(HNM) - Người nghiện, người sử dụng ma túy phải trả những cái giá rất đắt. Song, nếu đủ ý chí, nghị lực, quyết tâm từ bỏ ma túy, nỗ lực làm lại cuộc đời, thì cuộc sống của không ít người từng lầm lỡ và gia đình họ bước sang trang mới tốt đẹp hơn. Có những người không chỉ cai nghiện thành công mà còn có những hoạt động hữu ích, giúp những người từng lầm lỡ như mình vươn lên trong cuộc sống.
Phải trả giá đắt
Có rất nhiều nguyên nhân khiến những người bình thường, khỏe mạnh trở nên lệ thuộc vào ma túy, suy giảm sức khỏe thể chất, tinh thần, mang lại nỗi đau cho gia đình, gánh nặng cho xã hội, trong đó chủ yếu vẫn là bản thân họ chủ quan, ham chơi, đua đòi... để rồi thử sử dụng cho biết. Sử dụng lâu dần thành quen, rồi bị nghiện và họ phải trả những cái giá rất đắt. Như anh N.H.B (35 tuổi), ở phường Đội Cấn (quận Ba Đình) kể, anh sử dụng ma túy lần đầu tiên vào năm 2017, vì chủ quan cho rằng, “thử sử dụng ma túy tổng hợp một lần cho biết”, sau đó sẽ dừng. Nhưng, sau khi sử dụng, anh N.H.B không thể thoát khỏi ma túy, trở thành “con nghiện”, tự đánh mất cuộc sống tươi đẹp.
Cũng vì suy nghĩ “thử sử dụng ma túy cho biết”, anh N.V.A (34 tuổi), ở xã Tân Ước (huyện Thanh Oai) tiếp xúc với ma túy lần đầu vào cuối năm 2018. Chỉ vài tháng sau khi mắc nghiện, toàn bộ sự nghiệp, tiền bạc tích cóp sau nhiều năm kinh doanh, buôn bán tiêu tan theo những cơn u mê.
Trường hợp khác lệ thuộc vào ma túy nhiều năm, đánh mất cả tuổi trẻ, hoài bão, ước mơ là anh T.Đ.H (43 tuổi), ở phường Ngọc Thụy (quận Long Biên). Anh H. cho hay: “Tôi sử dụng ma túy từ năm 19 tuổi chỉ vì suy nghĩ ngông cuồng của tuổi trẻ, muốn bạn bè nhìn nhận mình là người… biết ăn chơi. Cứ thế, tôi và một số người bạn sống lệ thuộc vào ma túy nhiều năm qua, bản thân tôi đã đi cai nghiện nhiều lần”...
Không chỉ sử dụng ma túy, một số người còn vừa sử dụng, vừa buôn bán, tàng trữ trái phép các chất ma túy. Cuối tháng 7 vừa qua, khi làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trên địa bàn quận Đống Đa, Tổ công tác của Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm, Trung đoàn Cảnh sát cơ động (Công an thành phố Hà Nội) phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe máy ở khu vực ngõ 198 Xã Đàn (phường Phương Liên) có biểu hiện nghi vấn, nên tiến hành kiểm tra. Qua đó, Tổ công tác phát hiện đối tượng mang theo 5 viên nén màu hồng nghi là ma túy. Đối tượng được xác định là Lâm Bảo Ngọc, cũng là người nghiện ma túy, trú tại phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng), hiện đang bị xử lý theo quy định.
Mới đây nhất, ngày 11-8, tại đường Võ Chí Công (quận Tây Hồ), Tổ tuần tra kiểm soát của Đội Cảnh sát giao thông số 2, Phòng Cảnh sát giao thông (Công an thành phố Hà Nội) đã kiểm tra và phát hiện một đối tượng mang theo 30 viên hồng phiến. Danh tính của đối tượng được xác định là Đinh Văn Hoàng, trú tại xã Vĩnh Ngọc (huyện Đông Anh). Đối tượng cũng nghiện ma túy và khai nhận toàn bộ số hồng phiến này được mua về để sử dụng. Vụ việc đã được bàn giao cho Công an quận Tây Hồ để tiếp tục điều tra...
