anh) chất vấn, thành phố có 10 dự án khu đô thị đã hoàn thành đưa vào sử dụng, vận hành, nhưng các trạm xử lý nước thải vẫn chưa đưa vào hoạt động? Về xử lý nước thải đã có Luật Bảo vệ môi trường, các thông tư hướng dẫn quy định phải đáp ứng yêu cầu môi trường, cấp thoát nước, thu gom đồng bộ, song nhiều khu đô thị lại không có quy hoạch. Vậy công tác kiểm tra giám sát của Sở Kế hoạch và Đầu tư đối với các dự án như thế nào? Sở Tài nguyên và Môi trường có giải pháp nào trong vấn đề này thời gian tới? Sở Quy hoạch - Kiến trúc làm rõ nguyên nhân, quan điểm tham mưu với UBND thành phố về vấn đề này thời gian tới? Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá đang thi công 8 gói thầu, nhưng nhiều gói thầu chậm do đâu? Việc xử lý bùn thải có nguồn phát sinh từ các nhà máy xử lý nước thải còn hạn chế, gây ô nhiễm môi trường, vậy nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ thời gian tới?...
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Lê Anh Quân cho biết, về vấn đề trạm xử lý rác thải, theo quy định, từ năm 2014, các khu đô thị đều phải có khu xử lý rác cục bộ trước khi đưa ra mạng lưới. Vì quy hoạch quá rộng lớn nên chủ đầu tư cần quy hoạch chi tiết để xử lý cục bộ cho từng khu vực. Về cơ bản, chủ đầu tư cần bố trí trạm xử lý rác thải tập trung rồi mới đến giai đoạn xử lý cục bộ. Tới đây, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tiến hành đẩy mạnh trạm xử lý rác thải giai đoạn xử lý cục bộ. Công tác này rất cần sự chung tay của các cấp, các ngành.
Trả lời câu hỏi về 10 khu đô thị chưa có hoặc có những trạm xử lý nước thải nhưng đều chưa hoạt động, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Anh Quân cho rằng, 10 dự án này được chia làm 4 nhóm. Trong đó, 3 dự án đã có trạm xử lý nước thải đi vào hoạt động; 2 dự án theo quy hoạch không có trạm xử lý nước thải, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị thành phố giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc giới thiệu địa điểm để triển khai trong thời gian tới. Hai dự án đã đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải nhưng chưa đưa vào hoạt động là Khu đô thị Gamuda, Khu đô thị sinh thái Xuân Phương do chưa kết nối vào hệ thống thoát nước và vướng mắc về giải phóng mặt bằng, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị quận Hoàng Mai và quận Nam Từ Liêm đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để bàn giao cho nhà đầu tư hoàn thành kết nối vào quý II-2023.
Còn 3 dự án chưa đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, trong đó Khu đô thị Văn Phú (quận Hà Đông) do khu đất xây dựng trạm xử lý nước thải trùng với kênh thoát nước của thành phố, Sở Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc rà soát quy hoạch, đề xuất giải pháp tháo gỡ, báo cáo UBND thành phố trong quý I-2023. Đối với Khu đô thị Dương Nội (quận Hà Đông) chưa được cấp phép xây dựng, đề nghị giao Sở Xây dựng rà soát tháo gỡ để nhà đầu tư triển khai thực hiện trong quý I-2023. Đối với Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Đức) hiện đang xây dựng, đề nghị UBND thành phố giao UBND huyện Hoài Đức giám sát việc xây dựng trạm xử lý nước thải.
Cùng trả lời về nội dung này, Phó Giám đốc phụ trách Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Mai Trọng Thái cho biết, năm 2022, cơ quan chức năng phát hiện 58 dự án xả thải vượt chỉ tiêu cho phép, số tiền xử phạt là 4 tỷ đồng. Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ báo cáo thành phố để có các giải pháp cụ thể giải quyết tồn tại nêu trên.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết, UBND thành phố đã chỉ đạo các đơn vị tổng rà soát các nội dung liên quan đến hạ tầng kỹ thuật cho thoát nước, xử lý nước thải của các khu vực phát triển đô thị và khu nhà ở, khu dân cư. Theo đó, sẽ xác định được các khu đô thị mới, khu nhà ở, khu dân cư để phân loại các khu đã phát triển trước khi có Luật Bảo vệ môi trường 2020; các khu sau khi có luật này và tổng hợp các quy hoạch chi tiết liên quan để xác định xem có hay không có hệ thống xử lý nước thải. Đồng thời, thành phố sẽ thiết lập kế hoạch quản lý để triển khai xử lý kèm theo nghiên cứu cơ chế để tổ chức quản lý trên nền tảng danh mục đã phân loại. Trên cơ sở đó, xác định các khu đô thị chưa có hệ thống xử lý nước thải cục bộ thì cần phải bổ sung.
