Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch và quản lý dân cư

Hà Phong| 07/01/2011 07:04

(HNM) - Mỗi ngày có hơn 1,7 triệu người tham gia giao thông ở nội đô, chi phí tắc đường gây ra cho người dân là gần 21.600 tỷ đồng/năm; khoảng 170 nghìn người sẽ di cư đến Hà Nội trong những năm tới; khó xử lý nhà siêu mỏng, siêu méo (SMSM) vì vướng quy định pháp luật hiện hành; việc chuyển các trường ĐH, CĐ ra khỏi khu vực nội đô không thực hiện được...


Lượng người nhập cư tăng nhanh theo cấp số nhân


Lượng người nhập cư vào Hà Nội tăng nhanh, đường phố thường xuyên chịu nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông.  Ảnh: Trung Kiên


Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Hồng Khanh, hiện số lượng người nhập cư đến Hà Nội ngày một tăng nhanh theo cấp số nhân. Trong đó, riêng năm 2010 tăng 156 nghìn người. Để đưa ra những cơ chế giải quyết vấn đề thời sự nêu trên, Bộ Tư pháp đã phối hợp với UBND TP Hà Nội tiến hành điều tra thực trạng cụ thể. Kết quả khảo sát cho thấy, huyện Từ Liêm là nơi có đông dân cư nhất với số dân 371.247 người (gấp 1,9 lần so với 10 năm trước đây). Đáng chú ý là quỹ đất của nội thành rất hạn chế, diện tích ở bình quân đầu người là 20,8 m2/người, với tỷ trọng nhà cho thuê hoặc mượn là 9,4%. Trong khi đó, phân bố dân số ở Hà Nội không đều và có sự khác biệt lớn giữa các quận nội thành và các huyện. Nơi có mật độ dân số cao nhất TP là quận Đống Đa 36.550 người/km2, thấp nhất là huyện Ba Vì 576 người/km2, là nơi có nhiều xã miền núi nhưng vẫn còn cao hơn gấp đôi bình quân cả nước (259 người/km2). Thực tế này khiến Hà Nội từ một TP thân thiện với con người với nhiều hồ ao, công viên, đường phố và khoảng không rộng rãi đang thường xuyên phải chịu nạn kẹt xe, ùn tắc giao thông, đường phố Thủ đô càng mở rộng càng chật.

Nhằm giảm sức ép do gia tăng về tốc độ nhập cư vào khu vực nội thành, song vẫn bảo đảm cho người dân có điều kiện sinh sống và làm việc hợp pháp, dự thảo luật đã đặt thêm các điều kiện cư trú ở nội đô, vì nếu theo Luật Cư trú hiện hành thì không "chạy theo" được tốc độ tăng dân số cơ học.

Đây không phải là biểu hiện của tình trạng "không quản được thì cấm" - ông Khanh nhấn mạnh. Thực tế, nếu cứ để di dân tự do vào Thủ đô thì sẽ cản trở điều kiện sống vì mất cân đối quy mô dân số với các điều kiện khác. Do đó, song song với đề xuất trên là các biện pháp ưu tiên đầu tư và huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng nhà ở, cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, thuận tiện ở ngoại thành; Hà Nội được điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung sau khi có ý kiến của Bộ Xây dựng và được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Ủng hộ một phần chủ trương này, Chủ nhiệm UB Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận cho rằng, với vị trí, vai trò là Thủ đô của cả nước nên quy hoạch của Hà Nội vừa phải bảo đảm cho nhu cầu nội tại của TP, vừa phải bảo đảm cho nhu cầu của các cơ quan TƯ, cơ quan đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế. Một trong những giải pháp xử lý là khi xây dựng đường phố mới cần có quy hoạch giải phóng mặt bằng hai bên đường để xây dựng nhà ở, công trình, biện pháp này tuy đã được pháp luật hiện hành cho phép triển khai, nhưng do không có quy định bắt buộc, thiếu tài chính, khả năng bảo đảm tái định cư nên Hà Nội chưa thực hiện được.

Bên cạnh đó, cũng cần quy định về những biện pháp để triển khai thực hiện quy hoạch, bảo đảm hiệu quả và tạo thuận lợi cho công tác quản lý. Trường hợp các cơ quan, tổ chức của TƯ khi đã được tập trung vào một nơi thì những trụ sở hiện đang sử dụng phải được trả lại cho Hà Nội để khai thác, sử dụng.

Vẫn còn những băn khoăn

Hôm qua, một vấn đề có nhiều ý kiến trái chiều là cơ chế, chính sách để bảo đảm TTATXH trên địa bàn Thủ đô. Dự thảo luật đưa ra quy định cho phép Hà Nội áp dụng mức xử phạt tiền đối với một số vi phạm hành chính trong khu vực nội thành cao hơn mức áp dụng chung với cả nước trong 6 lĩnh vực văn hóa, đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông vận tải và cư trú. Nhưng điều khiến nhiều vị ủy viên TVQH băn khoăn hơn cả là vẫn chưa rõ cơ chế đặc thù này tạo điều kiện cho xây dựng, phát triển Hà Nội như thế nào khi được triển khai trong thực tế. Theo Chủ nhiệm UB Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba "tăng mức phạt lên nhưng không có giải pháp thay thế thì xử lý sao được". Nhưng một số ý kiến khác lại cho rằng rất cần phải áp dụng, do Nghị định số 34/CP đã quy định thí điểm mức phạt tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cao hơn 2 lần so với mức phạt chung của cả nước. Lãnh đạo Bộ Tư pháp và Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu cũng khẳng định, quy định như dự thảo luật là cần thiết và hợp lý vì phù hợp với chủ trương của Đảng, bảo đảm tính hợp hiến, đã được pháp lệnh quy định và phù hợp với thông lệ quốc tế. Thực tế, qua kinh nghiệm nhiều nước như Trung Quốc, Singapore, Thụy Điển… đã cho thấy biện pháp này có phát huy hiệu quả, có thể áp dụng ở nước ta. Nguồn thu từ các khoản đó cũng được sử dụng để đầu tư trở lại cho bảo vệ môi trường, xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình giao thông phục vụ nhu cầu của cộng đồng.

Trước các ý kiến trái chiều, Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng khẳng định, đây là dự án luật đưa vào chương trình, vì thế các đại biểu nên lắng nghe, tiếp thu tối đa để hoàn thiện, tháng 3 tới trình QH xem xét, thông qua.

Về ý kiến riêng, Chủ tịch QH đồng tình với nhiều đề xuất của Ban soạn thảo dự án luật, đặc biệt là ý kiến của Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Hồng Khanh. Chủ tịch yêu cầu, dù có cơ chế riêng, Hà Nội vẫn có những điểm giống với 62 tỉnh, TP khác trên cả nước nên Luật Thủ đô phải xử lý được những "cái riêng" vốn làm nên Hà Nội. Trong đó, 2 vấn đề quy hoạch, quản lý dân cư là nội dung đại sự.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch và quản lý dân cư

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.