(HNM) - Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về "Đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và hội nhập quốc tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh, phát triển kinh tế Thủ đô nhanh và bền vững giai đoạn 2021-2025" vừa được thông qua, là bước đi vững chắc, trên cơ sở khoa học, phù hợp với mục tiêu và thực tiễn của Hà Nội. Phóng viên Báo Hànộimới đã ghi lại những ý kiến tâm huyết của cán bộ, đại diện sở, ngành về nội dung này, khẳng định quyết tâm góp phần hiện thực hóa những mục tiêu đề ra...
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan:
Tập trung phát triển công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chủ lực
Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội đề ra các mục tiêu rất quan trọng, có ý nghĩa định hình tầm vóc, sức mạnh kinh tế Thủ đô trong 5 năm tới. Trong đó, ngành Công Thương Hà Nội sẽ tập trung phát triển có chọn lọc một số ngành, lĩnh vực công nghiệp chủ lực, đột phá vào những ngành, sản phẩm sử dụng công nghệ hiện đại, kỹ thuật tiên tiến, có hàm lượng chất xám cao, có giá trị gia tăng lớn...
Cụ thể, trước mắt, chúng tôi tập trung triển khai có hiệu quả Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ thành phố Hà Nội giai đoạn 2020-2025, với mục tiêu đẩy mạnh sản xuất công nghiệp theo chuỗi giá trị toàn cầu; phát triển các lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ dựa trên nhu cầu và lợi thế phát triển của Hà Nội, bao gồm 3 lĩnh vực chủ chốt là: Sản xuất linh kiện phụ tùng, công nghiệp hỗ trợ phục vụ các ngành công nghiệp công nghệ cao và ngành dệt may, da giày. Cùng với đó, chúng tôi thực hiện các chương trình, kế hoạch của thành phố về phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực giai đoạn 2021-2025.
Chú trọng thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng kinh tế; lấp đầy các khu công nghệ cao, khu công nghiệp, cụm công nghiệp... cũng là nhiệm vụ quan trọng, tạo bước đột phá về phát triển công nghiệp, hình thành các tổ hợp công nghiệp quy mô lớn và hiệu quả cao, bảo vệ môi trường, gia tăng sức cạnh tranh cho kinh tế Thủ đô...
Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội Nguyễn Minh Tuấn:
Chủ động hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng
Bám sát Chương trình số 02-CTr/TU, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện cơ cấu lại thị trường tài chính - tiền tệ. Đặc biệt là việc thực hiện các giải pháp nâng cao năng lực tài chính, chất lượng tín dụng (bảo đảm tỷ lệ nợ xấu dưới 3%); năng lực quản trị điều hành của các tổ chức tín dụng từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế. Ngành Ngân hàng Thủ đô chú trọng tập trung tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, nhất là phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực của Thủ đô; thực hiện các giải pháp tín dụng, đẩy mạnh các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn cho khách hàng...
Riêng năm 2021, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố Hà Nội chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; chủ động cải cách, hiện đại hóa lĩnh vực ngân hàng, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.
Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội Nguyễn Tiến Thiết:
Giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách
Dựa trên nội dung của Chương trình số 02-CTr/TU, Sở Tài chính chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện. Với chức năng của Sở, chúng tôi tham mưu điều hành ngân sách với việc giám sát chặt chẽ các khoản chi từ ngân sách nhà nước, bảo đảm triệt để tiết kiệm, chống lãng phí, tăng nguồn thu sự nghiệp; tham gia xây dựng pháp luật về phí, lệ phí theo hướng chuyển sang áp dụng giá dịch vụ phù hợp cơ chế thị trường; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng tính tự chủ, tăng cường trách nhiệm đối với các đơn vị trực thuộc.
Trước mắt, Sở Tài chính tiếp tục rà soát, cơ cấu lại chi ngân sách theo hướng tiết kiệm chi thường xuyên, ưu tiên dành nguồn lực cho đầu tư phát triển; triệt để tiết kiệm các khoản chi chưa thật cần thiết, nhất là chi thường xuyên, giảm tối đa kinh phí hội nghị, công tác trong và ngoài nước. Đặc biệt, để chuẩn bị cho thời kỳ ổn định ngân sách mới, Sở Tài chính rà soát, tham mưu với thành phố điều chỉnh, bổ sung quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi giữa các cấp ngân sách, tỷ lệ phần trăm phân chia khoản thu giữa các cấp ngân sách cho phù hợp với phân cấp quản lý nhà nước về kinh tế - xã hội...
Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long:
Xác định thế mạnh là phát triển kinh tế đô thị
Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội là một trong những chương trình công tác đặc biệt quan trọng, định hướng và cụ thể hóa mục tiêu phát triển kinh tế của Thủ đô. Là thành phố có bề dày lịch sử, văn hóa, rất khác biệt so với các thành phố khác trên cả nước, Hà Nội có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế đô thị. Trong đó, quận Hoàn Kiếm là quận nội đô lịch sử, có quỹ di sản đô thị rất lớn. Trước mắt, dịch Covid-19 được kiểm soát là điều kiện để quận phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế và du lịch. Những năm tới, quận Hoàn Kiếm sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng du lịch, phát triển các dịch vụ mới; đặc biệt khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư có tiềm năng cùng hợp tác phát triển kinh tế đô thị.
