Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy hoạch điện VIII: Áp lực nguồn vốn trong chuyển dịch ''xanh''

Bảo Hân| 11/06/2023 07:30

(HNM) - Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII) được phê duyệt giữa tháng 5-2023 với nhiều điểm mới, kỳ vọng mở ra bước ngoặt cho ngành điện khi đẩy mạnh phát triển điện sạch, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, quá trình hiện thực hóa các mục tiêu, định hướng phát triển thời gian tới sẽ đi cùng áp lực nguồn vốn lớn.

Công nhân kiểm tra vận hành tại Trạm biến áp 220kV Ninh Phước (tỉnh Ninh Thuận). Ảnh: Thanh Hải

Thách thức cho chuyển đổi

Quy hoạch điện VIII thể hiện Việt Nam kiên định mục tiêu phát triển xanh và bền vững, ưu tiên các nguồn năng lượng xanh, sạch như năng lượng tái tạo, năng lượng mới (amoniac, hydro)... không phát triển mới nhiệt điện than ngoại trừ những dự án từ quy hoạch cũ. Đồng thời, các dự án sử dụng năng lượng hóa thạch cũng đã và đang được thay thế dần bằng nhiên liệu sạch nhằm giảm phát thải khí nhà kính.

Tuy nhiên, để thực hiện các mục tiêu trên, theo Quy hoạch điện VIII, ước tính tổng vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải giai đoạn 2021-2030 tương đương 134,7 tỷ USD, trong đó đầu tư cho nguồn điện khoảng 119,8 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 14,9 tỷ USD. Trong định hướng giai đoạn 2031-2050, ước tính nhu cầu vốn đầu tư phát triển nguồn và lưới điện truyền tải tương đương 399,2-523,1 tỷ USD, trong đó đầu tư nguồn điện khoảng 364,4-511,2 tỷ USD, lưới điện truyền tải khoảng 34,8-38,6 tỷ USD.

“Như vậy, theo tính toán, trong giai đoạn 2021-2030, mỗi năm chúng ta cần trên 13 tỷ USD và từ giai đoạn 2031-2050 thì lượng vốn hằng năm còn cao hơn. Đây là một thách thức rất lớn đối với nền kinh tế nói chung và ngành điện nói riêng”, Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương Trần Kỳ Phúc nhận định.

Còn theo ông Nguyễn Hà Đức Tùng, chuyên gia phân tích (Công ty cổ phần Chứng khoán VNDIRECT), Quy hoạch điện VIII đã thống nhất được một phương án “đủ và xanh”, nhưng có thể sẽ khó thực hiện hơn Quy hoạch điện VII điều chỉnh, do sự phát triển mạnh mẽ của các nguồn điện giá cao như điện khí và điện năng lượng tái tạo. Trong khi đó, các công nghệ thay thế nhiên liệu đầu vào như hydro, amoniac cho các nhà máy nhiệt điện vẫn chỉ đang ở giai đoạn nghiên cứu và thử nghiệm.

Nhiều phương án huy động nguồn vốn

Để thực hiện thành công Quy hoạch điện VIII, Chính phủ đã đưa ra 11 nhóm giải pháp cụ thể. Trong đó, để có đủ nguồn lực tài chính, giải pháp đưa ra là đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, bảo đảm cạnh tranh trong thị trường điện.

Cùng với đó, Chính phủ kêu gọi sử dụng hiệu quả các cam kết hỗ trợ của quốc tế, các nguồn tín dụng xanh, tín dụng khí hậu, trái phiếu xanh; đồng thời, hoàn thiện các cơ chế tài chính và huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện…

Chuyên gia kinh tế, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm kỳ vọng, khi thị trường điện cạnh tranh được vận hành, mọi rào cản sẽ được xóa bỏ. Giá điện minh bạch do thị trường quyết định, các doanh nghiệp bảo đảm thu đủ chi phí, có lợi nhuận và tự chủ tài chính, từ đó thu hút các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện.

“Xu hướng phát triển năng lượng tái tạo sẽ là động lực thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế; đặc biệt huy động vốn của các hộ dân xây lắp điện mặt trời mái nhà, nguồn điện tự sản, tự tiêu. Đây là một trong những giải pháp xử lý câu chuyện về vốn đầu tư thực hiện Quy hoạch điện VIII”, ông Nguyễn Bích Lâm nêu.

Còn theo Tiến sĩ Ngô Tuấn Kiệt, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học năng lượng (Viện Hàn lâm khoa học công nghệ Việt Nam), Quy hoạch điện VIII tính đến phương án để huy động nguồn vốn, kể cả nguồn tài trợ quốc tế cho phát triển năng lượng tái tạo; trong đó có đấu thầu, các nhà đầu tư nào có năng lực tài chính, kỹ thuật có thể tham gia, không còn cơ chế xin - cho như trước. Chính phủ và Bộ Công Thương cần nhanh chóng đưa ra các cơ chế, chính sách như giá mua điện linh hoạt để các nhà đầu tư tự tính toán khả năng lợi nhuận và tham gia đầu tư phát triển hệ thống điện tại Việt Nam.

“Một nội dung quan trọng là cần phát triển lưới điện đồng bộ với nguồn điện. Thực hiện yêu cầu này đòi hỏi phải có sự phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, các địa phương nơi có dự án và đặc biệt là sự hợp lực của các nhà đầu tư bởi phát triển lưới điện cũng đòi hỏi huy động nguồn vốn lớn”, ông Đoàn Ngọc Dương, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Bộ Công Thương cho biết.

Sau dấu mốc pháp lý quan trọng khi Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, để từng bước hiện thực hóa quy hoạch, đặc biệt đáp ứng đủ nhu cầu về vốn nêu trên, nhiều chuyên gia kinh tế cùng cho rằng Chính phủ cần khẩn trương hoàn thiện các cơ chế tài chính đặc thù và huy động vốn cho đầu tư phát triển ngành điện. Các cơ chế này được thực hiện trên quan điểm đa dạng hóa các nguồn vốn, các hình thức huy động vốn, thu hút có hiệu quả các nguồn lực trong và ngoài nước vào phát triển điện lực.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy hoạch điện VIII: Áp lực nguồn vốn trong chuyển dịch ''xanh''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.