Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm vì lợi chung

Vũ Duy Thông| 20/03/2012 06:30

(HNM) - Chủ trương không cấp phép xây chung cư cao tầng trong bất kỳ trường hợp nào trên nền cũ của các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, bệnh viện đã di dời của Hà Nội đang nhận được sự hưởng ứng của dư luận. Nhưng cùng với sự hoan nghênh, dư luận cũng rất chú ý xem Hà Nội làm thế nào, làm đến đâu.


Đến giờ, sau rất nhiều cố gắng, ngày càng rõ một nguyên nhân có tính căn bản gây nên tình trạng ùn tắc, tai nạn, lộn xộn về giao thông đô thị chính bởi mật độ dân cư quá đông. Muốn đường thông hè thoáng, đưa giao thông đô thị vào kỷ cương, nền nếp phải theo kinh nghiệm đã thành công ở nhiều nước, đó là hạ tỷ lệ dân số, đồng nghĩa là giảm mật độ đi lại, mật độ xe cộ lưu thông. Đây là biện pháp vừa lâu dài, vừa then chốt chứ không phải các biện pháp tình thế như hạn chế mua sắm xe máy và ô tô, bố trí lệch giờ làm hay đánh thuế phương tiện, vừa khó thực hiện, gây khó khăn cho đời sống người dân. Khu trung tâm Hà Nội ta quen hiểu là khu nội thành cũ hiện nay có khoảng 1,5 triệu dân, gấp 6 lần thiết kế ban đầu của thành phố. Muốn không quá tải, cần giảm dân cư khu trung tâm, tức là cần di dời các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, bệnh viện ra khỏi khu trung tâm, đó là con đường hợp lý nhất. Một thí dụ, Hà Nội hiện có 96 trường, chiếm 40% số trường đại học và cao đẳng với 66 vạn sinh viên. Nếu di chuyển được các trường học này ra ngoại thành, hình thành các khu đại học và cao đẳng phía ngoài trung tâm thì áp lực dân cư ở Hà Nội đã giảm đi đáng kể. Cũng như thế, nếu trung bình mỗi cơ quan bộ, tập đoàn kinh tế, tổng công ty, khách sạn, bệnh viện, nhà máy có 50 ô tô, 100 xe máy đi lại, dừng đỗ thì nếu chuyển được các đơn vị này đi, trung tâm Hà Nội sẽ bớt được hàng vạn phương tiện giao thông, chưa kể số phương tiện vãng lai, đó là một con số đáng kể.

Lợi ích như vậy là đã rõ nhưng khi triển khai, thấy không ít những trở ngại. Trở ngại đầu tiên là sau nhiều chục năm phải dồn nén, chật chội, được chuyển bớt một phần cơ quan ra ngoại thành thì mới là vừa, nên nhiều trường hợp rất khó trả lại thành phố cơ sở cũ để lấy quỹ đất làm việc khác. Số người như cũ, phương tiện giao thông như cũ, chỉ điều kiện làm việc rộng rãi hơn, bài toán giao thông vẫn không lời giải. Trở ngại thứ 2 nhưng lại quan trọng nhất là nếu không được phép bán lại đất đai trụ sở cũ để làm khách sạn, trung tâm thương mại, chung cư cao tầng thì lấy đâu ra vốn để xây trụ sở mới?

Đó là lời phản biện có trọng lượng xuất phát từ đời sống. Nhưng phản biện lại lời phản biện cũng không phải không có lý và cái lý còn có sức thuyết phục hơn. Cho xây khách sạn, trung tâm thương mại, khu chung cư cao tầng trên nền đất các đơn vị dọn đi tức là mật độ dân số và phương tiện đi lại vẫn như cũ hoặc tăng hơn, mục đích di dời để giải tỏa giao thông sẽ thất bại. Vậy di dời để làm gì? Hơn nữa, đây là cơ hội để tăng không gian công cộng như vườn hoa, hồ nước, khu thể thao, công trình giao thông tĩnh cho thành phố, dùng đất nền cũ để kinh doanh là có tội với người dân!

Đứng trước hai lý lẽ ấy, đa số người dân ủng hộ chủ trương của thành phố và mong mỏi thành phố thực hiện được quyết tâm của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm vì lợi chung

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.