Chia sẻ với những hoàn cảnh kém may mắn hơn mình có thể là một trong những bài học đạo đức đầu đời của mỗi đứa trẻ. Người lớn làm từ thiện bằng rất nhiều cách mà không nhận ra rằng, tiền đôi khi không phải là cách duy nhất. Hãy quan sát cách trẻ chia sẻ yêu thương để thấy giá trị thực của đồng tiền.
Góp công, góp sức đều là quyên góp
Những ngày cuối tuần ở một quán cơm chay tại quận 9, thành phố Thủ Đức, các vị khách tới ăn thường bắt gặp một cô bé 9 tuổi hăng hái phụ việc. Chị Hà, mẹ bé chia sẻ hay đưa bé tới chơi quán của cô ruột từ lúc bé 5 tuổi. Thấy mẹ và cô nấu cơm, cô bé cũng muốn phụ “làm thêm” các việc đơn giản. Chị để con được tiếp xúc với những mảnh đời khó khăn để từ đó con được học về lòng nhân ái và có ý thức chia sẻ với mọi người xung quanh.
Phần lớn phụ huynh Việt Nam cũng có mong muốn tương tự như chị Hà. Tuy nhiên, dạy con sao cho đúng, vừa thiết thực, vừa đem lại giá trị tốt đẹp, cũng cần lắm công phu. Bằng cách cho trẻ trực tiếp tham gia những hoạt động thiện nguyện như: Dọn dẹp khu phố, chăm sóc động vật, quyên tặng đồ cũ, các bậc phụ huynh đã và đang dạy con nhiều cách thức cho đi sự cảm thông và sẻ chia. Điều này còn giúp trẻ phát triển cảm xúc và hình thành nhân cách sống tử tế.
Làm từ thiện theo khả năng của trẻ
Khác với người lớn, trẻ chưa thể tự kiếm ra tiền. Do vậy, khi đặt trẻ vào những tình huống cần chia sẻ, giúp đỡ người khác, hãy hướng dẫn những cách thức phù hợp với khả năng và lứa tuổi. Trong các tập phim “Dạy con về tiền” do Prudential thực hiện, MC Diệp Chi chia sẻ, cô và bé Sumo đã cùng bán đấu giá tranh để giúp đồng bào miền Trung vượt qua những thiệt hại nặng nề của bão lũ. Ý tưởng này do chính con gái của biên tập viên xinh đẹp đề xuất dựa trên năng khiếu hội họa có sẵn, Diệp Chi chỉ giúp con đăng tin trên mạng xã hội để kêu gọi những tấm lòng hảo tâm.
Đối với trẻ thích chó mèo, cha mẹ cũng có thể gợi ý con soạn quần áo cũ gửi các trạm cứu hộ, hoặc cùng con làm bánh kiếm tiền quyên góp các quỹ từ thiện nếu con khéo tay và thích nấu nướng. Có thể thấy, nếu được tiếp xúc và tham gia trực tiếp các hoạt động thiện nguyện từ bé, mỗi đứa trẻ đều ý thức được ý nghĩa của việc trao gửi yêu thương. Bên cạnh việc sáng tạo ra những cách khác nhau để làm từ thiện, trẻ còn hiểu thêm được giá trị tốt đẹp của đồng tiền: Không chỉ giữ cho riêng mình mà còn có thể giúp đỡ nhiều hoàn cảnh khác bớt phần khó khăn.
Lòng tốt phải được trao đúng nơi, đúng chỗ
Gieo hạt mầm yêu thương, nhân hậu trong trái tim con trẻ qua các hoạt động thiện nguyện khác nhau là điều cha mẹ nào cũng mong muốn. Tuy nhiên, theo chia sẻ của MC Diệp Chi, khi tham khảo giáo trình Cha Ching, để dạy con có thái độ và nhận thức đúng đắn về tiền và quyên góp, cha mẹ nên hướng dẫn con đánh giá tình huống trước khi giúp đỡ. Một số trường hợp nếu không tỉnh táo cân nhắc, cả phụ huynh và các con có thể gặp nguy hiểm.
Làm từ thiện là một kỹ năng quan trọng khi dạy con về tiền, do vậy, trẻ cần biết khi nào cần giúp, và giúp bằng cách nào. Có như vậy, trẻ mới học được cách đưa ra lựa chọn sáng suốt với đồng tiền, công sức, thời gian của mình, đồng thời, bảo đảm lòng tốt được trao gửi đúng lúc, đúng chỗ.
Dự án giáo dục quản lý tài chính Cha Ching do Công ty TNHH Bảo hiểm nhân thọ Prudential Việt Nam phối hợp cùng Tổ chức JA Việt Nam thực hiện. Giáo trình Cha Ching phát triển bởi Quỹ Prudence (Quỹ hỗ trợ cộng đồng của Tập đoàn Prudential tại châu Á) và được dịch ra 10 ngôn ngữ giảng dạy trên nhiều quốc gia châu Á.
Tại Việt Nam, chương trình đã được triển khai tại các trường tiểu học thông qua chuỗi hoạt động "học mà chơi, chơi mà học" đa dạng và lôi cuốn. Với hình thức mới mẻ, Cha Ching giáo dục cho trẻ từ 7 đến 12 tuổi và cả người lớn về tầm quan trọng của việc quản lý tài chính, rèn luyện và phát triển toàn diện các thói quen quản lý tài chính thông minh.
Tìm hiểu thêm về Cha Ching tại: https://www.cha-ching.com/.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.