Giáo dục

Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Tăng giám sát, ngăn ngừa tiêu cực

Thống Nhất 11/01/2025 - 06:39

Thông tư quy định về dạy thêm, học thêm do Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa ban hành đang thu hút sự quan tâm của dư luận với sự ủng hộ và nhiều kỳ vọng sẽ giải quyết căn bản hiện tượng ép buộc học sinh học thêm để thu tiền gây bức xúc dư luận thời gian qua.

Có hiệu lực thi hành từ ngày 14-2-2025, thông tư này có nhiều điểm mới nhằm tăng cường giám sát hoạt động dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường, góp phần ngăn ngừa các hành vi tiêu cực.

hoc-1.jpg
Một giờ ôn tập của học sinh Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Quang Thái

Kiên quyết nói “không” với dạy thêm trong nhà trường

So với Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ban hành ngày 16-5-2012, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 30-12-2024 quy định về dạy thêm, học thêm, áp dụng từ ngày 14-2-2025 có nhiều điểm mới nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh, ngăn chặn các hành vi biến tướng để buộc học sinh phải tự nguyện học thêm. Theo đó, Thông tư mới kiên quyết nói “không” với tình trạng dạy thêm học sinh tiểu học nhằm giảm áp lực tối đa cho lứa tuổi này, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn kỹ năng sống.

Một điểm mới nữa đáng chú ý ở Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT là quy định giáo viên đang dạy học tại các nhà trường không được dạy thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh đối với học sinh mà giáo viên đó đang được nhà trường phân công dạy học theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Đây là lần đầu tiên Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa vào “lệnh cấm” giáo viên dạy thêm (có thu tiền) ngoài nhà trường với học sinh mà mình đang dạy chính khóa ở trường. Ở quy định hiện hành, giáo viên vẫn có thể dạy thêm với học sinh mà họ đang dạy chính khóa, với điều kiện họ phải làm đơn và được hiệu trưởng đồng ý. Thực tế triển khai nhiều năm qua cho thấy, quy định này không đem lại hiệu quả, thậm chí chỉ là hình thức.

Theo chia sẻ của nhiều hiệu trưởng, không có cơ sở pháp lý nào để họ không cho phép giáo viên của trường được dạy thêm học sinh của mình ở bên ngoài nhà trường. Vì thế, các hiệu trưởng đều xác nhận cho phép giáo viên được dạy thêm ngoài nhà trường với học sinh mà giáo viên đó đang dạy chính khóa.

Theo quy định mới, chỉ có 3 trường hợp được phép dạy thêm, học thêm (không được thu tiền) trong nhà trường, gồm: Học sinh có kết quả học tập môn học cuối học kỳ liền kề ở mức chưa đạt; học sinh được nhà trường lựa chọn để bồi dưỡng học sinh giỏi; học sinh lớp cuối cấp tự nguyện đăng ký ôn thi theo kế hoạch giáo dục của nhà trường.

Việc xếp thời khóa biểu học thêm với nhóm học sinh này phải tuân thủ các quy định chặt chẽ nhằm tránh gây áp lực, bảo đảm hiệu quả như: Mỗi môn học chỉ được dạy thêm không quá 2 tiết/tuần; không xếp giờ dạy thêm xen kẽ với thời khóa biểu và không dạy thêm trước các nội dung so với việc dạy học theo phân phối chương trình môn học trong kế hoạch giáo dục của trường.

Bỏ tư duy không quản được thì cấm

Lâu nay, những bức xúc về dạy thêm, học thêm luôn là đề tài nóng ở nhiều diễn đàn. Nhiều tiêu cực đã được chỉ ra, như: Giáo viên cắt xén chương trình chính khóa để đưa vào dạy thêm; dùng nhiều hình thức để buộc học sinh phải tự nguyện học thêm; bị điểm kém, bị phân biệt, thậm chí trù dập nếu không học thêm...

hoc-2.jpg
Giáo viên Trường Trung học phổ thông Lý Thường Kiệt (quận Long Biên) hướng dẫn học sinh ôn tập. Ảnh: Đỗ Tâm

Dù vậy, trên thực tế, nhu cầu dạy thêm, học thêm là có thật và chính đáng. Bà Trần Thị Thúy, phụ huynh học sinh Trường Trung học phổ thông Dương Xá (huyện Gia Lâm) chia sẻ, để “chắc suất” ở các trường đại học uy tín thì việc học ở trường e là chưa đủ, vì thế gia đình đã tìm lớp học thêm bên ngoài nhà trường cho con. Trong khi đó, không ít giáo viên cũng có mong muốn được kiếm sống bằng chuyên môn của mình, tương tự như các nghề khác. Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định về dạy thêm, học thêm đã đáp ứng nguyện vọng, phù hợp thực tế, bỏ tư duy “không quản được thì cấm”.

Tinh thần ấy được thể hiện rõ bằng quy định đưa dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện và phải đăng ký kinh doanh theo Luật Doanh nghiệp.

Điều 6 của Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT quy định: Tổ chức (hoặc cá nhân) tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường có thu tiền của học sinh phải đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật; phải công khai các nội dung như: Môn học được tổ chức dạy thêm, thời lượng dạy thêm, địa điểm, hình thức, thời gian dạy thêm, danh sách người dạy thêm, mức thu tiền học thêm... Thông tư tăng cường trách nhiệm của hiệu trưởng đối với giáo viên thuộc sự quản lý của mình bằng quy định: Giáo viên tham gia dạy thêm ngoài nhà trường phải báo cáo hiệu trưởng về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian dạy thêm.

Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn khẳng định, việc đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để quản lý tốt hơn, tăng cường trách nhiệm của giáo viên trong việc bảo đảm điều kiện, chất lượng giáo dục và quyền lợi cho học sinh khi có nguyện vọng, nhu cầu chính đáng về học thêm ngoài nhà trường. Khi xây dựng thông tư mới về dạy thêm, học thêm, Bộ Giáo dục và Đào tạo xác định chỉ cấm những hiện tượng tiêu cực, không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy và người học.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Quy định mới về dạy thêm, học thêm: Tăng giám sát, ngăn ngừa tiêu cực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.