(HNM) - Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải tiếp tục trình Chính phủ dự thảo nghị định thay thế Nghị định 86/ 2014/NĐ-CP (ngày 10-9-2014) về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô.
Đáng chú ý, dự thảo quy định các xe kinh doanh vận tải hành khách theo hợp đồng từ 9 chỗ trở lên chỉ được đón, trả khách tại các địa điểm đã ghi trong hợp đồng và thu cước vận tải theo giá trị hợp đồng đã ký kết; không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hằng ngày tại trụ sở chính, trụ sở chi nhánh, văn phòng đại diện, tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh (trừ những vị trí do UBND cấp tỉnh công bố). Đặc biệt, trong thời gian 1 tháng, mỗi xe ô tô không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau...
Ngay sau khi dự thảo được công bố, đã có những ý kiến phản đối khi cho rằng quy định này đang can thiệp sâu vào việc kinh doanh của doanh nghiệp, làm tăng thêm nhiều điều kiện vô lý, thể hiện sự cấm đoán quyền cung cấp dịch vụ của doanh nghiệp. Việc cấm mỗi xe hợp đồng không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến của xe đó có điểm khởi hành và kết thúc trùng nhau khiến doanh nghiệp phải tăng chi phí, làm cho các doanh nghiệp nhỏ thêm khó khăn.
Doanh nghiệp có lý của mình. Tuy nhiên, thực tế tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và một số đô thị khác cho thấy, sự bùng nổ của loại hình xe hợp đồng là một trong những nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.
Bên cạnh đó, một lượng không nhỏ xe hợp đồng đang “lách” luật, hoạt động như xe khách liên tỉnh trá hình, lập bến “cóc” đón, trả khách. Loại xe này không bị kiểm soát giá vé, có thể thu tiền mặt nên dễ “né” được thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp và tạo sự cạnh tranh không lành mạnh với các doanh nghiệp vận tải làm ăn chân chính. Các địa phương muốn “siết” nhưng lúng túng do không có cơ chế phù hợp.
Cùng với những ý kiến phản đối cũng có rất nhiều quan điểm đồng thuận phải “siết” chặt nhằm bảo đảm sự minh bạch, công bằng trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Làm thế nào cho phù hợp, hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân là nhiệm vụ của cơ quan quản lý.
Song, vận tải là loại hình kinh doanh có điều kiện, các quy định phải rõ ràng. Không thể để mãi tồn tại cảnh lúng túng trong khâu kiểm tra, xử lý vì... thiếu quy định.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.