Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

TS Nguyễn Thành Hữu| 20/12/2014 06:54

(HNM) - Đêm 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến. Hưởng ứng Lời kêu gọi của Người, từ đêm 19-12-1946 đến tháng 3-1947, bộ đội chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang, nhân dân Thủ đô đồng loạt nổ súng đánh địch.

Và, tháng 12-1946 cũng là thời điểm Hà Nội mở đầu thời khắc lịch sử hào hùng - 60 ngày đêm "Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh" trong trận quyết chiến giam chân quân Pháp, mở đầu cho cuộc kháng chiến 9 năm trường kỳ chống thực dân Pháp xâm lược…

Người chiến sĩ ôm bom ba càng sẵn sàng “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.Ảnh tư liệu



Tháng 11-1946, trước tình hình thực dân Pháp liên tiếp gây xung đột cục bộ, Ủy ban Bảo vệ thành phố được thành lập. Bộ Tổng chỉ huy trực tiếp chỉ đạo Mặt trận Hà Nội nghiên cứu phương án tác chiến để không bị bất ngờ, phát huy được sức mạnh của các lực lượng; tiêu hao, tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giam chân địch càng lâu càng tốt, không cho chúng đánh rộng ra ngay từ đầu; bảo toàn và phát triển lực lượng để đánh lâu dài…

Hà Nội được chia làm 3 liên khu với các tiểu đoàn: 101, 77, 212, 145 và 523, đóng thành 65 vị trí và tự vệ, công an xung phong, phân tán ở các phố. Ngoài ra còn có 12 đội cảm tử, 36 tổ du kích đặc biệt. Tư lệnh Mặt trận Hà Nội Vương Thừa Vũ trình bày cách đánh "cài then cửa"… Kế hoạch tác chiến được Bộ Tổng chỉ huy phê chuẩn; công sự, vật cản trên đường phố được triển khai ráo riết. Tự vệ ngả cây, ngả cột đèn, đục tường thông nhà nọ sang nhà kia để tiện cơ động; tích trữ lương thực, thực phẩm, thuốc men, để đánh địch dài ngày. Khu Lãng Bạc tổ chức đại đội nữ tự vệ, phụ trách tiếp tế, vận chuyển từ Nhật Tân theo bờ sông Hồng vào Liên khu 1. Các khu phố tổ chức các ban chuyên môn mà nòng cốt là dân quân tự vệ…

Thường vụ Trung ương Đảng quyết định thành lập Đảng ủy Mặt trận, Ủy ban Kháng chiến thành phố. Đồng chí Nguyễn Văn Trân là Bí thư kiêm Chủ tịch; đồng chí Vương Thừa Vũ giữ cương vị Khu trưởng, Phó Chủ tịch; đồng chí Trần Độ là Chính trị ủy viên khu. Từng liên khu có Đảng ủy và Ủy ban Kháng chiến. Ngày 8-12, Thành ủy Hà Nội kêu gọi nhân dân sẵn sàng chiến đấu cao độ; nhân dân cùng tự vệ đào hầm hố, công sự, xây dựng vật cản trên đường phố; công nhân tháo gỡ máy móc đưa về khu căn cứ...

Ngày 17-12, lực lượng vũ trang Hà Nội được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Các tiểu đoàn của Liên khu 2 và 3 án ngữ các cửa ô cùng Tiểu đoàn 101 và tự vệ, công an Liên khu 1 hình thành thế trận trong ngoài cùng đánh. Chiều 19-12, các liên khu, tiểu đoàn nhận lệnh tác chiến. 20h3, công nhân Nhà máy Đèn Bờ Hồ phá máy, đèn điện thành phố tắt phụt, đó là tín hiệu tiến công. Các pháo đài Láng, Xuân Canh đồng loạt nổ súng bắn vào khu thành. Hà Nội đứng lên, bừng bừng khí thế tiến công, trút căm hờn lên đầu giặc Pháp. Nhân dân cùng tự vệ quẳng bàn ghế, cánh cửa, sập gụ, hòm xiểng, bao cát ra đường; đẩy các toa tầu chặn các ngã tư, ngã năm. Chiến lũy mọc lên khắp đường phố...

