(HNMO)- Đó là ý kiến chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Khôi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội trong buổi họp kiểm điểm tiến độ thực hiện Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội- Dự án II...
ễn ra sáng nay (16-10).
Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội- Dự án II được UBND TP Hà Nội phê duyệt cuối tháng 9-2006, sử dụng khoản vốn vay ODA JICA (Nhật Bản) tương đương hơn 32,3 tỷ yên Nhật (thông qua 2 hiệp định vay), có giá trị giải ngân đến năm 2016 và phần còn lại sử dụng vốn đối ứng trong nước. Dự án có thời gian tổ chức thực hiện 2006-2015; dự án bắt đầu triển khai thi công từ tháng 10-2008, với tổng số 13 gói thầu xây lắp và mua sắm thiết bị.
Theo báo cáo của Ban quản lý dự án thoát nước (Sở Xây dựng Hà Nội), đến nay, dự án đã hoàn thành thi công các gói thầu: số 1 xây dựng trạm bơm Yên Sở và bãi đổ (phần nhà trạm bơm); số 2 (thiết bị nhà trạm bơm Yên Sở và phụ tùng thay thế; gói thầu số 6.1 cải tạo hồ Hố Mẻ, hồ Hào Nam, hồ Đống Đa, hồ Bảy Mẫu và gói thầu số 10 mua sắm thiết bị vận hành, bảo dưỡng và phụ tùng thay thế (đã bàn giao cho Công ty TNHH một thành viên thoát nước Hà Nội quản lý, vận hành).
Các gói thầu hiện đang triển khai thi công, gồm: gói thầu số 3- cải tạo kênh mương thoát nước lưu vực sông: Tô Lịch, Hoàng Liệt, Lừ, Sét; gói thầu số 4- cải tạo kênh mương thoát nước thuộc lưu vực sông Kim Ngưu; gói thầu số 5.1- thay thế cầu qua sông Tô Lịch, Lừ, Sét và đường công vụ dọc sông Lừ, Sét; gói thầu 5.2- cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến đường 70B và di chuyển hạ ngầm các công trình điện, nước, thông tin; gói thầu số 6.2- cải tạo hồ 2 (hồ Phương Liệt, hồ Tân Mai, hồ Khương Trung 1 và 2); gói thầu số 6.3- cải tạo hồ 4 (hồ Hạ Đình, hồ Đầm Chuối); gói thầu số 7- cải tạo hồ 3 (hồ Linh Đàm, hồ Định Công); gói thầu số 8- xây dựng trạm XLNT hồ Bảy Mẫu; gói thầu số 9- xây dựng cống (gồm 44 tuyến cống, trải dài trên 50 tuyến phố)...
Về giải ngân, tính đến tháng 9-2013, lũy kế giải ngân vốn ODA đạt 11,021 tỷ Yên Nhật/28,7 tỷ yên Nhật (đạt 38,4%). Trong đó, một số gói thầu như số 1; 2; 6.1; 10 đã thi công xong, đang làm hồ sơ quyết toán (quy đổi ra VNĐ đạt 2.300 tỷ đồng). Vốn đối ứng trong nước đạt 2.317,5 tỷ đồng, trong đó chi phí GPMB 2.074,4 tỷ đồng. Giải ngân vốn kế hoạch năm 2013: vốn ODA giao Ban QLDA thoát nước Hà Nội thực hiện 50 tỷ đồng (trong đó đến hết tháng 9-2013, đã giải ngân gần 382 tỷ đồng); kế hoạch vốn trong nước năm 2013 (phục vụ GPMB và các chi phí khác) giao 127 tỷ đồng; đến nay đã giải ngân được gần 384,2 tỷ đồng...
Vấn đề đáng quan tâm trong thực hiện dự án này là GPMB, vì dự án có khối lượng GPMB rất lớn, trải dài trên địa bàn 8 quận, huyện (60 xã, phường, thị trấn) và liên quan đến nhiều sở, ban, ngành của thành phố. Tổng diện tích cần thu hồi GPMB thực hiện dự án hơn 311ha, trong đó Ban QLDA thoát nước Hà Nội thực hiện GPMB hơn 263ha; các quận, huyện thực hiện GPMB 48ha. Tính đến tháng 9-2013, về Ban QLDA thoát nước Hà Nội đã hoàn thành tiếp nhận và bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công tổng diện tích 230/263ha (đạt khoảng 90% diện tích mặt bằng). Theo thống kê, đến thời điểm này vẫn còn tổng số khoảng 3.400 phương án cần giải quyết vướng mắc để GPMB phục vụ thi công, trong đó quận còn tồn đọng nhiều nhất là Hoàng Mai, với gần 1.300 phương án. Trong khi đó, theo đánh giá của chủ đầu tư, tiến độ dự án đã chậm khoảng một năm rưỡi.
Đường Kim Giang (thuộc gói thầu 5.2- cải tạo đường công vụ bờ phải sông Tô Lịch đoạn từ Hoàng Quốc Việt đến đường 70B và di chuyển hạ ngầm các công trình điện, nước, thông tin) đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, nhưng hễ mưa nhỏ đã gây úng ngập (ảnh chụp ngày 25-9-2013). Ảnh: Minh Huệ |
Để bảo đảm tiến độ dự án, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Văn Khôi đề nghị các sở, ngành, chính quyền các quận, huyện cần tập trung tháo gỡ những vướng mắc về vốn, cơ chế, xác định nguồn gốc đất, tái định cư để thực hiện GPMB. Phó Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh, trong 3.400 phương án tồn đọng thì có đến hơn 15% chưa phê duyệt được vì chưa xác định được nguồn gốc đất. Do đó, yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp chặt chẽ với UBND các quận, huyện tập trung tháo gỡ khó khăn, chậm nhất trong quý I/2014 phải hoàn thành việc xác định nguồn gốc đất đối với những trường hợp này.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch UBND TP lưu ý các địa phương, lập và phê duyệt phương án GPMB đến đâu thông báo công khai ngay đến đó. Sở Xây dựng cần khẩn trương rà soát lại quỹ nhà tái định cư, cần linh hoạt áp dụng cơ chế tạm cư để bảo đảm tiến độ GPMB phục vụ thi công... Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài chính chủ động điều tiết, bố trí đủ vốn để ưu tiên phục vụ công tác GPMB của dự án. Sở Xây dựng- chủ đầu tư cần tranh thủ mùa khô để đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu của dự án. Tuy nhiên, cần chủ động phương án bảo đảm tiêu thoát nước kịp thời, tránh tình trạng ùn ứ nước thải sinh hoạt của nhân dân khu vực thi công, nhất là thi công các hạng mục công trình cứng hóa kênh mương.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.