Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt thu hồi, giảm nợ đọng

Vân Khúc| 13/12/2017 07:14

(HNM) - Thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội Hà Nội đã có nhiều giải pháp để thu hồi nợ đọng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, song tình trạng nợ đọng vẫn diễn biến phức tạp...

Người dân đến khám, chữa bệnh BHYT tại Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội). Ảnh: Thái Hiền


- Ông có thể khái quát tình hình tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) và tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô hiện nay?

- Tính đến hết tháng 11-2017, trên địa bàn Hà Nội có 73.754 đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT, BHTN, với 6.102.954 người tham gia BHYT và trong số đó có 1.454.137 người tham gia cả BHXH, BHYT. BHXH thành phố đã khai thác, phát triển được 9.644 doanh nghiệp với 29.033 lao động tham gia BHXH, BHYT, nâng tổng số doanh nghiệp tham gia BHXH, BHYT lên 55.003 doanh nghiệp (tăng 6.987 doanh nghiệp, 12,5% so với cùng kỳ 2016). Tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 83,6% dân số Thủ đô, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu được giao năm 2017 là 0,8%. Tổng tiền thu của 11 tháng là trên 29.750 tỷ đồng, đạt 88,4% kế hoạch được giao và dự kiến đến hết năm sẽ hoàn thành kế hoạch thu.

Tuy nhiên, tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô khá nghiêm trọng. Tính đến hết tháng 11-2017, tổng số tiền nợ đọng BHXH, BHYT đã lên tới 2.851,3 tỷ đồng và Hà Nội là địa phương có số nợ tiền BHXH, BHYT cao nhất cả nước, ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của 758.873 lao động.

- BHXH thành phố đã và đang triển khai những giải pháp gì để xử lý tình trạng nợ đọng BHXH, thưa ông?

- Chúng tôi đã triển khai quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp trong công tác thu - thu nợ đọng BHXH, BHYT. Đã tổ chức 275 cuộc tuyên truyền, tư vấn, đối thoại trực tiếp với doanh nghiệp, người lao động về chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại 30 quận, huyện, thị xã với hơn 48.000 người tham dự. Thành lập 10 tổ công tác, có trách nhiệm giải đáp thắc mắc, tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp và người lao động về lĩnh vực BHXH, BHYT hằng tháng tại 10 khu công nghiệp trên địa bàn thành phố, đã thực hiện được 50 buổi làm việc tại các khu công nghiệp.

Đặc biệt, UBND các quận, huyện, thị xã đã chỉ đạo các phòng, ban trên địa bàn tăng cường phối hợp với cơ quan BHXH đôn đốc thu hồi nợ BHXH tại các doanh nghiệp; ban hành các quyết định thanh tra, kiểm tra tại 561 đơn vị có số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 139,1 tỷ đồng, thu hồi được 58,4 tỷ đồng.

BHXH thành phố đã xây dựng, triển khai kế hoạch, tổ chức đợt cao điểm đôn đốc, thu nợ BHXH, BHYT, BHTN từ ngày 1-8-2017 đến hết 31-10-2017. Lập kế hoạch phối hợp thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp nợ BHXH, BHYT từ 3 đến 12 tháng, bước đầu đã có 70/160 doanh nghiệp trong kế hoạch thanh, kiểm tra chủ động khắc phục, nộp đủ số tiền nợ là 11,5 tỷ đồng.

BHXH thành phố cũng tăng cường công tác truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân và đơn vị doanh nghiệp nắm được nghĩa vụ, quyền lợi của mình khi tham gia BHXH, BHYT; công khai danh sách các doanh nghiệp nợ trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Đồng thời, gửi văn bản đôn đốc thu nợ đến hơn 184.000 đơn vị, doanh nghiệp nợ BHXH và cử cán bộ trực tiếp đôn đốc thu tại 5.400 đơn vị, doanh nghiệp, kết quả đã thu hồi được 1.400 tỷ đồng. Thực hiện thanh tra chuyên ngành tại 182 đơn vị có số tiền nợ BHXH, BHYT là 182,1 tỷ đồng, thu hồi được 47,3 tỷ đồng và thực hiện kiểm tra tại 812 đơn vị có số tiền nợ 331,2 tỷ đồng, thu hồi được 111,9 tỷ đồng.

Với những giải pháp nêu trên, số tiền nợ BHXH trên địa bàn Thủ đô có chiều hướng giảm. Tính đến hết tháng 11-2017, số tiền nợ BHXH, BHYT là 2.851,3 tỷ đồng (không bao gồm số tiền nợ của các đơn vị đã được xác định ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể, không còn lao động), giảm 25,2% so với cùng kỳ năm 2016 (tương đương 719 tỷ đồng).

- Ông có thể cho biết sự phối hợp giữa cơ quan BHXH và cơ quan công an trong xử lý nợ đọng tiền BHXH, BHYT?

- Ngoài việc tổ chức ký kết và triển khai Quy chế phối hợp số 1460/QCPH-CA-LĐTBXH-LĐLĐ-CT-BHXH ngày 21-6-2017 giữa 5 ngành: Công an thành phố, Cục Thuế thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động thành phố và BHXH thành phố, ngày 2-11-2017, BHXH thành phố và Công an thành phố đã triển khai Kế hoạch số 3003/KHPH-CATP-BHXHTP thực hiện Quy chế phối hợp số 3461/QCPH-TCCS-BHXH ngày 16-8-2017 giữa Tổng cục Cảnh sát và BHXH Việt Nam trong công tác phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Hà Nội.

Trong năm 2017, hai ngành đã phối hợp kiểm tra 145 đơn vị có số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN là 80,8 tỷ đồng, sau kiểm tra đã thu được 31,2 tỷ đồng.

BHXH thành phố cũng đang tích cực, chủ động thu thập hồ sơ, chứng cứ vi phạm pháp luật đối với những đơn vị nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT để đến năm 2018, khi Bộ luật Hình sự 2015 có hiệu lực, sẽ chuyển hồ sơ để cơ quan công an thực hiện thủ tục khởi tố, điều tra đơn vị, cá nhân vi phạm.

- Thưa ông, BHXH thành phố có đề xuất, kiến nghị gì để khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT như hiện nay?

- BHXH TP Hà Nội xác định, việc khắc phục tình trạng nợ đọng BHXH, BHYT, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động trên địa bàn Thủ đô là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của toàn ngành.

Tuy nhiên, giải pháp thu hồi nợ đọng thông qua việc khởi kiện đang gặp vướng mắc, khó khăn, nên chưa thực hiện được, do vậy, các cấp, các ngành, Chính phủ, Quốc hội sớm tháo gỡ.

BHXH thành phố cũng rất mong người lao động hiểu rõ về quyền, lợi ích hợp pháp của mình được tham gia BHXH, BHYT và người chủ sử dụng lao động thấy được trách nhiệm với xã hội, trách nhiệm trước pháp luật để đăng ký tham gia, đóng đầy đủ, kịp thời BHXH, BHYT cho người lao động.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt thu hồi, giảm nợ đọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.