(HNM) - Những bất cập trong quy hoạch (QH), kế hoạch (KH) sử dụng đất và đất nông nghiệp khiến công tác quản lý đất đai bấy lâu nay chưa thật sự hiệu quả. Những vấn đề này vừa được các chuyên gia, nhà quản lý "mổ xẻ" tại hội thảo "QH, KH sử dụng đất và giao đất" phục vụ việc sửa đổi Luật Đất đai 2003.
Rối trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất
Hiện nay, tổng diện tích đất tự nhiên của nước ta khoảng 33.091 nghìn hécta, riêng đất NN là 26.253 nghìn hécta (chiếm 38,62%). Trong đó, diện tích đất lâm nghiệp là 15.369 nghìn hécta (chiếm 58,58%), đất nuôi trồng thủy sản 640 nghìn hécta (chiếm 2,6%)... Xét trên góc độ đất đai và đa phần dân số nước ta sinh sống ở nông thôn cho thấy, việc QH, KH sử dụng đất NN có ảnh hưởng lớn đến phát triển NN, nông thôn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, vấn đề này đang ở trong tình trạng "mạnh ai nấy làm" mà chưa nhìn vào tổng thể, gây sức ép trong quản lý sử dụng đất NN.
Công tác quản lý đất đai muốn đạt hiệu quả cao cần vạch ra quy hoạch và kế hoạch cụ thể cho từng vùng. Ảnh: Đăng Khoa |
Ông Tôn Gia Huyên, Hội Khoa học đất Việt Nam cho rằng: Nhiều địa phương nôn nóng "trải thảm đỏ" thu hút đầu tư nên đã thu hồi diện tích đất NN khá lớn chuyển sang phát triển công nghiệp, đô thị. Điều trớ trêu là, hàng vạn hécta đất NN bị thu hồi đều thuộc diện "bờ xôi ruộng mật" bám các trục đường giao thông. Đất đai bị sử dụng phí phạm, nhiều dự án chậm triển khai, thậm chí bị "treo" đã tác động trực tiếp đến vấn đề giải quyết việc làm cho lao động ở nông thôn.
Theo Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm, Chủ tịch Hội QH và phát triển đô thị Việt Nam, sở dĩ xảy ra tình trạng chuyển đổi đất NN với diện tích lớn vì đền bù đất NN rẻ hơn so với loại đất khác. Trong khi đó, sợ lỡ cơ hội thu hút đầu tư nên các địa phương dù có QH, KH sử dụng đất lâu dài vẫn mạnh dạn điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nhiều chuyên gia nhận định, với sức ép của quá trình công nghiệp và đô thị hóa, trong vòng 20 năm tới, diện tích đất NN khó duy trì 3,8 triệu hécta đất lúa (hiện nay khoảng 4 triệu hécta).
Cũng liên quan đến vấn đề này, Tiến sỹ Nguyễn Văn Chính, Viện trưởng Viện QH và thiết kế NN (Bộ NN&PTNT) nhận định, trong QH NN, ngoài QH theo đơn vị hành chính còn phải quan tâm QH theo ngành để xây dựng vùng sản xuất hàng hóa tập trung, chuyên canh. Nhưng hiện nay, một số địa phương chưa quan tâm đầy đủ cả hai khía cạnh này dẫn tới sự thống nhất giữa QH sử dụng đất và QH NN không cao.
Đổi mới công tác QH
Ông Tôn Gia Huyên đề nghị: Luật Đất đai sửa đổi phải xác định được số diện tích đất lúa, đất rừng cần phải bảo vệ nghiêm ngặt. Còn Tiến sỹ Nguyễn Văn Chính cho rằng, sau khi Chính phủ ban hành bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới và quyết định phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia và xây dựng nông thôn mới, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần có hướng dẫn nội dung, phương pháp QH sử dụng đất, phục vụ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới bởi QH NN phải gắn kết chặt chẽ QH phát triển nông thôn mới cho hiệu quả tốt.
Ông Chính cũng khẳng định: Khái niệm về "đất NN khác" - một trong 5 nhóm đất quy định tại điểm 4 Điều 6 trong Nghị định 181/2004/NĐ-CP là chưa đầy đủ và trùng lắp với các loại đất phi NN. Do đó cần bổ sung nhóm đất cho chăn nuôi tập trung, đất xử lý môi trường nông thôn, xử lý rác thải, nước thải, chất rắn độc hại... Không nên ghép đất ở nông thôn và đất ở đô thị vào một loại vì hai loại đất này có sự khác biệt rất lớn về giá trị và đặc điểm. Nên tách đất ở nông thôn thành đất khu dân cư nông thôn trong đó có đất ở sẽ thuận lợi hơn trong quá trình quản lý. Hiện nay, trong hệ thống chỉ tiêu QH sử dụng đất cấp quốc gia không có chỉ tiêu QH đất cho chăn nuôi tập trung. Đây là vấn đề rất khó cho công tác QH NN. Chủ trương của Chính phủ là đưa chăn nuôi lên thành ngành sản xuất chính, quy mô trang trại thay vì chăn nuôi nhỏ lẻ hộ gia đình. Vì vậy, cần phải đưa chỉ tiêu QH đất cho chăn nuôi tập trung vào hệ thống chỉ tiêu QH đất toàn quốc.
Một vấn đề cũng được các chuyên gia đề nghị là thời hạn giao đất sản xuất NN của cả đất trồng cây lâu năm và cây hằng năm, đất trồng rừng, nuôi trồng thủy sản, làm muối nên giao lâu dài để người dân có thể đầu tư thâm canh tăng độ phì của đất và xây dựng hạ tầng kỹ thuật phục vụ phát triển sản xuất NN theo hướng sản xuất thâm canh, hàng hóa. Không nên phân biệt hạn mức giao đất cho các hộ gia đình, cá nhân với các loại đất như cây ngắn ngày, cây lâu năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối và nên nâng hạn mức giao đất các loại đất này cho các hộ gia đình, cá nhân tối đa không quá 30 năm hoặc bỏ hạn mức giao đất cho hộ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.