(HNM) - Thời gian qua, Chính phủ đều yêu cầu các bộ, cơ quan tập trung xây dựng, trình các văn bản quy định chi tiết theo đúng tiến độ được phân công. Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, hiện nay, các bộ, ngành đang thể hiện rõ quyết tâm không để nợ đọng văn bản trong nhiệm kỳ Chính phủ 2016-2021.
Trong giai đoạn 2016-2020, Chính phủ đã trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành 112 văn bản; Chính phủ ban hành 745 nghị định; Thủ tướng Chính phủ ban hành 232 quyết định; các bộ, cơ quan ngang bộ ban hành 2.422 thông tư, 110 thông tư liên tịch… Hiện ở hầu hết lĩnh vực của đời sống xã hội đều có văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh, cơ bản thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, không chỉ góp phần đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, mà còn bảo đảm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tôn trọng, bảo vệ quyền con người, chủ động hội nhập quốc tế của đất nước. Đến ngày 31-12-2020, chỉ có 6 văn bản chi tiết nợ đọng do các nghị định liên quan đến nhiều lĩnh vực, cần đánh giá tác động nên Chính phủ phải cân nhắc, xem xét ban hành ở thời điểm thích hợp.
Tiếp đó, do tiếp tục phát sinh nợ đọng mới nên đến hết ngày 25-2-2021, còn 17 văn bản chi tiết nợ đọng liên quan đến trách nhiệm của các bộ, cơ quan: Nội vụ (5 văn bản); Kế hoạch và Đầu tư (4 văn bản); Tài chính (2 văn bản); Xây dựng (1 văn bản); Tài nguyên và Môi trường (2 văn bản); Công an (1 văn bản); Giáo dục và Đào tạo (1 văn bản); Lao động - Thương binh và Xã hội (1 văn bản).
Về chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, trong quý I-2021, có 89 đề án phải trình, trong đó có 21 đề án giao trong Nghị quyết 01 của Chính phủ. Đến ngày 25-2, các bộ, cơ quan đã trình 21/89 đề án, còn 68 đề án chưa trình, trong đó có 57 đề án trong hạn và 11 đề án nợ đọng, chiếm 12,3%.
Thực tế trên cho thấy, mặc dù các bộ, cơ quan đều quyết tâm hoàn thành 100%, không nợ đọng văn bản của Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 nhưng tiến độ soạn, trình văn bản quy định chi tiết chưa đáp ứng công tác tổ chức thi hành pháp luật và sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Liên quan đến vấn đề này, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết: “Số văn bản quy định chi tiết nợ đọng dù vẫn còn nhưng đã giảm thấp”. Đơn cử, Bộ Công an còn nợ một văn bản hướng dẫn chi tiết Nghị định quy định việc xây dựng công an xã, thị trấn chính quy. Hiện dự thảo văn bản đã được trình, xin ý kiến của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình sau cuộc trao đổi với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Nội vụ.
Xác định cải cách thể chế là một trong 3 khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường… cũng đang gấp rút xử lý giải quyết các công việc tồn đọng theo đúng kế hoạch. Đích đến là quyết liệt cắt giảm mạnh chi phí tuân thủ về thủ tục hành chính để giảm gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp; hình thành các cơ chế, chính sách ưu đãi nhằm thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh…
Để hoàn thành nhiệm vụ này, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo các nghị định chủ động cùng Văn phòng Chính phủ đôn đốc những bộ liên quan tham gia cùng cơ quan chủ trì. Với vai trò “gác cổng” pháp luật, Bộ Tư pháp nghiên cứu, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ phương án cắt giảm tối đa đầu văn bản quy phạm pháp luật theo hướng việc ban hành một văn bản mới phải bãi bỏ ít nhất một văn bản cũ nhằm tạo thông thoáng hệ thống pháp luật, thuận lợi trong quá trình pháp điển hóa và việc tra cứu, thực thi của người dân, doanh nghiệp. Mục tiêu là chậm nhất vào ngày 20-3 phải ban hành đủ văn bản, ngay trước thời điểm diễn ra kỳ họp thứ mười một, Quốc hội khóa XIV dự kiến khai mạc ngày 24-3.
“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là dứt khoát không bàn giao văn bản nợ đọng cho Chính phủ nhiệm kỳ mới. Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sẵn sàng cùng các thành viên Chính phủ giải quyết các vấn đề, như phát biểu của Thủ tướng Chính phủ là kể cả họp ban đêm để xử lý”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nói.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.