Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết tâm thực hiện tốt Đề án 06 trên địa bàn Thủ đô

Dương Hiệp| 26/06/2022 06:22

(HNM) - Thủ đô Hà Nội là địa phương làm điểm, "làm mẫu" trong thực hiện “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” (Đề án 06). Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội khẳng định, lực lượng Công an Thủ đô sẽ quyết tâm thực hiện tốt Đề án 06…

Thiếu tướng Nguyễn Hồng Ky, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội.

Càng khẩn trương, càng nhiều lợi ích

- Thiếu tướng có thể giới thiệu đôi nét về Đề án 06, những tác động của đề án đối với lợi ích quốc gia và quyền lợi của người dân?

- Ngày 6-1-2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 06/QĐ-TTg phê duyệt “Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Từ đó, Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 thành phố Hà Nội đã được thành lập, trong đó Công an thành phố được giao nhiệm vụ làm cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo.

Với đề án này, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ được kết nối, chia sẻ và cung cấp dữ liệu với các bộ, ngành, địa phương, hướng tới phục vụ 5 nhóm tiện ích cốt lõi. Theo lộ trình của Đề án 06, các thông tin công dân sẽ dần được tích hợp trên thẻ căn cước công dân gắn chíp điện tử, giúp người dân chỉ sử dụng duy nhất thẻ căn cước công dân thay thế nhiều giấy tờ khác để thực hiện giao dịch với các cơ quan nhà nước, bảo đảm chính xác và thuận tiện.

Thành phố Hà Nội là địa phương được chọn làm điểm của cả nước, việc triển khai Đề án 06 càng quyết liệt, khẩn trương thì người dân Thủ đô càng sớm được trải nghiệm các tiện ích đi kèm, góp phần tiết kiệm, chống lãng phí, tạo thuận lợi nhất cho người dân và doanh nghiệp.

- Khi thực hiện Đề án 06, việc triển khai cấp tài khoản định danh điện tử cho công dân là vấn đề quan trọng. Qua đó sẽ mang lại nhiều tiện ích thiết thực cho người dân. Vậy tiện ích đó là gì và làm thế nào để được cấp tài khoản định danh điện tử, thưa Thiếu tướng?

- Người dân sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ có những lợi ích như tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí vì không phải kê khai nhiều loại biểu mẫu, giảm nhiều khâu thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Công dân có thể thay thế căn cước công dân và các loại giấy tờ mà họ đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: Giấy phép lái xe, đăng ký xe, bảo hiểm y tế...

Công dân cũng có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các giao dịch tài chính. Khi sử dụng tài khoản này, người dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch được an toàn.

Để được cấp tài khoản định danh điện tử, công dân lựa chọn một trong các hình thức: Đến trực tiếp cơ quan công an các cấp để được hướng dẫn đăng ký mở tài khoản định danh điện tử mức 2 hoặc thực hiện việc đăng ký tài khoản định danh điện tử mức 1 trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia.

- Trước khi triển khai Đề án 06, Công an thành phố luôn xác định dữ liệu dân cư phải luôn "đúng, đủ, sạch, sống". Thiếu tướng có thể giải thích rõ hơn về vấn đề này?

- Nội dung "đúng, đủ, sạch, sống" có thể hiểu đơn giản là: Dữ liệu công dân phải bảo đảm đúng đối tượng là công dân Việt Nam; tất cả thông tin công dân phải được cập nhật đầy đủ; dữ liệu thông tin công dân phải bảo đảm chính xác; thông tin công dân phải được cập nhật thường xuyên, kịp thời.

Ngay trong giai đoạn đầu, đối với cơ sở dữ liệu dân cư, Công an thành phố Hà Nội đã cập nhật làm sạch được hơn 7,5 triệu dữ liệu thông tin công dân có hộ khẩu thường trú trên địa bàn, đạt 99,5%. Đối với cấp căn cước công dân gắn chíp, Công an thành phố đã thu nhận được gần 5,7 triệu dữ liệu, đạt trên 98% công dân trong độ tuổi đủ điều kiện cấp căn cước công dân… Đối với việc tiếp nhận thông tin xác thực định danh điện tử cá nhân Bộ Công an đang tổ chức triển khai, Công an thành phố đã chủ động có kế hoạch triển khai thực hiện quyết liệt, bảo đảm hoàn thành đúng chỉ tiêu, tiến độ đã đề ra.