Tôi tin rằng, Chương trình số 02-CTr/TU với những định hướng quan trọng sẽ giúp mỗi quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô phát huy tiềm năng, lợi thế để phát triển.
Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân:
Thu hút đầu tư cho phát triển công nghiệp và hạ tầng đô thị
Huyện Gia Lâm hiện đang tập trung phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp, xây dựng, nông nghiệp. Cùng với đó, huyện tập trung huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đô thị, phấn đấu đến hết năm 2023 trở thành quận.
Để đạt được mục tiêu, huyện Gia Lâm tập trung củng cố, duy trì và thu hút các doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh tại các khu, cụm công nghiệp, các cụm công nghiệp làng nghề... Bên cạnh đó, huyện hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào các dự án trên địa bàn thông qua việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng...; giảm thiểu thời gian thực hiện thủ tục hành chính, thời gian thẩm định, phê duyệt các dự án... Với định hướng rõ ràng, cụ thể, Chương trình số 02-CTr/TU càng tạo điều kiện thuận lợi để huyện hoàn thành các mục tiêu.
Một số kết quả, chỉ tiêu kinh tế Thủ đô, nhiệm vụ trọng tâm được đề cập trong Chương trình số 02-CTr/TU
1. Kết quả phát triển kinh tế giai đoạn 2016-2020
- Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 7,36%/năm. Riêng năm 2020, GRDP tăng 3,98% do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tính chung, bình quân giai đoạn 2016-2020, GRDP tăng 6,68%/năm.
- Quy mô GRDP năm 2020 đạt 1,016 triệu tỷ đồng, khoảng 43,8 tỷ USD; GRDP bình quân đầu người đạt 5.285 USD, gấp 1,36 lần năm 2015 và gấp 1,9 lần bình quân cả nước.
- Tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ tăng từ 85,77% lên 86,46%. Tăng trưởng khu vực dịch vụ bình quân giai đoạn 2016-2019 đạt 7,23%. Năm 2020, ngành dịch vụ tăng 3,29%; bình quân 5 năm 2016-2020 tăng 6,43%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu năm 2020 đạt 44,75 tỷ USD, tăng 1,24 lần so với năm 2015; kim ngạch xuất khẩu trung bình cả giai đoạn tăng 8,81%, cao hơn 1,68 lần giai đoạn 2011-2015.
2. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu đến năm 2025
- Phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân: 7,5-8%/năm giai đoạn 2021-2025; trong đó dịch vụ 8-8,5%, công nghiệp và xây dựng 8,5-9%, nông, lâm nghiệp và thủy sản 2,5-3%. GRDP bình quân đầu người năm 2025 đạt 8.300-8.500 USD/người. Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1-3,2 triệu tỷ đồng (theo giá hiện hành, tăng 12,5-13,5%/năm).
- Cơ cấu kinh tế năm 2025 gồm: Dịch vụ chiếm 65-65,5%, công nghiệp và xây dựng chiếm 22,5-23%, nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,4-1,6%; vốn đầu tư phát triển toàn xã hội: 3,1-3,2 triệu tỷ đồng.
- Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân đạt 7-7,5%/năm; tỷ trọng kinh tế số chiếm 30% GRDP; giá trị gia tăng công nghiệp chế tạo trong GRDP chiếm 17%; kim ngạch xuất khẩu 20,470 tỷ USD; số lượt khách du lịch đón và phục vụ đạt 35-39 triệu lượt người (trong đó có 8-9 triệu lượt khách quốc tế); tỷ lệ lao động qua đào tạo 75-80%.
3. Ban hành danh mục dự kiến 40 nhiệm vụ trọng tâm
Chương trình cũng ban hành danh mục dự kiến 40 nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, đáng chú ý là Sở Kế hoạch và Đầu tư lập Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội thành phố 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm giai đoạn 2021-2025; xây dựng nhiệm vụ lập Quy hoạch thành phố Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; rà soát cơ sở dữ liệu về kinh tế tập thể, hợp tác xã, lập Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã giai đoạn 2021-2025…
Cục Thuế thành phố Hà Nội lập Đề án nghiên cứu, triển khai giải pháp khai thác tăng thu, nuôi dưỡng nguồn thu - cơ cấu nguồn thu ngân sách của thành phố theo hướng bền vững.
Sở Du lịch lập Đề án cơ cấu lại ngành Du lịch thành phố Hà Nội giai đoạn 2021-2025.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập Kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030; Chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025, định hướng đến 2030…
Sở Tài nguyên và Môi trường lập Đề án tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường ở các làng nghề, khu, cụm công nghiệp.
Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội nghiên cứu đề tài: Định hướng và giải pháp chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế Thủ đô theo hướng năng suất, hiệu quả và bền vững đến năm 2030…
Anh Minh
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.