(HNM) - Ngày 15-10, trong khuôn khổ kỳ họp thường niên với Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã công bố báo cáo Triển vọng Kinh tế thế giới năm 2019, trong đó hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu xuống chỉ còn 3% trong năm 2019 và 3,4% vào năm 2020.
Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang phát triển với nhịp độ yếu nhất kể từ thời điểm xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính vào năm 2008, việc hạ dự báo tăng trưởng trên của IMF được xem là tất yếu. Mặt khác, xung đột thương mại gia tăng liên tục ở quy mô lớn, đặc biệt là giữa hai nền kinh tế đầu tàu thế giới Mỹ và Trung Quốc, khiến lòng tin của giới đầu tư và kinh doanh suy giảm nghiêm trọng. Rào cản thương mại gia tăng cũng dẫn tới việc tổng thương mại toàn cầu trong nửa đầu năm 2019 chỉ tăng 1%, mức tăng yếu nhất kể từ năm 2012 và giảm mạnh so với mức tăng 3,6% đạt được trong 2018. Cả năm 2019, IMF dự báo thương mại toàn cầu tăng 1,1%, thấp hơn mức dự đoán tăng 1,4% mà tổ chức này đưa ra hồi tháng 7 vừa qua. Có thể nói, kinh tế toàn cầu đang đồng thời trải qua giai đoạn vừa giảm tốc vừa phục hồi.
Mặc dù những căng thẳng thương mại với Trung Quốc đang tác động đến tăng trưởng của Mỹ, song IMF dự báo nền kinh tế xứ Cờ hoa vẫn sẽ đạt mức tăng 2,4% trong năm 2019 và 2,1% trong năm 2020. Với Trung Quốc, IMF cho rằng căng thẳng thương mại với Mỹ và nhu cầu tiêu dùng trong nước suy giảm là tác nhân gây tổn thất cho nền kinh tế nước này. Thay vì mức tăng 6,2% đưa ra trước đó, IMF dự đoán mức tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2019 sẽ chỉ còn 6,1%. Căng thẳng thương mại không chỉ khiến hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tăng trưởng chậm lại, mà còn tác động tiêu cực tới các nền kinh tế nổi trội tại khu vực châu Á như Nhật Bản, Ấn Độ… khiến tất cả những nước này đều bị IMF hạ dự báo tăng trưởng.
Tại châu Âu, động thái Anh rời khỏi Liên minh châu Âu (Brexit) được xem là yếu tố gây ra sự sụt giảm tăng trưởng của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), song song với thực tế nền kinh tế đầu tàu Đức cũng chậm lại. Theo IMF, tăng trưởng kinh tế của Eurozone trong năm 2019 được dự báo ở mức 1,2%, thấp hơn 0,1% so với dự báo trước đó và năm 2020 là 1,4%, giảm 0,2%. Nền kinh tế đầu tàu Đức cũng bị điều chỉnh giảm xuống còn 0,5% trong năm 2019 và 1,2% trong năm 2020. Riêng Anh, mặc dù không nằm trong Eurozone, nhưng biến động liên quan đến Brexit đã khiến triển vọng kinh tế của xứ sở Sương mù bị đánh giá ở mức thấp với dự báo mức tăng trưởng 1,2% trong năm nay và 1,4% trong năm 2020.
Các chuyên gia phân tích cho rằng, nếu không có sự nới lỏng chính sách tiền tệ gần như đồng thời của các ngân hàng trung ương lớn, kinh tế toàn cầu có thể chỉ tăng 2,5% trong năm nay. Đây là tín hiệu đáng lo ngại bởi mức tăng 2,5% ở ngưỡng "mấp mé bờ vực" suy thoái. Thực tế, nhiều ngân hàng trung ương lớn trên toàn cầu đã phải hạ lãi suất xuống âm để thúc đẩy tăng trưởng trong thời gian qua. Trong tháng trước, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất xuống tới mức âm 0,5%.
Theo các nhà phân tích, phương án thông qua kiểm soát tiền tệ chỉ là giải pháp trước mắt. Muốn vực dậy lại nền kinh tế thế giới một cách thực chất vẫn phải thực hiện dỡ bỏ rào cản thương mại bằng những thỏa thuận có tính bền vững, song song với việc kiềm chế hiệu quả các căng thẳng địa chính trị. Khi đó niềm tin của các nhà đầu tư sẽ được đẩy lên cao, kích thích dòng vốn luân chuyển hiệu quả, từ đó chặn đà giảm sút và thúc đẩy tăng trưởng. Việc Mỹ và Trung Quốc vừa đạt được những thỏa thuận trong giai đoạn một, hướng tới "giảm nhiệt" mâu thuẫn thương mại song phương chính là tín hiệu tích cực đối với các nền kinh tế trong những tháng cuối năm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.