Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch phòng cháy, chữa cháy TP Hồ Chí Minh: Cần sự phối hợp từ nhiều phía

Tiến Thành| 05/08/2016 07:29

(HNM) - Trong giai đoạn từ nay đến năm 2025, TP Hồ Chí Minh sẽ chi gần 8.160 tỷ đồng cho dự án quy hoạch Ngành Phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Để bảo đảm quy hoạch có hiệu quả, những vấn đề về kế hoạch triển khai cũng như cơ sở hạ tầng phục vụ dự án cần được các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra,


"Vướng" ở khâu thực hiện

Theo UBND TP Hồ Chí Minh, quy hoạch Ngành PCCC trên địa bàn thành phố đến năm 2025 sẽ được cấp ngân sách dự kiến là gần 8.160 tỷ đồng để triển khai thực hiện. Trong đó, dự kiến nguồn vốn quy hoạch được huy động từ 4 nguồn: Ngân sách thành phố (hơn 4.000 tỷ đồng); ngân sách trung ương (gần 2.300 tỷ đồng cấp qua Bộ Công an); vốn đầu tư trong và ngoài nước (khoảng 685 tỷ đồng); kinh phí bảo hiểm cháy nổ bắt buộc, cùng các khoản phí, lệ phí khác (hơn 1.100 tỷ đồng).

Mua sắm phương tiện, trang thiết bị hiện đại là một phần trong quy hoạch Ngành PCCC TP Hồ Chí Minh.



Số ngân sách trên được cấp chủ yếu phục vụ cho các dự án mua sắm trang thiết bị, phát triển hệ thống tổ chức các đơn vị cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Theo đó, từ nay đến năm 2020, Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh sẽ đầu tư gần 4.900 tỷ đồng mua 258 xe, 2 tàu, 6 ca nô, 2 xuồng cứu hộ - cứu nạn, 61 máy bơm. Giai đoạn 2020-2025, dự kiến đầu tư hơn 3.200 tỷ đồng, 131 xe chữa cháy các loại, 1 ca nô chữa cháy và các trang thiết bị cá nhân, trang thiết bị chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Đầu tư xây dựng mới, nâng cấp và cải tạo doanh trại 13 đơn vị Cảnh sát PCCC và cứu nạn, cứu hộ tại quận, huyện, đồng thời lập thêm các trung tâm phục vụ công tác điều hành, huấn luyện PCCC và cứu nạn, cứu hộ. Cùng trong 10 năm tới, lắp đặt mới gần 20.000 trụ nước phục vụ công tác chữa cháy trên địa bàn thành phố.

Đại tá Nguyễn Mạnh Hội, Phó Cục trưởng Cục PCCC và Cứu nạn, cứu hộ (Bộ Công an) cho rằng, hiện nay ngân sách nhà nước có hạn, trong khi đó phải đầu tư trên nhiều lĩnh vực. Do đó, UBND TP Hồ Chí Minh phải giám sát chặt chẽ việc thực hiện, nếu dự án nào không phù hợp cần điều chỉnh ngay để bảo đảm nguồn vốn trung ương cấp được sử dụng hiệu quả. Cục sẽ phối hợp với Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh nghiên cứu các giải pháp phù hợp để đề xuất lãnh đạo Bộ Công an phê duyệt kinh phí hằng năm, bảo đảm các mục tiêu quy hoạch.

Ngoài việc tránh gây lãng phí ngân sách, quy hoạch cũng đang “vướng” một số vấn đề liên quan đến cơ sở hạ tầng cũng như kế hoạch thực hiện. Theo bà Nguyễn Thị Thu Hoa, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh, hiện nay Cảnh sát PCCC vẫn chưa xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện quy hoạch theo quyết định của Chủ tịch UBND thành phố. Kế hoạch này cần phải nêu rõ nội dung công việc, phân công nhiệm vụ, cơ quan chủ trì - phối hợp, lộ trình thực hiện của các cơ quan có liên quan. Đối với cơ sở hạ tầng, ông Võ Đức Thanh, Phó Chủ tịch UBND quận 11 cho rằng trên địa bàn quận có nhiều hẻm, ngõ nhỏ, việc lắp đặt mới các trụ nước sẽ ảnh hưởng đến mặt bằng của các khu vực công cộng, sân chơi cho trẻ em cũng như gây khó khăn về giao thông.

Giám sát chặt chẽ quy hoạch

Trao đổi về vấn đề sử dụng ngân sách phục vụ dự án, Đại tá Lê Tấn Bửu, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Hồ Chí Minh khẳng định: Danh sách dự án mua sắm trang thiết bị mới chỉ là dự kiến, nhưng những dụng cụ, phương tiện này đều đã được cân nhắc, tính toán để phù hợp với đặc điểm, điều kiện ở TP Hồ Chí Minh. Trong quá trình thực hiện đề án, Cảnh sát PCCC cũng đã mời các sở, ngành có liên quan kiểm tra, kiểm soát, thấy phù hợp mới đề xuất mua sắm.

Về những vướng mắc có thể gặp trong quá trình thực hiện quy hoạch, ông Huỳnh Cách Mạng, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian thực hiện dự án, để quy hoạch mang tính khả thi, có kết quả cao, các sở, ngành, quận, huyện phối hợp với Cảnh sát PCCC xây dựng kế hoạch phù hợp với tình hình tại từng khu vực, từng địa bàn. Các sở, ngành, quận, huyện cùng với UBND thành phố tổ chức giám sát quá trình thực hiện, bảo đảm các dự án đi đúng hướng đã quy hoạch. Ông Huỳnh Cách Mạng nhấn mạnh, trước tình hình dân cư ngày càng đông, các quận, huyện phải quan tâm bảo đảm công tác PCCC, trong đó quan trọng nhất là xác định vị trí, bố trí quỹ đất để xây dựng các đơn vị Cảnh sát PCCC, nhằm rút ngắn bán kính bảo vệ, thời gian chữa cháy.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch phòng cháy, chữa cháy TP Hồ Chí Minh: Cần sự phối hợp từ nhiều phía

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.