(HNM) - Thời gian qua, vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn diễn biến khá phức tạp, nhất là vi phạm trên đất lâm nghiệp và hồ thủy lợi. Mặc dù các cơ quan chức năng đã siết chặt công tác quản lý nhưng việc xử lý vi phạm còn nan giải, đòi hỏi phải có biện pháp quyết liệt để giải quyết.
Khu vực hồ Đồng Đò, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) được ví như Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng), thu hút nhiều người dân lên nghỉ dưỡng, du lịch dịp cuối tuần. Đi kèm với sự ưu đãi của thiên nhiên là tình trạng xây dựng công trình trên đất rừng, hồ đập thủy lợi ở đây cũng diễn ra tràn lan. Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí Nguyễn Văn Hảo cho biết, trong năm 2021, khu vực hồ Đồng Đò phát sinh 21 trường hợp vi phạm trật tự xây dựng. Điển hình, gia đình bà Trịnh Thị Phương Anh xây dựng bờ kè dài 29m lấn ra lòng hồ Đồng Đò; gia đình ông Trịnh Văn Thanh san gạt 2 vị trí trên đất rừng có tổng diện tích hơn 700m2... “Cứ đà vi phạm này, chẳng mấy chốc khu vực hồ Đồng Đò sẽ bị “băm nát”, ông Trần Văn Phương, người dân xã Minh Trí bức xúc nói.
Tương tự, tại hồ Đồng Quan (xã Phù Linh), gia đình ông Trần Ngọc Hà đã đổ hàng trăm mét khối đất xuống lòng hồ, xây 66m tường đá, cao 1m trong phạm vi bảo vệ hồ. Đầu tháng 6-2021, huyện Sóc Sơn đã lập biên bản yêu cầu ông Trần Ngọc Hà tự giải tỏa vi phạm, nhưng đến tháng 11-2021, khu vực này lại được “sang tên” cho ông Nguyễn Văn Long và tiếp tục có thêm hàng trăm mét khối đất đổ xuống lòng hồ, san gạt diện tích gần 3.000m2…
Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Thu thông tin, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng đã lập hồ sơ xử lý 229 công trình vi phạm trật tự xây dựng. Trong đó, các địa phương để xảy ra nhiều vi phạm như: Minh Trí, Minh Phú, Bắc Sơn, Tiên Dược, Xuân Thu, Hiền Ninh…
Xảy ra nhiều vi phạm, ngoài nguyên nhân chủ quan và yếu kém trong công tác quản lý của chính quyền địa phương còn có nguyên nhân khách quan do sự chồng chéo, bất cập trong các quy định. Thực tế, đất rừng và hệ thống hồ thủy lợi trong rừng ở Sóc Sơn có sự quản lý chồng chéo của nhiều đơn vị, địa phương. Do đó, khi xảy ra vi phạm có tình trạng các đơn vị, địa phương đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Để giải quyết bất cập này, Đội trưởng Đội Quản lý trật tự xây dựng huyện Sóc Sơn Nguyễn Văn Thu đề xuất, cơ quan chức năng cần có sự phân công rõ trách nhiệm, tổ chức mô hình quản lý phù hợp, tăng cường phối hợp, giám sát chặt chẽ của các bên liên quan, nhất là khi xử lý vi phạm phải gắn với từng thời điểm cụ thể, gắn với chính sách pháp luật đất đai qua các thời kỳ, xem xét yếu tố lịch sử và quá trình sử dụng đất của các hộ dân.
Ở góc độ địa phương, Phó Chủ tịch UBND xã Minh Trí Nguyễn Văn Hảo cho biết, trong năm 2021, xã đã vào cuộc quyết liệt, phối hợp với cơ quan chức năng giải tỏa 9 trường hợp vi phạm công trình hồ Đồng Đò; tuyên truyền, vận động 4 trường hợp tự khắc phục vi phạm trên đất lâm nghiệp; các trường hợp còn lại, xã đang hoàn thiện hồ sơ báo cáo UBND huyện để cưỡng chế.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Hồ Việt Hùng khẳng định, việc xử lý vi phạm trật tự xây dựng nói chung và vi phạm đất rừng, hồ thủy lợi nói riêng được UBND huyện coi là nhiệm vụ quan trọng trong giai đoạn 2021-2022. UBND huyện đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và 26 xã, thị trấn ra quân xử lý vi phạm. Tính đến ngày 31-12-2021, các xã, thị trấn đã ra quân xử lý được 199 trường hợp vi phạm; tồn đọng 110 trường hợp, huyện sẽ xử lý dứt điểm trong năm 2022.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.