Lực cản lớn đòi hỏi quyết tâm cao

- Việc triển khai thực hiện Đề án 06 trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện gặp khó khăn gì, thưa Thiếu tướng?

-  Đối với thành phố Hà Nội, việc triển khai Đề án 06 không tránh khỏi những khó khăn chung của cả nước. Đó là một số cơ chế, chính sách, pháp luật còn đang từng bước hoàn thiện, sửa đổi, bổ sung; điều kiện hạ tầng, kỹ thuật, nhân lực công nghệ thông tin của các bộ, ngành, địa phương còn hạn chế, manh mún, thiếu đồng bộ… 

Ngoài ra, Hà Nội sẽ có những khó khăn nhiều hơn các địa phương khác do là đơn vị đầu tiên của cả nước triển khai toàn bộ các nội dung của Đề án 06. Do đó, chúng ta chưa có kinh nghiệm để học hỏi mà phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm, trong khi nội dung, quy mô Đề án rất rộng, dẫn đến khối lượng công việc nhiều hơn, áp lực công việc lớn hơn; thường xuyên phải đóng góp ý kiến, phối hợp với các bộ, ngành kịp thời tham mưu với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Bên cạnh đó, một bộ phận người dân Thủ đô chưa quen sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, tâm lý không muốn thay đổi thói quen, ngại tìm hiểu khi thực hiện dịch vụ mới, kỹ năng sử dụng, thao tác trên các thiết bị điện tử của nhiều người còn hạn chế..., dẫn đến số lượng người sử dụng dịch vụ còn khiêm tốn.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền về Đề án 06 đã được Công an thành phố đẩy mạnh, tuy nhiên nhiều người dân còn chưa hiểu hết về lợi ích của việc cấp định danh điện tử, lợi ích của việc thực hiện các dịch vụ công trực tuyến nên đã phần nào ảnh hưởng đến tiến độ triển khai đề án... Tuy nhiên, với sự nỗ lực, quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, tôi tin là chúng ta sẽ thực hiện thắng lợi một chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước nhằm đưa Hà Nội đi đầu cả nước trong việc xây dựng chính phủ số, xã hội số và nền kinh tế số.

- Xin Thiếu tướng cho biết, thời gian tới, Công an thành phố có đề xuất gì để việc thực hiện Đề án 06 đạt được hiệu quả cao nhất?

- Tôi cho rằng phải đẩy mạnh những nhiệm vụ sau: Làm tốt công tác tuyên truyền, định hướng cho xã hội về lợi ích của Đề án 06, về những đóng góp vào lợi ích chung của quốc gia, cũng như là lợi ích cho mỗi người dân; lấy người dân là trung tâm, chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và mục tiêu của sự phát triển, những nỗ lực, đổi mới, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương trong việc triển khai đề án và của Bộ Công an trong vận hành, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và quản lý căn cước công dân để người dân, cộng đồng doanh nghiệp đón nhận tích cực, nhiệt tình ủng hộ cho đề án. Các đơn vị được giao nhiệm vụ cũng cần bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn hệ thống và dữ liệu trong quá trình thực hiện Đề án 06.

Đặc biệt, với vai trò cơ quan thường trực Đề án 06, lực lượng công an các cấp phát huy vai trò nòng cốt, thường trực trong việc triển khai tại các cấp cơ sở, tiếp tục rà soát các nội dung, nhiệm vụ cụ thể để tham mưu Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 06 thành phố triển khai kịp thời, bảo đảm đúng tiến độ đề ra.

- Trân trọng cảm ơn Thiếu tướng!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết tâm thực hiện tốt Đề án 06 trên địa bàn Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.