Hồi sinh những cuộc đời
Nếu như việc sử dụng, nghiện ma túy khiến con người bị suy giảm nghiêm trọng về sức khỏe, kiệt quệ kinh tế, thậm chí vi phạm pháp luật, thì những ai có bản lĩnh, quyết tâm từ bỏ ma túy, cuộc đời của họ sẽ dần hồi sinh...
Một trong những trường hợp điển hình cho sự hồi sinh mạnh mẽ, sau nhiều năm u mê theo ma túy là anh Phạm Văn Dũng (sinh năm 1979) ở xóm Dợ, xã Hòa Xá (huyện Ứng Hòa). Theo lời kể, năm 2002, khi đang là sinh viên của một cơ sở giáo dục nghề nghiệp, sắp đến ngày ra trường, anh Dũng theo bạn bè sử dụng hêrôin. Trải qua hành trình cai nghiện gần 8 năm, đến năm 2010, anh Dũng từ bỏ được ma túy và duy trì đến nay.
Nhờ chăm chỉ làm ăn, chỉ sau 2 năm không sử dụng “chất trắng”, gia đình anh Dũng đã xây được ngôi nhà khá khang trang. Hiện tại, anh Dũng làm chủ một cơ sở sản xuất đồ mã tại địa phương, thu nhập ổn định, cuộc sống gia đình êm ấm, thuận hòa. Chia sẻ về trường hợp đặc biệt này, Chủ tịch UBND xã Hòa Xá Dư Văn Dũng cho biết: “Nhiều năm qua, anh Phạm Văn Dũng là chỗ dựa vững chắc cho gia đình. Với xã hội, anh Dũng sẵn sàng cùng cộng đồng đón nhận, giúp đỡ những cuộc đời lầm lỡ mong muốn hoàn lương”.
Trường hợp khác từ bỏ ma túy nhiều năm, nhiều người biết đến là ông Phạm Văn Hoằng (sinh năm 1965) ở thôn An Duyên, xã Tô Hiệu (huyện Thường Tín). Ông Hoằng cho biết, vào giữa những năm 80 của thế kỷ trước, ông rời quê đi làm ăn xa. Nơi đó có trồng cây thuốc phiện và có nhiều người sử dụng loại thuốc gây nghiện này. Do chưa ý thức được tác hại, ông Hoằng tò mò thử dùng “nàng tiên nâu”, rồi dần lệ thuộc vào nó. Trải qua nhiều lần cai nghiện, đến cuối năm 1996, ông Hoằng từ bỏ được ma túy. Sau khi đoạn tuyệt với ma túy, ông Hoằng cùng vợ chăm chỉ làm kinh tế, chăm sóc, nuôi dạy con cái. Hiện con cái ông đã trưởng thành, kinh tế gia đình ngày càng phát triển. Thấu hiểu những tác hại do ma túy gây ra, nhiều năm qua, ông Hoằng luôn quan tâm, trợ giúp những người đồng cảnh; tích cực tham gia phòng, chống ma túy tại cộng đồng.
Ngoài những dẫn chứng nêu trên, trên địa bàn Hà Nội còn có nhiều cuộc đời từng lệ thuộc vào ma túy đã, đang hồi sinh mạnh mẽ, như các anh: Khuất Duy Quang, thôn Phúc Trạch, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ); Nguyễn Hoàng Điệp, hiện là Giám đốc Công ty TNHH Thiên Ân Haeun (quận Nam Từ Liêm)... Đặc biệt, anh Lê Trung Tuấn, hiện là Chủ tịch Hội đồng quản lý và là người sáng lập Viện Nghiên cứu tâm lý người sử dụng ma túy PSD; thành viên sáng lập Liên hiệp các Tổ chức điều trị nghiện thế giới (ICARO) gồm 48 quốc gia thành viên...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.