Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy trình xử lý nước luôn được kiểm soát chặt chẽ

Y Linh| 05/12/2014 06:37

(HNM) - Trao đổi với PV Báo Hànộimới về chất lượng nguồn nước thô và sản phẩm nước sạch của Nhà máy Nước sông Đà sau khi có thông tin bãi rác TP Hòa Bình ô nhiễm ảnh hưởng đến nước mặt sông Đà, ông Nguyễn Văn Tốn, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (Viwasupco) cho biết: Điểm lấy nước mặt sông Đà đưa về nhà máy nước thuộc địa bàn xã Hợp Thành, huyện Phú Minh, tỉnh Hòa Bình, theo tư vấn khảo sát thiết kế, có chất lượng nước mặt ít vẩn đục và cách bãi rác khoảng 15km.


- Theo ông, bãi rác ô nhiễm, nước rác thẩm thấu xuống sông Đà có ảnh hưởng đến chất lượng nước thô của nhà máy?

- Bãi rác ô nhiễm nằm sát sông Đà tất nhiên ảnh hưởng đến nguồn nước. Tuy nhiên, qua quan trắc, kiểm định chất lượng nước thô nhiều năm qua thì mức độ ảnh hưởng đến nguồn nước không đáng kể. Hơn nữa, nước mặt sông Đà còn qua quy trình xử lý bằng nhiều công nghệ, sau đó mới thành sản phẩm nước sạch cung ứng cho người dân. Sau khi dư luận phản ánh, chúng tôi phải kiểm soát chất lượng nguồn nước chặt chẽ hơn.

- Ông có thể nói rõ hơn quy trình xử lý nước của nhà máy?

- Từ điểm lấy nước mặt sông Đà nước theo kênh dẫn dài khoảng 3,5km, qua trạm bơm để vào hồ chứa Đầm Bài, có dung tích 4 triệu mét khối. Đây là quá trình nước sơ lắng tự nhiên. Các hạt cặn lớn chìm xuống đáy, phần nước trong được bơm vào khu xử lý. Tại đây có nhiều bể trộn hóa chất, phản ứng. Các hạt cặn li ti gặp hóa chất xúc tác thành cặn lớn lắng dưới đáy, đồng thời các chỉ tiêu lý, hóa cũng được xử lý. Sau đó, nước theo máng về bể lọc tiếp tục lọc cặn li ti, rồi chuyển sang bể khử trùng và theo đường ống về Hà Nội.

- Nhà máy dùng công nghệ khử trùng nào thưa ông?

- Bể khử trùng là công đoạn cuối của các quy trình công nghệ của nhà máy. Chúng tôi sử dụng Clo khử trùng như các nhà máy nước khác. Chất lượng nước đầu vào và đầu ra luôn được kiểm soát chặt chẽ. Từ khi đưa vào vận hành đến nay, nước sạch cung ứng về Hà Nội đều bảo đảm các chỉ tiêu theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn nước sinh hoạt. Các chỉ tiêu đều ổn định, không có biến động nhờ có hồ sơ lắng.

- Việc kiểm soát chất lượng nước được thực hiện như thế nào?

- Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội định kỳ thực hiện quan trắc, kiểm nghiệm chỉ tiêu nước thô và nước sạch, tức đầu vào, đầu ra của nhà máy. Tổng cộng hơn 100 chỉ tiêu khác nhau, đều đạt tiêu chuẩn. Xin nói rõ hơn, theo quy định của Bộ Y tế, các chỉ tiêu A (khoảng 14 chỉ tiêu cơ bản) định kỳ kiểm tra 1 tháng/lần, các chỉ tiêu B định kỳ 6 tháng/lần và các chỉ tiêu C định kỳ 2 năm/lần.

- Sau khi có thông tin bãi rác ô nhiễm ảnh hưởng đến nước mặt sông Đà, UBND TP Hà Nội đã có văn bản yêu cầu Viwasupco kiểm tra chất lượng nước. Viwasupco đã thực hiện chưa? Kết quả ra sao?

- Như đã nói, không phải UBND TP Hà Nội yêu cầu Viwasupco mới kiểm tra mà việc quan trắc, kiểm nghiệm chất lượng nước được chúng tôi thực hiện định kỳ theo quy định. Tuy nhiên, khi TP Hà Nội yêu cầu, chúng tôi đã mời Trung tâm Y tế dự phòng kiểm định. Ngoài ra, nhà máy cũng có quy định kiểm soát chất lượng nước nội bộ theo từng ca sản xuất. Mẫu nước được đưa về phòng thí nghiệm của nhà máy kiểm tra một số chỉ tiêu như độ đục, độ diệp lục… Theo kết quả kiểm định nước mới nhất, các chỉ tiêu A như Coliform bằng 0, Eschrichia Coli bằng 0, độ đục 0,054 trong khi giới hạn cho phép là 2, pH 7,1 trong khi giới hạn cho phép từ 6,5 đến 8,5, Nitrit 0,01 trong khi giới hạn cho phép là 3, Nitrat 0,1 giới hạn cho phép là 50, sắt 0,03 giới hạn cho phép là 0,3, Clorua 22,7 giới hạn cho phép là 250, Mangan 0,001 giới hạn cho phép là 0,3, Clo dư 0,5 giới hạn cho phép từ 0,3 đến 0,5…

- Xin cảm ơn ông!

Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, khu vực đô thị Hà Nội hiện chỉ sử dụng một nhà máy nước dùng nguồn nước mặt sông Đà, do Công ty cổ phần Nước sạch Vinaconex (gọi là Công ty Viwasupco) quản lý vận hành và cung cấp nước cho nhân dân một số quận, huyện thuộc phía tây và tây nam của thành phố. Qua kiểm tra, tất cả các kết quả kiểm tra từ nước thô đến nước sạch đều đáp ứng quy chuẩn Việt Nam về nước sạch dùng cho sinh hoạt. UBND thành phố cũng đã chỉ đạo Công ty Viwasupco làm việc với các sở, ngành liên quan của tỉnh Hòa Bình để có các giải pháp bảo đảm an toàn nguồn nước mặt sông Đà cung cấp cho Viwasupco và chủ động đưa ra các giải pháp bảo vệ an ninh nguồn nước.

Đối với Nhà máy Nước mặt sông Hồng, theo quy hoạch cấp nước Thủ đô đến năm 2020, tầm nhìn năm 2050, sẽ đầu tư xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng công suất 300.000m3/ngày đêm dự kiến đặt tại khu vực xã Liên Trung, huyện Đan Phượng, thông qua hệ thống các giếng thu nước gián tiếp, bổ cập từ nguồn nước mặt sông Hồng.

Hiền Chi

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy trình xử lý nước luôn được kiểm soát chặt chẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.