(HNMO) - Ngày 12-8, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức hội nghị tổng kết năm học 2021-2022, triển khai nhiệm vụ năm học 2022-2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Dự hội nghị có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh.
Dự tại điểm cầu Hà Nội có Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Trọng Đông.
Những mảng màu sáng
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn đã báo cáo tóm tắt kết quả năm học 2021-2022, đáng chú ý là những mảng màu sáng của ngành Giáo dục và Đào tạo đạt được trong điều kiện dạy, học có nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19.
Toàn ngành đã tổ chức dạy học linh hoạt, ứng phó hiệu quả với dịch bệnh, hoàn thành kế hoạch thời gian năm học đúng tiến độ; chất lượng giáo dục ở các cấp học được duy trì.
Dù trẻ mầm non phải nghỉ học trong phần lớn thời gian của năm học, song các địa phương vẫn duy trì đạt chuẩn phổ cập giáo dục trẻ mầm non 5 tuổi.
Chất lượng giáo dục phổ thông giữ ổn định với tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 98,75%.
Công tác tuyển chọn, tập huấn các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic khu vực, quốc tế tiếp tục đổi mới và đạt hiệu quả với 37/39 học sinh đoạt giải. Điểm nhấn ấn tượng của giáo dục mũi nhọn là đội tuyển Olympic hóa học quốc tế có 4/4 thí sinh dự thi đều đoạt Huy chương vàng, xếp thứ 2 thế giới; đội tuyển Olympic toán học xếp thứ 4 thế giới, đội tuyển Olympic vật lý quốc tế xếp thứ 5 thế giới…
Kết quả đáng chú ý của giáo dục thường xuyên là tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông đạt 93,32%, tăng 3% so với năm trước. 63/63 tỉnh, thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1; 44/63 tỉnh/thành phố đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt 69,84%, tăng gần 16% so với năm trước.
Cùng với các địa phương, ngành Giáo dục Thủ đô cũng góp phần đáng kể trong kết quả chung. Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương, dù còn nhiều khó khăn, song Hà Nội đã hoàn thành việc rà soát toàn bộ mạng lưới trường học đến năm 2030, định hướng đến năm 2045; phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, kịp thời chăm lo, hỗ trợ cho nhà giáo, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; công tác đầu tư cơ sở vật chất phục vụ dạy - học được tăng cường; nâng tỷ lệ trường công lập đạt chuẩn quốc gia lên 79%, chuẩn bị đầu tư xây dựng 7 trường liên cấp hiện đại có diện tích 5 héc ta trở lên; duy trì hiệu quả công tác tuyển sinh trực tuyến, khánh thành trung tâm điều hành giáo dục thông minh...
Quyết tâm vượt khó khăn, nâng cao chất lượng
Ngành Giáo dục và Đào tạo xác định chủ đề của năm học 2022-2023 là “Đoàn kết, nỗ lực vượt khó khăn, đổi mới sáng tạo, củng cố, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo”.
Toàn ngành tập trung thực hiện 12 nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc tiếp tục phòng, chống, ứng phó thiên tai, dịch bệnh; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo; tăng cường công tác chính trị đối với nhà giáo và người học; thu hút nguồn lực đầu tư cho giáo dục...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, Bộ xác định việc hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách là khâu đột phá, là việc ưu tiên, trong đó có việc rà soát, ban hành các quy định theo hướng đẩy mạnh phân cấp, tháo gỡ khó khăn...
Với quyết tâm triển khai tốt nhiệm vụ năm học mới, tham luận của các địa phương đã chỉ ra những bất cập, khó khăn. Một trong những bài học kinh nghiệm được thống nhất cao là xây dựng kế hoạch năm học linh hoạt, tạo thuận lợi nhất cho học sinh. Ngoài ra, các địa phương cũng xác định tiếp tục tăng cường nguồn lực đầu tư cho giáo dục; chú trọng xây dựng đội ngũ nhà giáo để mỗi nhà giáo là tấm gương cho học sinh...
Với vị thế Thủ đô có nhiều thuận lợi, song cũng đối diện với nhiều thách thức, trong đó có việc đáp ứng nhu cầu học tập khi số lượng học sinh trong độ tuổi tuyển sinh hằng năm tăng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, Hà Nội sẽ tập trung nguồn lực xây dựng, cải tạo trường công lập đạt chuẩn quốc gia theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND với dự kiến thực hiện 653 dự án, kế hoạch vốn hơn 20 nghìn tỷ đồng. Hà Nội quyết tâm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện; dạy học hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018...
Trân trọng những đóng góp, nỗ lực của đội ngũ nhà giáo cả nước đã khắc phục nhiều khó khăn để đạt kết quả toàn diện trong năm học 2021-2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cho rằng, một trong những khó khăn của ngành Giáo dục và Đào tạo là không tự quyết định được các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục (trường lớp, biên chế giáo viên...). Dù vậy, toàn ngành lại luôn nhận được sự quan tâm, cùng nhiều mong muốn, đòi hỏi ngày càng cao của người dân về chất lượng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu ngành Giáo dục và Đào tạo, các địa phương thẳng thắn nhìn vào những khó khăn để khắc phục trong năm học mới.
Một trong những nhiệm vụ cốt lõi của toàn ngành là tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 29-NQ/TƯ, ngày 4-11-2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”; tổ chức dạy học thực chất, quan tâm phát triển toàn diện đức, trí, thể, mỹ cho học sinh.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu các địa phương tập trung làm ngay việc tổ chức dạy bù kiến thức cho học sinh do ảnh hưởng của dịch Covid-19; thực hiện tốt việc tuyển dụng biên chế giáo viên mới được bổ sung... Ngoài ra, các địa phương cần quan tâm xây dựng văn hóa học đường, bảo đảm dân chủ trường học; rà soát các quy định về dạy thêm - học thêm, việc sử dụng sách tham khảo, tránh hiện tượng biến tướng khiến học sinh buộc phải tự nguyện; nâng cao chất lượng dạy - học ở địa bàn miền núi...
Liên quan vấn đề học phí, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết, Chính phủ đã yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo hoàn thiện nghị quyết theo tinh thần mức thu học phí của giáo dục phổ thông không tăng mà giảm nhanh hơn lộ trình, tiến tới miễn học phí. Ngân sách chi cho giáo dục sẽ được tính đúng, tính đủ, bảo đảm cho chất lượng giáo dục được cải thiện.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.