(HNM) - Trước những thông tin trái chiều về Quyết định số 12/QĐ-UBND, ngày 12-1-2019, Báo Hànộimới đã có bài phân tích:
Tôi đồng tình với quan điểm của Luật sư Nguyễn Văn Chiến khi cho rằng “ghi âm, ghi hình phải xin phép và được sự đồng ý của người tiếp công dân” vừa là thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013 và các văn bản hướng dẫn, vừa cũng chính là bảo đảm quyền chung của người dân.
Đây là cách tiếp cận thấu tình, đạt lý, thể hiện rõ sự xem xét tổng hòa giữa tính pháp lý và tính xã hội, giữa tính chính trị với tính dân sự, giữa quản lý hành chính với quản lý xã hội. Quyết định này không tước đi quyền dân chủ, minh bạch trong giải quyết khiếu nại giữa cấp có thẩm quyền với người dân.
Tính chất của cuộc tiếp dân, giải quyết khiếu nại không phải là cuộc điều tra, thu thập thông tin, tư liệu phục vụ việc phá án; đây là cuộc tiếp xúc có trách nhiệm hành chính theo đúng luật định và thiện chí giữa hai phía (chính quyền của dân và người dân trên địa bàn); có thể một cuộc tiếp xúc sẽ giải tỏa được bức xúc của người dân, song có thể còn phải thêm nhiều lần tiếp xúc, thậm chí còn có các hình thức khác ngoài mong muốn của cả hai phía.
Do vậy, nếu việc ghi âm, ghi hình tùy tiện (hoặc bí mật) từ phía công dân thì khó bảo đảm rằng, những thông tin đó sẽ không bị lợi dụng vào mục đích và động cơ chính trị của những cá nhân, tổ chức theo đuổi âm mưu “diễn biến hòa bình” (hình ảnh, lời nói ghi âm, ghi hình của người dân được làm dữ liệu cho các thế lực thù địch cắt dán, ngụy tạo tin xấu độc bôi nhọ chính quyền, hạ uy tín Đảng, Nhà nước).
Tôi được biết, có những người bị lợi dụng, kích động, thường lợi dụng khiếu kiện để xông vào những nơi tiếp dân, tiếp xúc cử tri để ghi hình, ghi âm rồi cung cấp cho một số báo, đài nước ngoài đăng tin, bài xuyên tạc bản chất sự việc; rồi làm cớ rêu rao nói xấu chính quyền.
Trước trụ sở một số cơ quan trung ương còn có những nhóm người nhân danh “dân oan”, mặc đồng phục, có khi được thuê tiền để giăng băng rôn, cố tình cản trở giao thông, hô hoán kêu Đảng, Nhà nước “cứu dân”; khi cảnh sát yêu cầu họ giải tán, lập tức họ nhăm nhăm điện thoại ghi hình để chuyển cho những kẻ đứng đằng sau tung lên mạng, minh họa cho sự vu cáo là “chính quyền đàn áp dân”, “vi phạm nhân quyền”.
Thực tế đã từng có những sự việc mà nếu chỉ nhìn dưới góc độ thuần túy quan niệm về tính “dân chủ, minh bạch thông tin” thì sẽ rất khó phê phán đối với những sai sót của cá nhân, cơ quan chủ quản khi đưa tin thiếu nhạy cảm chính trị lên màn hình, trang báo hoặc trên mạng xã hội. Trong cuộc sống, mọi suy nghĩ và hành vi đều phải tự mình kiểm soát, đồng thời còn phải nhờ đến hệ thống pháp luật, quy định, khế ước để nhắc nhở và định hướng cho nhận thức, hành vi của từng công dân cũng như từng công chức, viên chức khi thực thi nghĩa vụ công dân và công vụ.
