Góc nhìn

Chuyển đổi số hiệu quả, thực chất

Đình Hiệp 20/10/2024 - 06:35

Với sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương, việc triển khai Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030” của Chính phủ (Đề án 06) đạt nhiều kết quả quan trọng, mang lại tiện ích cho người dân, doanh nghiệp.

Với vị trí trung tâm của chuyển đổi số, người dân và doanh nghiệp được cung cấp đầy đủ giấy tờ bảo đảm các hoạt động, công việc hằng ngày trên môi trường mạng. Trong đó, 100% công dân được cấp mã số định danh cá nhân; 87,7 triệu công dân được cấp thẻ căn cước gắn chíp điện tử; hơn 78,3 triệu tài khoản định danh điện tử đã được cấp và trên 57,1 triệu tài khoản được kích hoạt. Thông qua kết nối, chia sẻ, tích hợp các loại giấy tờ, người dân được hưởng nhiều tiện lợi.

Để hướng đến chính quyền số và công dân số, Hà Nội và Thừa Thiên - Huế là hai đơn vị đầu tiên phối hợp với Bộ Công an triển khai các tiện ích về sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Thành công bước đầu với hơn 32 triệu dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân và trên 50.000 hồ sơ cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID là cơ sở để ngày 2-10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ “bấm nút” mở rộng thí điểm trên toàn quốc.

Tuy nhiên, việc thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia và Đề án 06 còn nhiều việc phải làm. Thực tế, tiến độ xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách vẫn chậm so với yêu cầu. Việc rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính còn chậm, cần sửa đổi. Phát triển hạ tầng số còn nhiều bất cập, chưa khắc phục được tình trạng “manh mún, cát cứ thông tin, chia cắt và co cụm dữ liệu”. Việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin của các bộ, ngành, địa phương còn gặp khó khăn, chưa đồng bộ, tương thích về mặt kỹ thuật. Việc triển khai định danh và xác thực điện tử, đồng bộ dữ liệu dân cư với dữ liệu hộ tịch, thuế, ngân hàng, viễn thông... còn chậm.

Trước thực trạng trên, Văn phòng Chính phủ ban hành Thông báo số 469/TB-VPCP ngày 15-10-2024 kết luận của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình về tháo gỡ khó khăn trong thực hiện Đề án 06. Theo đó, trước hết, cần hoàn thiện thể chế phục vụ phát triển dữ liệu về dân cư, kết nối, chia sẻ dữ liệu nói riêng và chuyển đổi số quốc gia nói chung.

Trong đó, Bộ Thông tin và Truyền thông được giao hoàn thiện các nghị định hướng dẫn Luật Giao dịch điện tử, trình Chính phủ ban hành trong tháng 10-2024. Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành, địa phương đánh giá, xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin ưu tiên triển khai và đồng bộ dữ liệu với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, bảo đảm "đúng, đủ, sạch, sống" và kết nối, chia sẻ, tái sử dụng dữ liệu.

Xác định chuyển đổi số là yêu cầu cấp thiết, nên các bộ, ngành, địa phương cần nêu cao tinh thần trách nhiệm, chủ động, sáng tạo, tự tin, đổi mới như chỉ đạo của người đứng đầu Chính phủ. Đó là: “Không nói không, không nói khó, không nói có nhưng không làm”, “đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã làm, đã thực hiện là có kết quả cân đong đo đếm được"…

Điều này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân và cộng đồng doanh nghiệp. Trong đó, người đứng đầu các bộ, ngành, địa phương cần chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai đồng bộ, linh hoạt; xác định rõ ưu tiên, trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt điểm việc đó, không dàn trải, kéo dài, để thực hiện Đề án 06 hiệu quả, thực chất hơn.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Chuyển đổi số hiệu quả, thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.