Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt các biện pháp kiểm soát giá cả, thị trường

Theo VGP News| 09/07/2011 19:06

Ngày 9/7, Thủ tướng Chính phủ có Công điện gửi các Bộ, ngành, địa phương, yêu cầu tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện.


Công điện nêu rõ, trong những ngày đầu tháng 7, ở một số địa phương xảy ra tình trạng giá lương thực, thực phẩm tăng cao, gây ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân cũng như mục tiêu kiềm chế lạm phát ở mức 15 -17% như đã báo cáo Ban Chấp hành Trung ương và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:

Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố tăng cường công tác quản lý giá cả, thị trường; chỉ đạo các cơ quan chức năng tập trung triển khai quyết liệt các biện pháp kiểm tra, kiểm soát giá cả, thị trường, không để xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, tùy tiện; kiểm soát chặt chẽ việc tuân thủ các quy định pháp luật về quản lý giá trên địa bàn.
Chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thiết yếu, nhất là các mặt hàng lương thực, thực phẩm, bảo đảm cho nhu cầu tiêu dùng và tăng thu nhập cho nhân dân.

Xử lý kiên quyết, kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về giá, nhất là việc lợi dụng chủ trương của Nhà nước về điều hành giá một số mặt hàng theo cơ chế thị trường để tăng giá bất hợp lý, đưa tin thất thiệt, gây tâm lý hoang mang trên địa bàn.

Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá thị trường trong nước và quốc tế để kịp thời ban hành chính sách thuế phù hợp và có biện pháp điều tiết, bình ổn thị trường, không để xảy ra đột biến giá các mặt hàng thiết yếu, liên quan trực tiếp đến sản xuất và đời sống; kiên trì và nhất quán trong điều hành giá điện, xăng dầu, than theo cơ chế thị trường trên cơ sở tính toán lộ trình, thời điểm phù hợp với tình hình và mục tiêu kiềm chế lạm phát mà Chính phủ đã đề ra.

Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Xây dựng có biện pháp thúc đẩy sản xuất, điều hòa xuất nhập khẩu, bảo đảm cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu như lương thực, thực phẩm, xăng dầu, phân bón, sắt thép, thuốc chữa bệnh... không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, gây sốt giá, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với Bộ Công Thương và UBND các tỉnh có đường biên giới khẩn trương kiểm tra và có biện pháp quản lý chặt chẽ việc xuất khẩu lương thực, thực phẩm sang các nước có chung đường biên giới nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hóa trong nước và nguyên liệu sản xuất hàng xuất khẩu, tránh tình trạng đẩy giá lên cao, gây tác động bất lợi đến chỉ số CPI trong nước và mục tiêu kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết 11/NQ-CP; phối hợp với các địa phương có giải pháp cụ thể, phù hợp nhằm khống chế kịp thời, có hiệu quả dịch bệnh gia súc, gia cầm để bảo đảm nguồn cung cho thị trường.

Các Tập đoàn kinh tế, các Tổng công ty nhà nước chủ động thực hiện các giải pháp tiết giảm chi phí, xây dựng căn cứ và lộ trình tăng giá phù hợp đối với những mặt hàng thuộc danh mục bình ổn giá theo quy định của pháp luật, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đăng ký giá, kê khai giá, niêm yết giá và bán theo giá niêm yết.

Những tháng qua, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) có xu hướng giảm dần. CPI tháng 6/2011 tăng 1,09% so với tháng trước và là mức tăng thấp nhất kể từ đầu năm.

Tính về tốc độ tăng CPI tháng sau so với tháng trước, tốc độ tăng của tháng 5 chỉ bằng 2/3 tốc độ tăng của tháng 4 và tốc độ tăng của tháng 6 chỉ bằng một nửa tốc độ tăng của tháng 5.
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt các biện pháp kiểm soát giá cả, thị trường

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.