(HNM) - Dù có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vẫn đạt được nhiều kết quả ấn tượng, góp phần quan trọng vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Nhân kỷ niệm 39 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 - 20/11/2021), trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nhấn mạnh, ngành Giáo dục và Đào tạo sẽ quyết tâm vượt khó, hoàn thành “nhiệm vụ kép”, vừa dạy học tốt, vừa tập trung phòng, chống dịch bệnh hiệu quả.
Vượt khó, đạt kết quả toàn diện
- Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Cờ “Đơn vị thi đua xuất sắc”. Kết quả này thể hiện cụ thể thế nào, thưa đồng chí?
- Với sự quan tâm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, sự chỉ đạo thường xuyên, sâu sát của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố Hà Nội, sự phối hợp hiệu quả của các sở, ban, ngành, sự ủng hộ của nhân dân, đặc biệt là sự tâm huyết, trách nhiệm của đội ngũ nhà giáo, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã có chuyển biến toàn diện cả về quy mô, chất lượng. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục và Đào tạo đã duy trì chương trình kế hoạch năm học, bảo đảm chất lượng, hiệu quả. Học sinh Thủ đô “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 và thi tốt nghiệp trung học phổ thông được tổ chức an toàn.
Đặc biệt, học sinh Thủ đô tiếp tục giành thành tích ấn tượng, với 139 giải học sinh giỏi trong kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; 365 giải và 57 huy chương tại các kỳ thi Olympic quốc tế. Đây là nền tảng, động lực cho toàn ngành tiếp tục vượt khó hoàn thành “nhiệm vụ kép”: Vừa tích cực phòng, chống dịch bệnh, vừa triển khai hiệu quả chương trình giáo dục bảo đảm chất lượng, tiến độ kế hoạch thời gian năm học 2021-2022.
- Những kết quả đồng chí vừa nêu có sự đóng góp quan trọng của đội ngũ giáo viên. Để đạt mục tiêu đề ra, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có hỗ trợ như thế nào để giáo viên nâng cao chất lượng bài giảng trực tuyến?
- Trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp và kéo dài, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục xây dựng, bổ sung kho học liệu điện tử nhằm hỗ trợ giáo viên, phụ huynh, học sinh có nguồn tư liệu tham khảo được thẩm định, đáp ứng mục tiêu “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”. Đến nay, trên hệ thống HanoiStudy đã có hàng nghìn bài giảng trên truyền hình, bài giảng điện tử, các bài trình chiếu, đoạn phim, hình ảnh minh họa...
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội tiếp tục bổ sung kho học liệu này, với sự đóng góp không ngừng của đội ngũ nhà giáo tâm huyết, sáng tạo và trách nhiệm, từng bước hình thành nguồn tài nguyên giáo dục mở nhằm phục vụ học sinh, giáo viên, cán bộ có thể học tập, nghiên cứu mọi lúc, mọi nơi.
- Dù có nhiều nỗ lực, song việc dạy học trực tuyến vẫn gặp không ít khó khăn, trong đó có tình trạng học sinh còn thiếu thiết bị. Giải pháp nào để cải thiện tình trạng này, thưa đồng chí?
- Năm học 2021-2022, thực hiện lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã phát động, quyên góp ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội, ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô đã ủng hộ chương trình hơn 460 triệu đồng và đã có hơn 5.000 học sinh được nhận thiết bị học trực tuyến, với trị giá hơn 15 tỷ đồng. Ngoài ra, các đơn vị, trường học đã hỗ trợ gần 2,8 tỷ đồng cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có thêm kinh phí mua sách, vở, đồ dùng học tập...
- Dịch Covid-19 đã ảnh hưởng tới cuộc sống của không ít giáo viên. Vậy, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã dành sự quan tâm đối với các giáo viên có hoàn cảnh khó khăn như thế nào?
