Do nhu cầu đi lại của người dân tăng đột biến, nên mỗi dịp nghỉ lễ dài ngày, cả nước thường xảy những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.
Dịp nghỉ lễ Quốc khánh năm nay, toàn quốc ghi nhận 257 vụ tai nạn giao thông, làm chết 124 người và bị thương 193 người; giảm 28 vụ và 36 người chết so với 4 ngày nghỉ lễ năm 2023.
Mặc dù số vụ tai nạn giao thông xảy ra vẫn còn nhiều, song đây là nỗ lực lớn của các cơ quan chức năng cả nước, đặc biệt là sự đóng góp quan trọng của lực lượng Cảnh sát giao thông các địa phương. Một loạt giải pháp đồng bộ, hiệu quả đã được triển khai như tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông; tập trung vào các khung giờ, tuyến đường thường xuyên xảy ra tai nạn giao thông; kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Trong đó, lực lượng chức năng đã tập trung xử lý các vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông như: Vi phạm nồng độ cồn, “cơi nới” thùng xe, chở hàng quá khổ, quá tải, chạy quá tốc độ, tránh - vượt sai quy định, đi sai phần đường, làn đường, không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông...
Nghỉ lễ Quốc khánh chỉ là những ngày mở đầu của “Tháng cao điểm an toàn giao thông cho học sinh đến trường - tháng 9” do Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai trong cả nước đến hết ngày 30-9. Trong bối cảnh tai nạn giao thông vẫn luôn rình rập, đặc biệt các hành vi tiềm ẩn nguy hiểm gia tăng ở nhóm đối tượng là học sinh, sinh viên khi năm học mới đã bắt đầu, việc triển khai đồng bộ các giải pháp là hết sức cấp thiết.
Để tình hình tai nạn giao thông giảm bền vững trên cả 3 tiêu chí, về lâu dài không chỉ trong tháng 9 này, các cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền và hướng dẫn người tham gia giao thông, nhất là học sinh, sinh viên có kiến thức và kỹ năng tham gia giao thông an toàn. Trong đó, các gia đình tích cực nhắc nhở con em không điều khiển mô tô, xe gắn máy khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe và chưa đủ kỹ năng tham gia giao thông.
Các địa phương cần chủ động xây dựng phương án tổ chức giao thông an toàn, thông suốt, nhất là trên các tuyến, khu vực có nguy cơ cao dẫn đến tai nạn giao thông, ùn tắc giao thông. Trong đó, khẩn trương xử lý các "điểm đen" về tai nạn giao thông mới phát sinh; rà soát, bổ sung hệ thống báo hiệu, thực hiện nghiêm việc tổ chức, hướng dẫn bảo đảm giao thông trên các đoạn, tuyến, công trình có hoạt động thi công. Đặc biệt là kiểm soát chặt chẽ dịch vụ vận chuyển đưa, đón học sinh, đồng thời xử lý nghiêm các đơn vị kinh doanh vận tải vi phạm các quy định về vận chuyển đưa, đón học sinh nhằm hạn chế nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đáng tiếc.
Trong tất cả các giải pháp trên, ý thức của mỗi người dân khi tham gia giao thông vẫn là yếu tố quan trọng hàng đầu để kéo giảm tai nạn giao thông bền vững trên cả 3 tiêu chí. Vì thế, mỗi người dân khi tham gia giao thông hãy nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của pháp luật, như: “Đã uống rượu, bia - không lái xe"; "Không sử dụng điện thoại khi lái xe"; "Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn khi đi mô tô, xe máy, xe đạp điện"; "Tuân thủ quy định tốc độ"…
Hy vọng rằng, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự phân công nhiệm vụ cụ thể đối với từng cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng và ý thức chấp hành pháp luật của mỗi người dân sẽ góp phần kiềm chế và kéo giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí trong năm 2024.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.