Theo yêu cầu của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 phải bám sát chủ trương, chính sách, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương và trên cơ sở kết quả sơ kết, tổng kết thực tiễn để định ra các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị.
Đây chính là cơ hội, tiền đề để Hà Nội vươn lên tầm cao mới, phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự mong đợi của nhân dân cả nước đối với Thủ đô.
Còn bộc lộ những hạn chế
Không thể phủ nhận, trong những năm gần đây, công tác quy hoạch, xây dựng đã được thành phố Hà Nội chỉ đạo quyết liệt. Một lượng lớn đồ án quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, quy hoạch ngành… được phê duyệt với tỷ lệ diện tích phủ kín đạt khoảng 90%. Chất lượng quy hoạch dần được nâng cao. Không gian đô thị được mở rộng về nhiều hướng, với việc xây dựng các khu đô thị hiện đại, đồng bộ, hoàn chỉnh hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, tạo nên diện mạo mới cho Thủ đô phát triển. Cùng với đó, Hà Nội đã triển khai đồng bộ chỉnh trang, nâng cấp đô thị. Nhiều vườn hoa, công viên được cải tạo, xây mới, các tuyến phố được chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật hiện đại.
Tuy nhiên, công tác quy hoạch, kết cấu hạ tầng, quản lý đô thị còn bộc lộ nhiều hạn chế. Nghị quyết số 15-NQ/TƯ ngày 5-5-2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chỉ rõ: “Hạ tầng kinh tế, xã hội phát triển chưa đáp ứng được yêu cầu; công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, quản lý đất đai, xây dựng, phát triển đô thị, trật tự, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường còn hạn chế; phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị chưa toàn diện, thiếu đồng bộ; nhiều dự án lớn chậm được triển khai, gây lãng phí nguồn lực; việc quy hoạch xây dựng các đô thị vệ tinh không đạt kế hoạch”.
Thực tế cũng cho thấy, công trình hạ tầng văn hóa, thể thao chưa được sử dụng, khai thác một cách hiệu quả và xuống cấp nhanh chóng; chính sách thu hút nhân tài, an sinh xã hội, phát triển giáo dục, khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường…
Hướng đến những mục tiêu cụ thể
Để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển Thủ đô Hà Nội theo các nghị quyết của Bộ Chính trị, khắc phục những tồn tại, hạn chế cũng như tạo cơ sở pháp lý vững chắc để quy định và thực hiện các cơ chế vượt trội, đột phá, huy động mọi nguồn lực, khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh nhằm xây dựng Thủ đô Hà Nội "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại", Ban soạn thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã hướng đến những mục tiêu, định hướng chi tiết trong quá trình hoàn thiện luật. Có thể khái quát gồm: Xây dựng những cơ chế, chính sách đặc thù, vượt trội tương xứng với vị trí, vai trò đặc biệt của Thủ đô, xác lập rõ vị trí, vai trò, trách nhiệm và quyền hạn, khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của Hà Nội; đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo chuyển biến rõ nét về môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, chú trọng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi và tiết giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Quá trình triển khai, ưu tiên hoàn thiện thể chế phát triển Hà Nội toàn diện, đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế; kết hợp hài hòa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại... Đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, lấy khoa học - công nghệ cao làm trục xuyên suốt chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Cùng với đó, thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi số, phát triển kinh tế số và các mô hình kinh tế mới...
Tiếp thu ý kiến cử tri, đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố, các sở, ngành và đơn vị trên địa bàn Hà Nội, vấn đề làm thế nào để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cũng được Ban soạn thảo đặc biệt quan tâm. Cùng với đó là tăng cường phân quyền, phân cấp cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực; các chương trình, dự án kết nối liên vùng, liên tỉnh…
Bên cạnh đó, xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển Hà Nội trở thành các đô thị hiện đại, thông minh, dẫn dắt và tạo hiệu ứng lan tỏa, liên kết vùng đô thị. Sử dụng các công cụ quy hoạch đô thị, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các công cụ thị trường khác để điều tiết, kiểm soát chặt chẽ sự gia tăng dân số đô thị, nhất là tại các đô thị đặc biệt. Thực hiện đồng bộ các phương pháp giải nén, giảm tải cho các đô thị lớn, đưa người dân ra các đô thị xung quanh, thúc đẩy phát triển các đô thị vệ tinh, mô hình thành phố thuộc thành phố. Quản lý chặt chẽ việc phát triển nhà ở cao tầng tại các đô thị lớn, nhất là khu vực trung tâm. Ưu tiên phát triển các đô thị nhỏ và vùng ven đô để hỗ trợ phát triển nông thôn thông qua các mối liên kết đô thị - nông thôn...
Theo Bộ Tư pháp, đây chính là tiền đề để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước, tạo cơ chế vượt trội, đột phá để Hà Nội giải quyết các bất cập.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.