Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Ra biển để biết biển rộng”

Thùy An| 27/09/2016 06:52

(HNM) - Trở về nước sau khi cùng đội tuyển bóng bàn trẻ Việt Nam tham dự Giải bóng bàn trẻ Châu Á năm 2016 tại Thái Lan, HLV trưởng đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà cho rằng, bóng bàn Việt Nam có thể học hỏi nhiều điều từ giải đấu này, quan trọng là áp dụng đến đâu, như thế nào và có muốn áp dụng không

- Trong hơn 3 tháng, ông đã cùng đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia dự cả giải trẻ Đông Nam Á và giải trẻ Châu Á. Vậy điều gây ấn tượng với ông tại các giải đấu này là gì?

- Đó là sự chuyên nghiệp và khoa học trong mọi khâu từ chuẩn bị, thi đấu lẫn huấn luyện… Chúng ta phải “ra biển để biết biển rộng”. Như đội tuyển bóng bàn trẻ Nhật Bản đã đưa tới 13 HLV đến giải trẻ Châu Á vừa qua. Trong số này, ngoài những HLV trực tiếp chỉ đạo thi đấu còn có 2 HLV chuyên đảm trách ghi hình các trận đấu có VĐV Nhật Bản, 2 HLV ngồi trên khán đài để theo dõi, phân tích trận đấu. Sau mỗi trận, các HLV trên khán đài, HLV trực tiếp chỉ đạo thi đấu cùng VĐV sẽ rút kinh nghiệm ngay trên sân thông qua băng hình vừa quay xong. Sau đó, VĐV sẽ khắc phục lỗi ngay trên bàn bóng với một HLV chuyên làm nhiệm vụ này. Với một dàn HLV hùng hậu như vậy, Nhật Bản đã giành đến 2 chức vô địch trước các tay vợt Trung Quốc. Mà không chỉ ở giải Châu Á mà ở giải Đông Nam Á cũng có những điều phải suy ngẫm như trường hợp Singapore đưa những HLV giỏi nhất vào huấn luyện đội trẻ sau khi đội thất bại ở giải trẻ Đông Nam Á 2015. Nhờ vậy, Singapore đã lấy lại vị thế hàng đầu Đông Nam Á.


HLV Bùi Xuân Hà (phải) đang chỉ đạo các VĐV tại Giải vô địch bóng bàn trẻ châu Á 2016. Ảnh: Tiến Hùng


- Bóng bàn Việt Nam có thể học hỏi được gì sau những điều mắt thấy tai nghe ở những giải trên, thưa ông?

- Đầu tiên là ở tư duy đầu tư trọng điểm. Một HLV Nhật Bản đã nói với tôi rằng, tài năng ở Nhật Bản không nhiều như bóng bàn Trung Quốc nên phải đầu tư trọng điểm cho một số VĐV nhất định. Các nền bóng bàn Hàn Quốc, Thái Lan cũng đang theo hướng này và có thành công nhất định. Trong điều kiện hiện nay, bóng bàn Việt Nam nên theo hướng này thay vì gọi quá nhiều VĐV trong một lần tập trung đội trẻ quốc gia khi kinh phí có hạn. Ngoài ra, khái niệm “chọn điểm rơi” cũng đã lỗi thời bởi sau những cuộc tiếp xúc với các đoàn khác tại giải Châu Á vừa qua, rõ một điều là các VĐV bóng bàn hiện đại được liên tục dự giải đấu nên thay vì "chọn điểm rơi", VĐV phải có thể lực, kỹ thuật và tư duy chơi bóng thật tốt. Đây là điều đang thiếu trong làng bóng bàn Việt Nam. Nhưng rõ ràng chỉ khi được dự những sân chơi lớn thế này, chúng ta mới thấy rõ đang thiếu cái gì.

- Vậy những bước đi cụ thể sẽ là gì, thưa ông?


- Đầu tiên là Tiểu ban kỹ thuật của Liên đoàn bóng bàn Việt Nam cần được phát huy vai trò trong việc định hướng phát triển kỹ thuật, chiến thuật từ đội tuyển quốc gia xuống đội trẻ. Từ đó, đội trẻ mới có định hướng rõ ràng về huấn luyện, xây dựng lực lượng để phục vụ cho đội tuyển quốc gia. Ngoài ra, đội tuyển trẻ quốc gia cũng cần được tăng cường HLV cả về chuyên môn lẫn thể lực bởi sẽ là lý tưởng trong điều kiện ở Việt Nam nếu trung bình một HLV chỉ phải đảm trách huấn luyện khoảng 4-5 VĐV. Thực tế, không cần gọi quá nhiều VĐV lên đội tuyển trong một lần tập trung vì như thế sẽ gây tốn kém không đáng có. Kinh phí tiết kiệm được sẽ dùng để các VĐV còn lại có điều kiện tập huấn và thi đấu quốc tế nhiều hơn. Sẽ là lý tưởng nếu các địa phương đưa VĐV lên tập trung ở đội tuyển thay vì tự huấn luyện như hiện nay. Bởi nếu VĐV chỉ tập ở địa phương sẽ khiến Ban huấn luyện khó đánh giá cũng như huấn luyện các nội dung đôi. Thú thực, giải pháp thì nhiều nhưng quan trọng vẫn là phải bắt tay thực hiện. Có thuận lợi là hiện nay, đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia đang nhận được sự quan tâm của Tổng cục TDTT, Trường ĐH TDTT Từ Sơn - nơi đội đang tập trung tập huấn. Bên cạnh đó như một số nhà tài trợ như hãng trang phục World Sport, Viện dinh dưỡng quốc gia cũng cam kết đồng hành với đội trong thời gian dài sắp tới... Đó là cơ sở để hy vọng bóng bàn trẻ có sự thay đổi trong thời gian tới, lấy lại niềm tin của người hâm mộ, giới chuyên môn cũng như đáp ứng được yêu cầu là nguồn kế cận cho đội tuyển quốc gia.

- Cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Ra biển để biết biển rộng”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.