Hà Nội kết nối

"Điện rác" vẫn... chờ cơ chế?

Nhóm phóng viên 29/02/2024 - 16:46

TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai mỗi ngày đều có lượng rác lớn, nhưng việc xây nhà máy đốt rác phát điện (điện rác) đang gặp trở ngại.

a359.jpg
Phần lớn rác thải tại thành phố Hồ Chí Minh đang được xử lý chôn lấp.

Nhu cầu cấp thiết

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, mỗi ngày, thành phố đang thải ra khoảng 11.000 tấn rác sinh hoạt. Phần lớn trong số này được xử lý bằng chôn lấp tại các bãi rác ở huyện Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi. Nhiều năm qua, cư dân sống quanh các bãi rác liên tục phàn nàn về việc môi trường bị ô nhiễm, dù các doanh nghiệp xử lý rác đã nỗ lực áp dụng các công nghệ mới trong xử lý rác chôn lấp.

Ngoài ra, mỗi ngày thành phố còn phát sinh hơn 3.000 tấn rác thải xây dựng và công nghiệp; hơn 300 tấn chất thải nguy hại từ hoạt động y tế và sản xuất.

Trong quá trình thực hiện phát triển kinh tế xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, thành phố Hồ Chí Minh đã sớm quy hoạch xây dựng ít nhất 3 nhà máy đốt rác phát điện (điện rác) với mục tiêu đến năm 2025, đốt khoảng 80% lượng rác thải để phát điện; đến năm 2030 là 100%. Nhưng tính đến tháng 2-2024, chưa có nhà máy nào được xây dựng, dù nhiều nhà đầu tư đã sẵn sàng.

a360.jpg
Dự án nhà máy điện rác của Công ty Vietstar dù đã được chấp thuận đầu tư, nhưng vẫn đang chờ cơ chế thực hiện.

Theo Phó Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ, sở dĩ các nhà đầu tư điện rác chưa đẩy nhanh tốc độ triển khai dự án vì tổng công suất điện rác đang vượt quá công suất được phân bổ trong Quy hoạch điện VIII, nên chưa có hướng tiêu thụ điện, thu hồi vốn.

Còn tại Đồng Nai, một trong những địa phương có hoạt động dân sinh, công nghiệp, nông nghiệp sôi động nhất Đông Nam Bộ, tỉnh được phân bổ công suất đến 66MW điện rác, lớn thứ 3 cả nước. Cùng với đó, tỉnh chủ trương đến năm 2025, các khu xử lý rác tại địa phương phải chuyển sang đốt rác thu hồi năng lượng. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đến Đồng Nai đặt vấn đề đầu tư điện rác.

a361.png
Phối cảnh dự án Nhà máy Điện rác ECOTECH tại huyện Vĩnh Tân, tỉnh Đồng Nai.

Tính đến tháng 2-2024, tỉnh đã chấp thuận chủ trương đầu tư dự án điện rác Vĩnh Tân (tổng mức đầu tư gần 2,3 nghìn tỷ đồng; công suất xử lý giai đoạn 1 là 800 tấn rác/ngày, phát điện 20MW. Giai đoạn 2 nâng lên 1,2 nghìn tấn rác/ngày và công suất điện 30MW).

Hiện, nhà đầu tư đang chờ UBND huyện Vĩnh Cửu hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 vùng dự án; chờ Bộ Tài nguyên và Môi trường phê duyệt đánh giá tác động môi trường của dự án để triển khai.

Chờ cơ chế để phát triển

Tính đến tháng 2-2024, tỉnh Đồng Nai đã tiếp ít nhất 2 nhà đầu tư nước ngoài, gồm: Công ty TNHH Đầu tư Chiêu Minh (Đài Loan - Trung Quốc) và Công ty Asia New Generation (Đức) cùng một số doanh nghiệp trong nước đến tìm cơ hội đầu tư điện rác.

a362a.jpg
Công ty Asia New Generation tìm hiểu cơ hội đầu tư điện rác tại tỉnh Đồng Nai.

Ông Fan Hao, đại diện Công ty TNHH Chiêu Minh cho biết, doanh nghiệp dự kiến đầu tư nâng cấp hệ thống hiện hữu tại Khu xử lý chất thải Xuân Mỹ thành nhà máy điện rác.

Còn ông Christopher David Scholl, Phó Tổng Lãnh sự Cộng hòa Liên bang Đức tại thành phố Hồ Chí Minh và đại diện Công ty Asia New Generation cho biết, nhà đầu tư mong muốn triển khai dự án điện rác tại Khu liên hợp xử lý chất thải Cù Lao Xanh (huyện Xuân Lộc, Đồng Nai) với công nghệ mới không cần phân loại rác trước khi đốt, có thể thu được khoảng 1,8MWh điện từ 1 tấn rác.

Về phía Đồng Nai, tỉnh đã xác định 4/7 khu xử lý rác sẽ đầu tư công nghệ để chuyển sang đốt rác thu hồi năng lượng với tổng công suất khoảng 3,8 nghìn tấn/ngày để tiếp tục thu hút nhà đầu tư. Cùng với đó, chờ thêm hướng dẫn cụ thể của cơ quan quản lý về tiêu chuẩn, tiêu chí triển khai đốt rác phát điện quy mô lớn.

Còn tại thành phố Hồ Chí Minh, nhiều nhà đầu tư đang chờ cơ chế tiêu thụ điện để xây dựng các nhà máy điện rác. Cụ thể, dự án điện rác của Công ty Vietstar có công suất phát điện 40MW; Công ty Tâm Sinh Nghĩa 40MW; Công ty Tasco 40MW; Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam 60MW; Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị 20MW và dự án PPP 40MW; quy mô điện rác phát sinh đến năm 2030 khoảng 100MW nữa.

a363.jpg
Phối cảnh Nhà máy đốt rác phát điện của nhà đầu tư Bamboo Capital sau khi sáp nhập Công ty Tâm Sinh Nghĩa, dự kiến triển khai tại huyện Củ Chi, thành phố Hồ Chí Minh.

Như vậy, thành phố có dư địa công suất điện rác lên đến 340MW đến năm 2030, tương ứng đốt 15.000 tấn rác/ngày, ước đạt 100% lượng rác thải. Đây cũng chính là nội dung mà Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh tham mưu UBND thành phố có văn bản đề nghị Bộ Công Thương điều chỉnh quy mô nguồn điện sinh khối và điện rác của thành phố lên con số trên, bảo đảm cơ sở pháp lý cho nhà đầu tư yên tâm thực hiện các dự án.

“Thành phố đang cùng các nhà đầu tư đẩy nhanh các hạng mục triển khai dự án, phấn đấu đến năm 2025 sẽ có nhà máy điện rác đầu tiên và tiếp tục phát triển các nhà máy điện rác sau đó”, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Thanh Mỹ thông tin.

Ngày 12-1-2024, tỉnh Bình Dương đã khánh thành nhà máy điện rác đầu tiên với công suất đốt 200 tấn rác/ngày, phát điện 5MW. Cùng với đó, nhà máy còn có thể phân loại, tái chế, xử lý rác với công suất 2.520 tấn/ngày, cho ra 840 tấn phân hữu cơ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
"Điện rác" vẫn... chờ cơ chế?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.