(HNM) - Để ngăn chặn triệt để, cần nhanh chóng quy hoạch những khu vực cho phép kinh doanh vật liệu xây dựng để các tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động là việc cần làm ngay.
Chủ tịch UBND phường Thụy Phương Nguyễn Ngọc Nam cho biết, trên địa bàn phường, nhiều điểm tập kết, trung chuyển VLXD tồn tại khá lâu. Năm 1985 khi cầu Thăng Long hoàn thành, người dân Làng Chèm mất nghề chở khách qua sông, dần chuyển sang kinh doanh VLXD. "Năm 2015, thực hiện chỉ đạo của thành phố, UBND quận, chính quyền phường đã vận động các hộ gia đình chấp hành pháp luật và 100% các hộ dân đã tự phá dỡ lều lán vi phạm, di dời VLXD. Tuy nhiên, chính quyền cũng ghi nhận, các hộ dân kiến nghị thành phố quy hoạch điểm kinh doanh VLXD, để người dân được làm ăn hợp pháp, được thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế với Nhà nước" - ông Nam nói.
Một điểm tập kết vật liệu xây dựng nằm ngoài bãi Sông Hồng thuộc địa bàn quận Bắc Từ Liêm. |
Trong đợt UBND quận Bắc Từ Liêm ra quân giải tỏa các điểm kinh doanh VLXD, ông Nguyễn Văn Thưởng, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Sông Hồng cũng bày tỏ mong muốn được chính quyền tạo điều kiện tiếp tục kinh doanh hợp pháp, bằng việc giới thiệu cho doanh nghiệp địa điểm phù hợp. Ông Thưởng nói: "Được chính quyền thông báo công ty vi phạm pháp luật về đê điều, chúng tôi đã nghiêm chỉnh chấp hành tự tháo dỡ công trình, di chuyển VLXD. Tuy nhiên, chúng tôi mong muốn thành phố sớm công bố quy hoạch điểm tập kết VLXD để công ty có điều kiện được hoạt động hợp pháp. Việc tạm dừng kinh doanh ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng trăm lao động, chưa kể doanh nghiệp vay ngân hàng đầu tư máy móc, thiết bị và vẫn phải trả lãi hằng tháng".
Theo ông Nguyễn Minh Trực, Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị - UBND quận Bắc Từ Liêm, kiến nghị của người dân Thụy Phương cũng là mong muốn chung của người dân Thượng Cát, Liên Mạc và Đông Ngạc. Ông Trực cho biết, UBND quận đã có văn bản báo cáo thành phố điều chỉnh, bổ sung bãi tập kết, trung chuyển VLXD trên địa bàn. UBND thành phố đã có văn bản giao Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội xem xét, đề xuất giải quyết, báo cáo UBND thành phố. Tuy nhiên, gần 3 tháng trôi qua, phía Sở Tài nguyên và Môi trường chưa có hồi âm.
Được biết, năm 2013 UBND thành phố đã phê duyệt quy hoạch sử dụng cát, sỏi, bãi trung chuyển VLXD trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm có 2 điểm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng, với tổng diện tích 17,7ha (phường Thượng Cát 11,49ha và phường Liên Mạc 6,2ha). Hiện diện tích đất đang sử dụng làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu khoảng 40ha. Trong đó 20,4ha đã được thành phố giao đất, cho thuê đất hoặc chấp thuận chủ trương cho các tổ chức thuê làm bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng. Theo kiến nghị của UBND quận Bắc Từ Liêm, quận muốn bổ sung 39,7ha quy hoạch bãi trung chuyển VLXD. Trong đó, tại phường Thượng Cát cơ bản giữ hiện trạng, diện tích đã được thành phố giao đất, cho thuê đất, hoặc chấp thuận chủ trương. Phường Liên Mạc cũng bổ sung thêm diện tích quy hoạch để di chuyển các hộ kinh doanh từ phường Thụy Phương chuyển sang... Các công trình, bãi chứa VLXD vi phạm quy định, phải được giải tỏa. Tuy nhiên, những kiến nghị của hộ kinh doanh và chính quyền địa phương là có cơ sở. Khi có quy hoạch, tổ chức, cá nhân đăng ký hoạt động đúng pháp luật sẽ ngăn chặn triệt để tình trạng tái vi phạm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.