(HNM) - 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ cùng nhau vượt qua mọi thách thức để trở thành một lực lượng mạnh mẽ hơn sau nhiều năm chia rẽ nội bộ.
Các nhà lãnh đạo EU nhóm họp tại thành phố Sibiu, Romania. |
Trong bối cảnh cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu (EP) đang tới gần và nguy cơ làn sóng dân túy mới tiếp tục gây khó khăn cho tiến trình ra quyết định của EU, lãnh đạo các nước tham dự hội nghị đã thảo luận chiến lược 5 năm tái xây dựng liên minh. Hội nghị lần này không có sự tham gia của Thủ tướng Anh Theresa May, cũng không bàn về việc Anh rời EU (Brexit) mà chỉ tập trung thảo luận về tương lai của khối.
Các nhà lãnh đạo, dù còn quan điểm khác nhau, từ Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, có lập trường ủng hộ EU cho tới Thủ tướng Hungary Viktor Orban mang tư tưởng hoài nghi châu Âu, đã cùng nhất trí ra tuyên bố gồm 10 điểm mà tất cả các nước đều có thể chấp nhận được.
Bản cam kết đã thể hiện quyết tâm đoàn kết, cùng xây dựng một châu Âu thống nhất từ Đông sang Tây, từ Nam tới Bắc, bất chấp những khó khăn, rào cản ở phía trước. Trước những vấn đề gây chia rẽ trong khối, các nhà lãnh đạo nhất trí tìm kiếm các giải pháp chung để giải quyết khúc mắc trên tinh thần lắng nghe, thấu hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Lãnh đạo EU cũng cam kết bảo vệ người dân châu lục, đầu tư mạnh mẽ hơn vào thế hệ trẻ, đồng thời đưa EU trở thành một tổ chức có vai trò dẫn dắt trên phạm vi toàn cầu.
Tuy nhiên, một trong những vấn đề gây bất đồng giữa các nước là cách thức lựa chọn người đứng đầu các định chế của EU, trong đó có Ủy ban châu Âu (EC), sau cuộc bầu cử EP vào cuối tháng 5 này. Kết quả cuộc bỏ phiếu sắp tới sẽ định hình một cơ quan lập pháp châu Âu khóa mới.
Lãnh đạo châu lục cũng chuẩn bị các phương án nhân sự cho 5 năm tới, bao gồm những vị trí chủ chốt nhất như Chủ tịch Hội đồng châu Âu và Chủ tịch EC. Hiện, quá trình tìm kiếm người thay thế chức vụ Chủ tịch EC là khó khăn nhất khi đang tồn tại mâu thuẫn giữa các quốc gia EU về cách chọn ứng cử viên.
Trước thềm hội nghị, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz ủng hộ quy ước đảng nào có nhiều ghế nhất trong EP thì sẽ có quyền bổ nhiệm người đứng đầu EC. Thế nhưng Thủ tướng Luxembourg Xavier Bettel phản đối gay gắt ý kiến này.
Còn Tổng thống Pháp E.Macron thì cho rằng, việc lựa chọn người đứng đầu các cơ quan đầu não của EU phải do các nhà lãnh đạo châu Âu chứ không phải EP quyết định. 5 năm trước, EU đã phải mất 3 tháng và 3 hội nghị thượng đỉnh để chốt lại các vị trí lãnh đạo sau một quy trình ngoại giao phức tạp.
Do đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk hy vọng sẽ đẩy nhanh tiến trình bằng cách đặt ra các quy tắc nền tảng ngay từ cuộc gặp lần này tại Sibiu. Trong buổi họp báo chung sau khi kết thúc hội nghị, ông D.Tusk cho biết sẽ triệu tập một hội nghị thượng đỉnh của khối vào ngày 28-5, đúng hai ngày sau khi cuộc bầu cử EP kết thúc, để tiến hành quá trình đề cử cho các chức vụ chủ chốt của EU.
Mái nhà chung châu Âu đang phải đối mặt với những khó khăn chưa từng có, với sự chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên về nhiều vấn đề từ di cư đến các tiêu chuẩn dân chủ và hội nhập... Cùng với đó là một tiến trình Brexit đang lâm vào bế tắc và làn sóng dân túy có dấu hiệu lan rộng.
Do vậy, hội nghị tại Sibiu là cơ hội để các nhà lãnh đạo châu lục khẳng định quyết tâm đoàn kết, nỗ lực giải quyết các thách thức nhằm thực hiện mục tiêu cuối cùng là đưa dự án một châu Âu thống nhất đến đích thành công.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.