“Kể từ thời điểm này và trong 2 năm gần đây, sẽ có rà soát riêng để tất cả các quy hoạch chi tiết của các khu đô thị mới, khu nhà ở phải tuân thủ tuyệt đối việc thiết lập xử lý nước thải. Công việc này mất rất nhiều thời gian để rà soát và dự kiến phải hết quý I-2023 mới xong việc phân loại theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Sau khi có bức tranh toàn cảnh về việc thống kê, phân loại thì thành phố mới có giải pháp xử lý cụ thể”, Phó Chủ tịch UBND thành phố Dương Đức Tuấn cho biết.
Quan tâm giải quyết vấn đề tiêu thoát nước
Đại biểu Nguyễn Lan Hương (Tổ Quốc Oai) chất vấn, hiện trên địa bàn thành phố có 70 cụm công nghiệp đang hoạt động, trong đó mới có 42 cụm công nghiệp hoạt động ổn định được đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung, còn lại 28/70 cụm công nghiệp chưa có trạm xử lý nước thải tập trung, trong đó có các cụm công nghiệp làng nghề. Trong khi đó, vấn đề ô nhiễm làng nghề đang nhức nhối và cử tri hết sức quan tâm, đề nghị Sở Công Thương Hà Nội cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp?
Chung sự quan tâm, đại biểu Hoàng Thị Tú Anh (Tổ Phúc Thọ) đề nghị Sở Công Thương cho biết nguyên nhân, giải pháp thực hiện đối với 5 cụm công nghiệp đã đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải, tuy nhiên hiện không hoạt động, xuống cấp hoặc chưa được đầu tư đồng bộ.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp của thành phố, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, trong 28 cụm công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải, cụm công nghiệp của huyện Đan Phượng giai đoạn 2 đi vào hoạt động có xây dựng hệ thống xử lý nước thải nên chỉ còn 27 cụm. Trong đó, có 19 cụm phù hợp với quy hoạch và 8 cụm không phù hợp với quy hoạch, nên Sở Công Thương đang rà soát các phương án để các cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp này sẽ tiếp tục hoạt động hay phải chuyển đổi theo lộ trình đến năm 2030.
Quan tâm đến vấn đề thoát nước, các đại biểu Phạm Hải Hoa (Tổ Mỹ Đức), Nguyễn Ngọc Việt (Tổ Mỹ Đức) đặt câu hỏi vì sao Trạm bơm Liên Mạc (quận Bắc Từ Liêm) chậm triển khai; hiện có nhiều tuyến kênh mương trước đây chỉ phục vụ cho nông nghiệp nhưng quá trình đô thị hóa, nhiều cụm công nghiệp, làng nghề, khu đô thị đã “biến” kênh mương làm nơi thoát nước. Đại biểu đề nghị Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết thực trạng và giải pháp tham mưu cho thành phố trong thời gian tới.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, ngày 18-6-2021, UBND thành phố có chủ trương giao cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp triển khai chủ trương xây dựng Trạm bơm Liên Mạc. Đây là một trạm bơm lớn, với công suất dự kiến 170m3/giây. Trạm bơm này làm 2 nhiệm vụ lấy nước sông Hồng cấp cho sông Nhuệ và tiêu thoát nước trong đô thị từ nội thành ra sông Hồng. Đây là công trình hết sức phức tạp vì nằm trên tuyến đê sông Hồng qua nội đô. Ngoài ra, công trình còn liên quan đến hệ thống điện rất lớn, nên cần xin ý kiến của Tổng công ty Điện lực và Sở Công Thương để đấu cấp điện cho trạm bơm.
Các đơn vị đã báo cáo và hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã có báo cáo thẩm định hoàn thiện hồ sơ. Các quy trình để hoàn tất thủ tục tiếp theo có thể mất một năm rưỡi. Vì vậy, nhanh nhất phải đến giữa năm 2024 mới có thể thi công dự án và cuối năm 2025 mới hoàn thành.
Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cũng cho biết, hiện nay, các hệ thống kênh mương ở các huyện ven đô như: Hoài Đức, Thanh Trì, Đông Anh… không còn nhiệm vụ tiêu cho sản xuất nông nghiệp, mà chủ yếu tiêu thoát nước cho khu dân cư. Sở sẽ cùng các huyện rà soát, những kênh nào không còn liên quan đến sản xuất nông nghiệp thì sẽ thống nhất đề xuất thành phố bàn giao sang công ty thoát nước đô thị để làm nhiệm vụ tiêu thoát nước nội đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.