Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt làm lành mạnh không gian mạng

Châu Anh| 22/12/2022 16:13

(HNMO) - Ngày 22-12, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) tổ chức hội nghị “Đánh giá kết quả hoạt động thông tin điện tử năm 2022 và định hướng nhiệm vụ năm 2023”.

Bên cạnh kết quả đạt được, như giải pháp phòng ngừa tình trạng “báo hóa” trang thông tin điện tử, mạng xã hội, về quản lý game không phép... thì vấn đề bình đẳng giữa các doanh nghiệp trong nước với các nền tảng xuyên biên giới và thay đổi tư duy quản lý lĩnh vực theo hướng muốn quản… được đề cập và thảo luận sôi nổi…

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị 

Nhận diện sai phạm, bốc thuốc để “chữa bệnh”

Theo Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử, trong thời gian qua, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử đã quyết liệt triển khai nhiều biện pháp quản lý lĩnh vực thông tin điện tử để bảo đảm lành mạnh không gian mạng.

Trong đó, đáng chú ý, Cục đã kiểm tra, làm rõ dấu hiệu “báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội và kiên quyết thực hiện các biện pháp xử lý hành chính với các vi phạm. Song hành với đó, Cục ban hành Tiêu chí nhận diện “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội; và biểu hiện “tư nhân hóa” báo chí; đồng thời xây dựng Bộ nhận diện các hành vi vi phạm hành chính liên quan đến “báo hóa” đối với các loại hình nói trên, công khai trên các phương tiện truyền thông để người dân, doanh nghiệp tiếp cận, đối chiếu.

“Hai bộ tiêu chí này được coi là “cẩm nang” giúp cơ quan quản lý ở trung ương, các sở thông tin và truyền thông trong việc phát hiện và xử lý vi phạm “báo hóa”, cũng như giúp các doanh nghiệp cung cấp trang thông tin điện tử tổng hợp và mạng xã hội tự chấn chỉnh, phòng tránh sai phạm. Đây là những điểm mới được cơ quan quản lý triển khai trong năm qua, góp phần định tính, định lượng hiện tượng “báo hóa” trang tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội, từ đó nhận diện sai phạm, bốc thuốc để “chữa bệnh”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết.

Với mong muốn thay đổi tư duy quản lý theo phương châm: “Muốn quản được phải thấy được”, Bộ Thông tin và Truyền thông đã tăng cường năng lực rà quét của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia lên 300 triệu tin/ngày để giám sát, đo lường, đánh giá xu hướng thông tin tích cực, tiêu cực, xu hướng trên không gian mạng. Công cụ này cũng được chuyển giao và tập huấn sử dụng cho bộ, ngành, địa phương để chủ động rà quét, xử lý trên địa bàn.

Cùng với đó, là sự thay đổi phương thức tiếp cận, đấu tranh với các nền tảng xuyên biên giới (Facebook, Google, TikTok…). Nhờ đó, các nền tảng trên đều nâng cao tỷ lệ đáp ứng yêu cầu chặn gỡ của bộ; nộp thuế trực tiếp với Tổng cục Thuế (37 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ nước ngoài nộp thuế với tổng số tiền hơn 3.100 tỷ đồng); ngăn chặn, gỡ bỏ các game không phép, game vi phạm pháp luật…

Quang cảnh hội nghị.

Đã có sự thay đổi trong tư duy quản lý

Bên cạnh việc cam kết tuân thủ các quy định pháp luật, đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp tham gia hội nghị cũng đề xuất nhiều ý kiến đáng chú ý. Đại diện một số doanh nghiệp game cho rằng, trong những năm gần đây, số lượng doanh nghiệp game trong nước tăng lên, nhưng quy mô, doanh thu lại giảm đi và nhìn chung hoạt động khó khăn!

Trong khi đó, game lậu vẫn phổ biến... Điều này tạo ra sự không công bằng trong hoạt động của doanh nghiệp game trong nước với doanh nghiệp game nước ngoài phát hành vào thị trường Việt Nam.

Đại diện các doanh nghiệp cung cấp mạng xã hội cũng đưa ra nhiều đề xuất về tạo sự bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và nước ngoài. Đại diện nền tảng mạng xã hội âm thanh Tatu cho rằng, mạng xã hội mang lại nhiều điều tích cực cho người sử dụng, song cũng có những điểm dở là nếu đưa thông tin sai lệch thì mức nguy hại rất lớn. Vì vậy, cần tăng cường khai thác, phát huy những điểm mạnh. Chẳng hạn, với các KOLs - người có ảnh hưởng trên mạng xã hội, nên có hình thức phối hợp đưa nội dung tích cực vì thông tin họ đưa ra có sức lan truyền nhanh, mạnh mẽ.