Trong một không gian ở tầm quốc tế, cần có luật pháp quốc tế để điều chỉnh ứng xử giữa các quốc gia. Trong một quốc gia cần có Hiến pháp và các bộ luật cho từng lĩnh vực, nhưng mỗi địa phương, làng xã, dòng tộc lại cần có những hương ước, tộc lệ quy định những điều “nhập gia tùy tục”. Những quy định hành chính hay các quy định ở từng cơ quan, đơn vị không phải là hương ước, tộc ước, nhưng là sự cụ thể hóa phù hợp trong từng thời điểm, từng hoàn cảnh cụ thể.
Ví như, khi Hà Nội xây dựng rồi ban hành bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc TP Hà Nội, từng có những cách tiếp cận khác nhau, thậm chí có cả sự phê phán gay gắt, song đến nay, thực tế đã cho thấy các quy tắc này là một công cụ đắc lực cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng môi trường văn hóa người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Hoặc khi Hà Nội đưa ra chủ trương về không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, cũng từng có những luồng dư luận cho rằng thế là “vi phạm và tước đoạt quyền hợp pháp” của người dân, nhưng đến nay, đã có thể khẳng định việc chính quyền Hà Nội dành 2 ngày cuối tuần để tổ chức các hoạt động văn hóa xung quanh hồ Hoàn Kiếm thực sự là quyết định đúng, mang đến nét đẹp văn hóa cho Thủ đô, quảng bá hình ảnh hòa bình, thân thiện của Việt Nam với bạn bè năm châu.
Hay như sau cơn bão truyền thông về việc thay thế cây xanh ở một số tuyến phố, Hà Nội đưa ra chương trình trồng 1 triệu cây xanh, cũng có không ít dư luận xã hội hồ nghi rằng “hình như đằng sau là lợi ích nhóm”, đến nay, chương trình này đã mau chóng chứng minh hiệu quả thiết thực, tôn vinh vẻ đẹp cho Thủ đô.
Hoặc có một chủ trương mang tầm chiến lược về bảo vệ môi trường và giao thông của Thủ đô, như việc Hà Nội đưa ra thông điệp cấm xe máy lưu hành trong nội đô vào năm 2025, từng có những ý kiến không đồng tình, cho là “vi phạm quyền tự do đi lại” của người dân...
Trong tiến trình đổi mới, phát triển, nhiều bài toán chính trị, xã hội, văn hóa, quốc phòng, an ninh luôn đặt ra cho đất nước nói chung, cho Thủ đô Hà Nội nói riêng, do vậy đòi hỏi Hà Nội cũng như các địa phương khác phải chủ động, sáng tạo trong xây dựng cơ chế, chính sách phù hợp. Mới đây, Hà Nội đã được Trung ương cho phép thí điểm cơ chế Chính quyền đô thị, nên chắc chắn tới đây thành phố sẽ còn nghiên cứu, đề xuất và ban hành nhiều cơ chế, chính sách mới có tính đặc thù.
Những cơ chế, chính sách mới thường nhận được mối quan tâm, nhìn nhận rất đa chiều, thậm chí trái ngược nhau, đó cũng là đương nhiên và trong một xã hội dân chủ, rất cần có sự tổng hợp đa chiều để tránh phiến diện, duy ý chí.
Do đó, rất cần sự chia sẻ, đồng thuận của xã hội, tránh gây nhiễu loạn thông tin, làm ảnh hưởng môi trường và cơ hội phát triển của đất nước, của từng địa phương, nhất là với Thủ đô - hình ảnh hiện minh cho đất nước, con người và tầm vóc dân tộc trên đường đổi mới, phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế thành công.
Với suy nghĩ như vậy, mong rằng mỗi ý kiến trên báo, đài hay trên các diễn đàn khác cũng nên xem xét đa chiều, nói lên tiếng nói khách quan và có tính định hướng tư tưởng chính trị và dư luận xã hội. Đó là trách nhiệm chính trị, trách nhiệm xã hội và cả tình yêu quê hương, yêu đất nước, yêu Thủ đô của nước mình.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.