(HNM) - Thanh tra Chính phủ vừa ra Thông báo Kết luận thanh tra số 99/TB-TTCP về việc chấp hành pháp luật trong công tác quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng và quản lý sử dụng đất tại Hà Nội.
Nếu không thực hiện tốt công tác quản lý, hai bên Đại lộ Thăng Long có nguy cơ bị phá vỡ quy hoạch. Ảnh: Linh Ngọc |
Phối hợp chưa chặt chẽ
Chất lượng quy hoạch chưa cao và hiệu lực quản lý quy hoạch yếu là thực tế hàng chục năm nay tại Hà Nội. Tuy nhiên, kết quả thanh tra đã làm rõ thêm những bất cập trong quy hoạch mà hiện TP Hà Nội đang phải từng bước xử lý.
Quy hoạch xét cả về từng đồ án lẫn tính liên kết giữa các đồ án còn nhiều hạn chế. Trên cơ sở tìm hiểu tại 4 quận, huyện, Thanh tra Chính phủ đánh giá, một số đồ án còn thiếu đồng bộ trong sử dụng đất, phát triển và khai thác hạ tầng. Một số đồ án chưa đầy đủ căn cứ pháp lý, chỉ tiêu phê duyệt, có nội dung chưa đúng quy chuẩn xây dựng, không đủ diện tích tối thiểu so với quy chuẩn về đất ở, trạm y tế, trường học, giao thông, bãi đỗ xe… Trong khi đó, qua thanh tra các dự án, nhất là khu vực thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) và một phần huyện Lương Sơn (trước thuộc tỉnh Hòa Bình) cho thấy quy hoạch dàn trải, chưa đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội (chất lượng đồ án quy hoạch yếu kém buộc UBND TP Hà Nội ra quyết định dừng triển khai thực hiện 192/398 đồ án quy hoạch). Thực trạng này đòi hỏi TP phải cải thiện chất lượng các đồ án quy hoạch, nhất là khâu thẩm định. Các Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng giữ vai trò chủ chốt trong khâu này.
Hiệu lực thực hiện quy hoạch cũng rất đáng lo ngại. Trước đây, tình trạng phá vỡ quy hoạch cục bộ ở cấp phường, xã khá phổ biến. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ phát hiện tình trạng này còn đe dọa cả khu vực rộng lớn, quan trọng như hai bên Đại lộ Thăng Long. Theo kết luận thanh tra, nhiều dự án dọc tuyến đường huyết mạch này đã vi phạm hành lang an toàn giao thông, đặc biệt là cao độ san nền không phù hợp với hệ thống thoát nước và cao độ của đường gom. Điều này tiềm ẩn nguy cơ ùn tắc giao thông, úng ngập.
Thanh tra Chính phủ cho rằng, các sở, ngành chuyên môn và quận, huyện của thành phố cần phối hợp chặt chẽ hơn nữa trong công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch. Thành phố cũng cần điều chỉnh và phân cấp hợp lý việc thẩm định, phê duyệt và quản lý thực hiện quy hoạch xây dựng giữa Sở Quy hoạch - Kiến trúc và Sở Xây dựng.
Hậu quả đáng báo động
Thanh tra Chính phủ phát hiện 7 hộ cá nhân xây dựng sai quy hoạch vẫn được UBND huyện Từ Liêm cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Kết quả thanh tra đối với một số dự án trên địa bàn 9 quận, huyện đã phát hiện các sai phạm của nhiều cơ quan, đơn vị chức năng trong việc tính toán tiền sử dụng đất. Đáng chú ý nhất là việc không tuân thủ đúng một số nghị định của Chính phủ và thông tư của Bộ Tài chính về vấn đề này.
Nhưng gây thiệt hại cụ thể cho ngân sách nhà nước là sự thiếu cương quyết, thiếu trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện trong việc thu tiền sử dụng đất, xử phạt trường hợp chậm nộp tiền sử dụng đất. Những vi phạm về nguyên tắc làm việc như trên còn được Thanh tra Chính phủ phát hiện trong việc giao đất, cụ thể là có những quyết định giao đất chưa đầy đủ căn cứ, một số trường hợp chỉ căn cứ vào quy hoạch xây dựng. Tiền sử dụng đất tồn đọng phải thu hồi tính đến thời điểm thanh tra là trên 2.200 tỷ đồng; tiền phạt chậm nộp tiền sử dụng đất phải thu cũng lên tới trên 1.880 tỷ đồng. Đây là những hậu quả đáng báo động về chất lượng công tác quản lý đất đai.
"Lỗ hổng" trước hết là trách nhiệm của cán bộ quản lý. Lãnh đạo thành phố đã nhiều lần nhắc nhở các cấp, ngành tuân thủ nghiêm quy định pháp luật trong quản lý nói chung và quản lý đất đai, nhà ở nói riêng. Thành phố cũng đã thi hành kỷ luật đối với hàng chục cán bộ sai phạm. Nhiều trường hợp đã bị xử lý hình sự. Tuy nhiên, vi phạm vẫn xảy ra. Trong kết luận, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị gần 10 mục xử lý trách nhiệm cụ thể nhằm khắc phục vi phạm trong quản lý quy hoạch, xây dựng và đất đai tại Hà Nội. Đáng chú ý là kiến nghị cần kịp thời chấn chỉnh và bổ sung đội ngũ cán bộ quản lý về quy hoạch, đất đai của TP Hà Nội đã xác định năm 2013 là năm "Kỷ cương hành chính", phải chăng nên đặt đó là nội dung trọng tâm của công tác quản lý quy hoạch, xây dựng và đất đai để thay đổi căn bản thực trạng mà Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.