Trong những giờ đầu, ta tập kích, tiêu diệt phần lớn các ổ đề kháng của quân Pháp bố trí rải rác ở các phố Tây và nhiều nơi khác… Tại Bắc Bộ phủ, Đại đội Vệ quốc đoàn đã đương đầu với 300 lính lê dương, 8 xe tăng, 10 xe thiết giáp, 2 pháo 75mm, nhiều súng cối của địch. Trước tình huống khó giữ được vị trí này, chính trị viên Lê Gia Định cùng bộ đội chiến đấu quyết liệt và cuối cùng đã đập kíp bom, diệt cả tiểu đội địch và anh dũng hy sinh... Ngày 3-1-1947, địch đánh ra Thụy Khuê, Hoàng Hoa Thám, Đội Cấn. Tiểu đoàn 145 cùng tự vệ ngoan cường đánh trả, diệt và làm bị thương trên 100 tên địch... Ngày 6-1, địch đánh ra Giảng Võ. Đại đội 134 cùng tự vệ gan góc bám trụ chiến đấu suốt ngày, bẻ gẫy các đợt tiến công của chúng... Cũng trong ngày này, Bộ Quốc phòng quyết định thống nhất các lực lượng Vệ quốc đoàn, tự vệ, công an xung phong liên khu thành Trung đoàn Liên khu 1 (Trung đoàn Thủ đô). Chính trị viên là đồng chí Lê Trung Toản, Bí thư Đảng ủy Liên khu 1, Trung đoàn trưởng là đồng chí Hoàng Siêu Hải, Trung đoàn trưởng, Tham mưu trưởng là Hoàng Phương.

Nắm vững phương châm chiến lược của Trung ương Đảng "bảo toàn và phát triển lực lượng kháng chiến lâu dài" và được sự chỉ đạo trực tiếp của Thành ủy, Bộ Chỉ huy mặt trận, quân dân Hà Nội đánh địch ngày càng có hiệu quả. Năm cửa ô không lúc nào im tiếng súng. Mỗi căn nhà là một pháo đài, mỗi góc phố là một chiến lũy. Với khẩu hiệu "Sống chết với Thủ đô", đồng bào và chiến sĩ Liên khu 1 chấp nhận mọi hiểm nguy, thiếu thốn, sáng tạo nhiều cách đánh độc đáo và hiệu quả. Trong thư gửi các chiến sĩ Trung đoàn Thủ đô, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Các em là đội cảm tử. Các em cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh. Các em hăng hái tiến lên... toàn thể, đồng bào luôn luôn ở bên cạnh các em...". Ngày 14-2-1947, Pháp tiến công Tiểu đoàn 101 khu vực chợ Đồng Xuân. Vệ quốc đoàn và tự vệ đánh giáp lá cà với lính Pháp, dùng lưỡi lê, dao găm, dao thái thịt, báng súng quần lộn với địch và hy sinh đến người cuối cùng... Ngày 15-2, để bảo toàn lực lượng kháng chiến lâu dài, theo chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bộ Tổng chỉ huy ra lệnh cho các lực lượng vũ trang Liên khu 1 rút khỏi Hà Nội. Trung đoàn Thủ đô quyết định rút qua gầm cầu Long Biên đêm 17-2... Khoảng 8h sáng 18-2, khi chuyến thuyền cuối cùng chở bộ đội sang sông thì địch phát hiện được, chúng cho xe tăng sục lên làng Cơ Xá và một đội ca nô ngược sông Hồng tìm kiếm. Dựa vào công sự trên bãi giữa mép sông Hồng, Tiểu đội du kích Hồng Hà do đồng chí Nguyễn Ngọc Nại chỉ huy đã chiến đấu kìm chân địch, bảo đảm cho Trung đoàn vượt sông an toàn và anh dũng hy sinh.

Trong 60 ngày đêm, quân dân Hà Nội đã đánh gần 200 trận, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực địch, giam chân chúng nhiều ngày để hậu phương kịp tổ chức triển khai thế trận kháng chiến lâu dài, bảo vệ các cơ quan đầu não của Đảng, Chính phủ, mặt trận di chuyển về căn cứ an toàn, bảo vệ hàng chục vạn đồng bào Thủ đô rời thành phố về các vùng kháng chiến. Và, ngày 19-12-1946 đi vào lịch sử, mở đầu cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp xâm lược của dân tộc ta và tô thắm thêm trang sử hào hùng của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.