(HNM) - Với sự phát triển của internet, hoạt động thương mại điện tử ngày càng nở rộ. Các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo... được ứng dụng để kinh doanh trực tuyến. Tuy nhiên, tại Hà Nội, nhiều đối tượng đã lợi dụng hình thức này để tiêu thụ hàng giả, hàng nhái, kém chất lượng... Để chống hàng lậu trên thương mại điện tử, các cơ quan chức năng cần có các giải pháp quyết liệt hơn.
Nhiều thủ đoạn tinh vi
Gần đây, việc kinh doanh trực tuyến thông qua mạng xã hội bị lợi dụng để phân phối hàng lậu, hàng giả các thương hiệu với số lượng lớn. Điển hình, chiều 29-3, Đội Quản lý thị trường số 16 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế - Công an quận Long Biên kiểm tra kho hàng tại địa chỉ số 30, ngõ 56, ngách 139 Thạch Cầu, quận Long Biên. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện nhiều sản phẩm giày, dép các loại không rõ nguồn gốc, được chủ cơ sở bán trực tuyến qua mạng xã hội.
Cùng thời gian, Tổ công tác về thương mại điện tử và Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Tổng cục Quản lý thị trường) phối hợp với Đội Quản lý thị trường số 1 và số 14 (Cục Quản lý thị trường Hà Nội) triệt phá kho hàng lớn tại huyện Ba Vì, với hàng vạn sản phẩm, từ quần áo, đồ gia dụng đến mỹ phẩm không có hóa đơn, chứng từ và được kinh doanh chủ yếu qua mạng xã hội. Qua điều tra, trung bình mỗi ngày cơ sở này có hơn 3.000 đơn hàng được gửi đi qua hệ thống chuyển phát giao hàng nhanh.
Theo Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Trần Việt Hùng, hàng lậu, hàng giả kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử thường có giá trị cao. Các dịch vụ đi kèm thương mại điện tử như chuyển phát, thanh toán hiện đại, nên hàng hóa được luân chuyển rất nhanh. Các đối tượng vi phạm có nhiều thủ đoạn tinh vi như đặt kho hàng thường xa khu dân cư, tài khoản kinh doanh trên mạng xã hội khó xác định... nên công tác đấu tranh rất khó khăn.
Cũng theo ông Trần Việt Hùng, với quy mô dân số lớn, thương mại phát triển, lại có tới 13 khu vực giáp ranh với các tỉnh, 55 khu vực giáp ranh giữa các quận, huyện, thị xã, chưa kể các đầu mối bến xe, nhà ga... nên tình trạng kinh doanh, tiêu thụ hàng giả, hàng lậu trên địa bàn thành phố Hà Nội vẫn diễn biến phức tạp. Chỉ riêng trong tháng 3-2021, các lực lượng chức năng Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả thành phố Hà Nội (Ban Chỉ đạo 389/TP) đã kiểm tra, xử lý 886 vụ; khởi tố 1 vụ với 2 đối tượng; thu nộp ngân sách nhà nước lên tới 287,8 tỷ đồng...
Cần tăng nặng mức xử phạt
Trước tình hình buôn lậu, gian lận thương mại vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt trên thương mại điện tử, luật sư Nguyễn Minh Thu, Công ty Luật YKVN (quận Hoàn Kiếm) nhận định, một trong những nguyên nhân là do hệ thống văn bản pháp luật chưa theo kịp với sự phát triển của công nghệ, mô hình, phương thức kinh doanh mới.
Theo Nghị định số 98/2020/NĐ-CP (ngày 26-8-2020) của Chính phủ về xử phạt hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cá nhân kinh doanh hàng lậu bị phạt 500.000 đồng đến 50 triệu đồng, tùy thuộc giá trị hàng hóa; tổ chức vi phạm kinh doanh hàng lậu sẽ bị phạt từ 1 triệu đến 100 triệu đồng. Mức phạt này mặc dù tăng so với trước đây, song chưa đủ sức răn đe so với lợi nhuận mà đối tượng vi phạm thu được.
Trước tính chất phức tạp của gian lận thương mại, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo 389/TP, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội Chu Xuân Kiên cho biết, Ban Chỉ đạo 389/TP yêu cầu các sở, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên để chỉ đạo quyết liệt; tiếp tục làm tốt điều tra cơ bản, lập danh sách đối tượng, cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại, các kho tàng, bến bãi chứa hàng lậu.
Riêng với thương mại điện tử, lực lượng chức năng tiếp tục triển khai các chuyên đề kiểm tra, giám sát, triệt phá tụ điểm tập kết hàng lậu; đồng thời tăng cường thông tin, phối hợp với các địa phương để ngăn chặn nguồn hàng lậu, hàng giả đưa vào thị trường. Cùng với đó, Ban Chỉ đạo 389/TP tiếp tục rà soát, kiến nghị sửa đổi, bổ sung quy định nhằm khắc phục những bất cập, sơ hở trên thương mại điện tử. “Quan trọng là sớm hoàn thiện quy định pháp luật theo hướng tăng hình phạt, nâng cao tính răn đe; đồng thời đầu tư thiết bị công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả đấu tranh với các đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện các hành vi vi phạm trên mạng xã hội”, ông Chu Xuân Kiên nhấn mạnh.
Theo luật sư Nguyễn Minh Thu, với tính chất phức tạp, ảnh hưởng đến thị trường trong nước của buôn bán hàng lậu, cần xem xét bổ sung thêm hình thức xử lý hình sự. Thực tế, số vụ vi phạm bị phát hiện nhiều nhưng số vụ truy tố rất ít. Đồng thời tăng cường tuyên truyền để người dân ý thức, chủ động tố giác hành vi buôn lậu và từ chối mua, bán hàng lậu, hàng nhái nói chung, trên thương mại điện tử nói riêng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.