(HNMO) - Ngày 2-6, tại Hà Nội, Viện Sử học (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) phối hợp với Nhà Xuất bản Hà Nội và Công ty cổ phần tri thức văn hóa sách Việt Nam tổ chức Lễ ra mắt bộ sách “Đại Nam thực lục - 10 tập”.
Đại Nam thực lục là bộ chính sử lớn nhất, quan trọng nhất của nhà Nguyễn, do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn trong 88 năm (1821-1909), gồm 560 quyển ghi chép thực toàn bộ lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XIX. Đó là những chính sách lớn trong việc hoạch định, phát triển kinh tế - xã hội, đường lối đối ngoại, bảo vệ an ninh quốc gia, khai thác và khẳng định chủ quyền biển đảo, những bài học về thi cử, bổ nhiệm, thăng/giáng chức...
Đây là nguồn sử liệu chính thống hàng đầu trong việc nghiên cứu, tra cứu, tìm hiểu thời chúa Nguyễn ở Đàng Trong và Việt Nam thế kỷ XIX; cung cấp những tư liệu khoa học và pháp lý hữu ích trong việc nghiên cứu, xây dựng chính sách quản lý, phát triển và bảo vệ chủ quyển lãnh thổ...
Những năm 60 của thế kỷ XX, Viện Sử học đã tập hợp các nhà Hán học uyên bác như Đào Duy Anh, Hoa Bằng, Đỗ Mộng Khương... để dịch và hiệu đính. Năm 1962, Viện Sử học xuất bản lần đầu ấn bản tiếng Việt (tập 1) bộ Đại Nam thực lục và phải mất 16 năm mới thực hiện xong 38 tập. Đây là công trình dịch thuật đồ sộ được đông đảo độc giả hoan nghênh và đánh giá cao.
Nhân kỷ niệm 60 năm (1962-2022) bộ Đại Nam thực lục xuất bản bản tiếng Việt, nhằm đáp ứng nhu cầu của đông đảo độc giả trong và ngoài nước, bộ sách được tái bán lần thứ hai, gồm 10 tập, dày gần 10.000 trang, khổ 16x24cm, in trên giấy cao cấp, bìa cứng, đóng hộp, thẩm mỹ và trang trọng.
Trân trọng giới thiệu di sản quý báu này đến giới nghiên cứu và bạn đọc, PGS.TS Bùi Nhật Quang - Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đánh giá cao công sức lao động của các cán bộ Viện Sử học trong suốt thời gian qua đã cống hiến cho nền khoa học xã hội của đất nước qua việc khai thác di sản và các nguồn sử liệu, gìn giữ và tôn vinh các giá trị mà ông cha đã để lại, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.