Ông Trần Anh, Giám đốc Kênh VOV sức khỏe đề xuất đã đến lúc cơ quan quản lý nhà nước nên có chính sách ưu tiên đặt hàng tuyên truyền (của nhà nước hoặc doanh nghiệp) trên các nền tảng mạng xã hội. Đó cũng là một trong những cách giúp các mạng xã hội cạnh tranh, phát triển trước các mạng xã hội nước ngoài vốn giàu tiềm lực… Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Việt Hùng, Phó Giám đốc phụ trách Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội cho biết trong thời gian qua, Hà Nội cũng đã có cách làm riêng chủ động thông qua các mạng xã hội, báo chí để tuyên truyền về các chính sách về Thủ đô…

Đồng tình với các đề xuất, kiến nghị của đại diện một số doanh nghiệp tham gia hội nghị, ông Hồ Quang Lợi, Phó Tổng Thư ký Hội Truyền thông số Việt Nam nêu quan điểm về việc Bộ Thông tin và Truyền thông đã thay đổi tư duy trong quản lý nhà nước. Đó là nếu như trước đây không quản được thì cấm, sau đó quản được đến đâu thì cấp phép đến đó, và bây giờ là việc đưa ra bộ tiêu chí cụ thể để nhận diện vi phạm trong lĩnh vực thông tin điện tử, mang tính định lượng cao. Song điều đó chưa đủ mà phải nâng trình độ quản lý tương xứng với thực tế, yêu cầu phát triển. Theo đó, cơ quan nhà nước không đặt nặng vấn đề quản lý theo hướng xử lý, mà hãy tạo không gian cho đổi mới sáng tạo. Để từ đó, doanh nghiệp có sức mạnh để đổi mới, sáng tạo và hiệu quả…

Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trả lời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội

Trả lời các đề xuất, kiến nghị của doanh nghiệp, hiệp hội, Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết, về các giải pháp ngăn chặn game lậu, game vi phạm pháp luật trên các nền tảng xuyên biên giới, tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp game hoạt động đúng pháp luật trong nước đã được thực hiện, nhưng chậm và đây là vấn đề Cục trăn trở.

“Chúng tôi cùng doanh nghiệp game trong nước, nhà mạng nghiên cứu, đề ra giải pháp mới, chặn IP game vi phạm pháp luật và việc này cần sự tích cực tham gia của doanh nghiệp trong nước. Ngoài ra, đối với ngành game, quan trọng là xây dựng thể chế, rút ngắn thủ tục hành chính, thí điểm được cách quản lý mới với ngành. Đó sẽ là những vấn đề mà Bộ tập trung trong thời gian tới đây”, ông Lê Quang Tự Do cho biết.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nêu một số vấn đề đặt ra với cơ quan quản lý nhà nước. Trước hết với cấp phép trang thông tin điện tử và mạng xã hội, xu hướng và nhu cầu hiện nay đã thay đổi, vậy nên, đơn vị cấp phép cũng phải thay đổi theo. Đó là với các trang thông tin điện tử, khi cơ quan quản lý siết chặt phần nội dung thông tin, bên cạnh đó không thể cứ trông chờ vào nguồn quảng cáo khi doanh nghiệp quảng cáo nhãn hàng họ lựa chọn mô hình khác. Vậy rõ ràng hoạt động của trang thông tin điện tử và mạng xã hội có rủi ro! “Tôi đề nghị các sở thông tin và truyền thông, đặc biệt ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh tính kỹ lại khi cấp phép với phương châm, cấp phép được, thì cũng rút phép được, không để tình trạng cấp phép xong, không biết họ đang ở đâu, có hoạt động hay không! Mặt khác, khi xu hướng đi vào ngõ cụt thì phải cảnh báo cho doanh nghiệp xin phép…”, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh. Ngoài ra, việc cấp phép game sắp tới cũng sẽ được phân cấp mạnh cho Cục và địa phương, không phải để lãnh đạo Bộ ký cấp phép.

Nhấn mạnh về nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nêu rõ quan điểm, Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục thực hiện các biện pháp mạnh mẽ, quyết liệt để làm lành mạnh không gian mạng. Theo đó, Bộ sẽ xử phạt mạnh các nền tảng xuyên biên giới nếu để sai phạm, cố tình vi phạm về quảng cáo, để quảng cáo “bẩn” hoành hành. Cùng với đó, các sở thông tin và truyền thông cũng cần nghiêm túc trong việc cấp phép phải tương xứng với hậu kiểm, xử lý nghiêm, không né tránh, không nể nang các sai phạm về thông tin điện tử…

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt làm lành mạnh không gian mạng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.