(HNM) - Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp còn nhiều tiềm năng chưa khai thác, nông dân thiếu vốn đầu tư, nguồn vốn Quỹ Khuyến nông (QKN) Hà Nội đã góp phần hỗ trợ đắc lực cho nhiều chủ hộ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi đạt hiệu quả cao. Điểm nhấn mà QKN tạo ra là hình thành nhiều vùng hàng hóa quy mô lớn, thúc đẩy kinh tế trang trại, tạo ra khối lượng lớn sản phẩm nông nghiệp.
Bám sát mục tiêu xây dựng nông nghiệp Thủ đô theo hướng đô thị sinh thái sản xuất hàng hóa chất lượng cao, QKN đã tập trung đầu tư cho những vùng sản xuất có quy mô lớn, vùng chuyển đổi cơ cấu trọng điểm. Do mới được thành lập, nguồn vốn chưa lớn, với tổng nguồn hơn 59 tỷ đồng ngân sách thành phố cấp là chính, QKN đã cho hơn 308 hộ vay phát triển sản xuất. Ông Nguyễn Văn Chí, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội kiêm Giám đốc quỹ cho biết, QKN là mô hình rất mới, cả nước mới có Hà Nội triển khai nhằm hỗ trợ nông dân sản xuất hàng hóa nên công tác quản lý, xây dựng cơ chế cho vay còn nhiều bỡ ngỡ, phải vừa thực hiện vừa rút kinh nghiệm hoàn chỉnh quy trình quản lý, sử dụng.
Mới đây, Đoàn kiểm tra liên ngành của thành phố đi kiểm tra tình hình sử dụng vốn của một số hộ vay vốn đã nhận xét, việc sử dụng vốn đều đúng mục đích, có hiệu quả và thật sự cần thiết cho nông dân. Nguồn vốn QKN đã hỗ trợ nông dân xây dựng một số mô hình sản xuất hàng hóa tập trung như vùng bò sữa Ba Vì, vùng trồng lan Hoài Đức, trồng hoa cây cảnh ở Thường Tín, vùng chuyển đổi sang sản xuất trang trại nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi lợn ở Ứng Hòa, Quốc Oai, Đan Phượng.
Ông Trần Nho Thanh, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng, chủ hộ trang trại nuôi 40 lợn nái ngoại và 300 lợn thịt cho biết, được QKN cho vay 250 triệu đồng ông đã sử dụng rất hiệu quả để mở rộng sản xuất xây thêm chuồng trại, tăng thêm đầu lợn tạo ra vùng sản phẩm hàng hóa. Đặc biệt, quỹ đã hỗ trợ nhiều hộ cải tạo ao, hồ, vùng ruộng trũng sang phát triển thủy sản, chăn nuôi bò sữa mang lại giá trị cao. Ông Nguyễn Quang Khải, xã Cấn Hữu, Quốc Oai được vay 400 triệu đồng để cải tạo 18 mẫu ao, hồ thuộc vùng đồng Chảy thường xuyên ngập úng đưa vào nuôi cá, vịt đẻ trứng cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Ông Nguyễn Bá Thiện, xã Phượng Cách cho biết, với số tiền vay 90 triệu đồng gia đình đã phát triển đàn bò sữa lên 14 con, trong đó 13 con đang vào thời kỳ khai thác sữa đạt sản lượng khá.
Bên cạnh việc đáp ứng vốn cho chăn nuôi trang trại nhu cầu các hộ cần vay số lượng vốn lớn, quỹ luôn tạo điều kiện cho các hộ vay để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, cải tạo vườn, tạo ra giá trị kinh tế cao. Ông Nguyễn Đình Hải, thôn Ba Nhà, xã Yên Sơn vay 60 triệu đồng xây dựng trang trại cam Canh, bưởi Diễn cho thu hoạch khá.
Tiến sỹ Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định, QKN góp phần rất quan trọng để tạo các vùng sản xuất hàng hóa có quy mô lớn như vùng nuôi lợn nạc, bò sữa, vùng hoa, vùng nuôi thủy đặc sản và thúc đẩy kinh tế trang trại phát triển nhanh. Sử dụng vốn hiệu quả các hộ đã tăng giá trị sản phẩm hàng hóa 20-30% làm tăng khối lượng sản phẩm hàng hóa cung cấp cho thị trường.
Hoàn thiện quy chế quản lý
Để đồng vốn phát huy hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội, cơ quan trực tiếp quản lý quỹ, đã kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, điều hành quỹ, bố trí cán bộ chuyên quản theo hướng chuyên môn hóa, gắn trách nhiệm cụ thể trong khâu thẩm định dự án, quyết định đầu tư. Hội đồng thẩm định cấp cơ sở từ huyện chịu trách nhiệm thẩm định, kiểm tra hồ sơ đề xuất mức vay, thời gian vay phù hợp từng phương án, dự án sản xuất. Trung tâm khuyến nông tập huấn cho đội ngũ cán bộ khuyến nông cơ sở phối hợp với bộ phận quản lý quỹ trong việc thẩm định hồ sơ, tư vấn kỹ thuật, hướng dẫn các chủ hộ sử dụng vốn đúng mục đích, lựa chọn cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp, mang lại hiệu quả. Đây là vốn vay ưu đãi từ ngân sách thành phố, chủ hộ chỉ phải trả phí quản lý 0,5% tháng nên việc quản lý đầu tư, sử dụng luôn được thực hiện theo đúng quy trình bảo đảm bảo toàn và phát huy tốt đồng vốn.
Tuy nhiên, sản xuất nông nghiệp luôn phụ thuộc vào thời tiết, thiên tai dịch bệnh nên luôn gặp rủi ro bất khả kháng, nhiều khi thiệt hại nặng nề. Đợt mưa úng ngập lụt cuối năm 2008 nhiều hộ nuôi trồng thủy sản, gia cầm bị thiệt hại phải giãn nợ, khất nợ chờ thời gian phục hồi kinh tế mới có thể hoàn lại vốn vay. Do đặc thù của sản xuất nông nghiệp, nhiều chủ hộ đề nghị quỹ kéo dài thời hạn cho vay lên 3-4 năm để có điều kiện đầu tư cho xây dựng chuồng trại quy mô lớn chăn nuôi công nghiệp cũng như tăng mức cho vay đáp ứng cả vốn lưu động và vốn xây dựng nhà xưởng, vốn cho quy hoạch và đầu tư hạ tầng. QKN nên mở rộng thêm đối tượng để các hộ sản xuất làng nghề, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tiêu thụ sản phẩm cho nông dân được vay vốn. Về định mức vay, đề nghị nâng mức vốn giám đốc QKN được duyệt cho vay từ 100 triệu đồng/phương án lên 300 triệu đồng để tạo thuận lợi cho chủ hộ có điều kiện sản xuất lớn, chỉ mức vay trên 300 triệu đồng mới do Hội đồng thẩm định cấp thành phố duyệt.
QKN là khẳng định sự quan tâm của thành phố đối với lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, nông thôn để tạo các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, tăng giá trị thu nhập cho nông dân. Tuy nhiên, hiện nay nhu cầu vay vốn của nông dân rất lớn, đặc biệt là các vùng chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo định hướng quy hoạch của thành phố, mong muốn của lãnh đạo các huyện và ngành nông nghiệp đề nghị thành phố quan tâm cấp bổ sung vốn, mỗi năm 30-40 tỷ đồng để nhiều hộ, nhiều phương án sản xuất được vay vốn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.