- Ngoài chính sách hỗ trợ chung của Chính phủ, thành phố Hà Nội có thêm Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của HĐND thành phố quy định một số chính sách đặc thù của thành phố hỗ trợ đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Nhờ vậy, đã có hơn 1.700 giáo viên, nhân viên của ngành được nhận kinh phí hỗ trợ. Ngoài ra, từ đầu năm học 2021-2022 đến nay, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã hỗ trợ cho 350 giáo viên có hoàn cảnh khó khăn, với tổng kinh phí gần 500 triệu đồng; trao 700 “Túi an sinh công đoàn”...
Đầu tư cho lực lượng chủ lực
- Đội ngũ nhà giáo là lực lượng quan trọng, quyết định chất lượng giáo dục. Trong thời gian tới, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đầu tư cho đội ngũ giáo viên như thế nào để kiên trì mục tiêu nâng cao chất lượng, thưa đồng chí?
- Việc tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được Hà Nội xác định vừa là nhiệm vụ trọng tâm, vừa là giải pháp quan trọng để các nhà trường tổ chức dạy tốt, học tốt. Trong đó, việc đầu tư nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên luôn được ưu tiên, bởi đây là lực lượng chủ lực, tác động trực tiếp, tích cực tới chất lượng giáo dục ở các nhà trường. Năm 2021, thành phố tổ chức bồi dưỡng thường xuyên cho gần 74.000 cán bộ quản lý, giáo viên; đào tạo nâng chuẩn IELTS quốc tế cho hơn 3.600 giáo viên tiếng Anh và hơn 50.000 giáo viên dạy Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các sở liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện lộ trình nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở giai đoạn 2021-2026, trình UBND thành phố phê duyệt. Dự kiến, sẽ có gần 8.500 giáo viên được cử đi đào tạo.
- Để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018, bên cạnh đội ngũ giáo viên, việc bảo đảm cơ sở vật chất đóng vai trò quan trọng. Nội dung này được Hà Nội thực hiện ra sao, nhất là khi quy mô học sinh trong những năm gần đây liên tục tăng?
- Phát triển mạng lưới trường học là một trong những giải pháp căn bản, nhằm đáp ứng nhu cầu dạy và học, đồng thời, ưu tiên những điều kiện tốt nhất cho học sinh các lớp học chương trình, sách giáo khoa mới (lớp 1, lớp 2, lớp 6). Thành phố đã rà soát xong mạng lưới cơ sở giáo dục và đào tạo trên địa bàn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 để tập trung xây dựng cơ sở vật chất, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện và hội nhập quốc tế. Việc xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia cũng được tích cực triển khai, nhằm tạo ra các “sản phẩm” đạt chuẩn, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Toàn ngành đang nỗ lực thực hiện mục tiêu có 100% trường công lập đạt chuẩn vào năm 2025.
Để khắc phục những tác động của dịch Covid-19 trong điều kiện học trực tuyến, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường lựa chọn công cụ dạy học phù hợp, chú trọng điều kiện tổ chức dạy học chất lượng... Các nhà trường chủ động trang bị cho giáo viên các phần mềm dạy học trực tuyến thông dụng, hiệu quả. 100% các trường học đã xây dựng nội quy lớp học trực tuyến và phân công giáo viên giám sát, đôn đốc việc học trực tuyến của học sinh.
- Nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, đồng chí có gửi gắm gì đến đội ngũ nhà giáo Thủ đô?
- Năm học 2020-2021, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có 33 nhà giáo vinh dự nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú; 40 nhà giáo nhận giải thưởng “Nhà giáo Hà Nội tâm huyết, sáng tạo”; hàng trăm thầy, cô được tôn vinh Nhà giáo tiêu biểu mẫu mực... Đây là những tấm gương đại diện cho gần 150.000 cán bộ, giáo viên Thủ đô đang hằng ngày miệt mài với sứ mệnh cao cả: “Trồng người”. Nhân dịp này, tôi xin gửi lời cảm ơn các nhà giáo đã hết lòng, tận tụy, đóng góp cho thành tích nổi bật của ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội những năm qua. Mong các nhà giáo tiếp tục phát huy truyền thống, đưa ngành Giáo dục và Đào tạo Thủ đô lên tầm cao mới, tiếp tục bồi dưỡng những thế hệ học trò xuất sắc, trở thành công dân có ích cho Thủ đô và đất nước.
- Trân trọng cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.