Giao thông

Nâng cao ý thức chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông

Nguyễn Văn Công 18/10/2024 - 06:40

Tuân thủ hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông là quy định bắt buộc đối với tất cả mọi người tham gia giao thông.

Tuy nhiên, không ít người vẫn bất chấp quy định, chỉ vì muốn nhanh một vài giây mà cố tình vi phạm, dẫn đến ùn tắc, thậm chí xảy ra tai nạn giao thông.

Đèn xanh nhưng vẫn lo

Hệ thống đèn tín hiệu giao thông là một trong những ứng dụng quan trọng trong điều tiết giao thông tại các giao lộ, đóng vai trò như một người chỉ huy giao thông tại các khu vực này. Chính vì thế, việc không chấp hành tín hiệu đèn giao thông không chỉ gây rối loạn giao thông tại khu vực đó mà còn có thể dẫn đến những vụ tai nạn giao thông đáng tiếc.

Cách đây khoảng 1 tháng, vào buổi tối, có hai thanh niên chở nhau trên xe máy thản nhiên vượt đèn đỏ với tốc độ cao và tạt ngang qua đầu xe ô tô con rồi mất lái, lao thẳng vào vào ô tô đỗ ven đường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm). Sau cú đâm mạnh, hai thanh niên đi xe máy văng ra khỏi xe và bất tỉnh.

Hay như tại ngã tư Nguyễn Hữu Thọ - Nghiêm Xuân Yêm (quận Hoàng Mai), chỉ ít phút buổi sáng liên tục có những chiếc xe máy vượt đèn đỏ gây nên tình trạng ùn tắc giao thông. Thực tế, không ít những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng diễn ra xuất phát từ hành vi người tham gia giao thông cố tình vượt đèn đỏ.

Theo quan sát của phóng viên tại một số ngã tư, chỉ cần một vài trường hợp “đuổi đèn” hoặc xuất phát trước tín hiệu đèn xanh thì sẽ có hàng chục phương tiện khác nối đuôi theo sau và ngay lập tức gây ùn tắc giao thông. Ngoài ra, không ít trường hợp khác tìm nhiều cách để né đèn đỏ như đi xe trên vỉa hè, đi vòng qua lối quay đầu hoặc đi sang làn đường của lối đi đèn xanh rồi đột ngột quay đầu, rẽ để vượt qua nút giao đèn đỏ...

anh-1(1).jpg
anh-2.jpg
anh-4.jpg
Vi phạm hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông diễn ra khá phổ biến trên nhiều tuyến đường.

Chị Phạm Hồng Ngọc (phường Bách Khoa, quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Nhiều lúc thấy đèn chuyển sang xanh nhưng tôi cũng không dám đi luôn mà phải nhìn sang hai phía để đề phòng trường hợp có người vượt đèn đỏ. Tôi từng chứng kiến vụ va chạm xảy ra ngay tại ngã tư vì có người vượt đèn đỏ nên tâm lý của tôi là khi thấy đèn xanh nhưng vẫn cần quan sát hai phía chứ không đi ngay lập tức".

Đặc biệt, việc chờ đèn tín hiệu giao thông không đúng quy định cũng sẽ ảnh hưởng đến những phương tiện tham gia giao thông khác. Như trường hợp xảy ra vào chiều ngày 19-6 trên đường Láng là một ví dụ. Theo trích xuất từ camera hành trình của một chiếc xe ô tô đi sau một chiếc ô tô màu trắng, khi gần đến nút giao ngã tư Nguyễn Chí Thanh - Láng, xe ô tô trắng thấy đèn đỏ và bất ngờ dừng lại. Tuy nhiên, điểm dừng của chiếc ô tô trắng còn cách vạch kẻ đường dành cho người đi bộ sang đường khoảng 10m. Nguyên nhân là chiếc ô tô trắng muốn dừng đèn đỏ ở nơi rợp mát, tránh nơi có ánh nắng. Rất may là chiếc ô tô có gắn camera hành trình phía sau đã phanh lại kịp thời, không để xảy ra va chạm.

Cần xử phạt nghiêm minh

Theo quy định hiện hành, với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, gồm vượt đèn đỏ, vượt đèn vàng, người tham gia giao thông điều khiển ô tô sẽ bị xử phạt từ 4 đến 6 triệu đồng. Đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy, xe máy điện hoặc các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng nếu không chấp hành tín hiệu đèn giao thông, hình thức phạt bổ sung là tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 1 - 3 tháng. Nếu gây tai nạn giao thông thì bị tước giấy phép lái xe từ 2 - 4 tháng và bị phạt tới 5 triệu đồng, bồi thường mọi thiệt hại và có thể chịu trách nhiệm hình sự tùy vào mức độ nghiêm trọng của vụ tai nạn.

Ngoài ra, với việc dừng ô tô hay xe máy chờ đèn đỏ không đúng quy định, làm cản trở giao thông, chủ phương tiện sẽ bị xử phạt theo quy định pháp luật: Với ô tô, mức xử phạt hành chính từ 800.000 đồng đến 1 triệu đồng; với xe máy, mức phạt từ 200.000 - 300.000 đồng.

Mới đây, Bộ Công an đã đề xuất nâng mức xử phạt hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông, không chấp hành hiệu lệnh, hướng dẫn của người điều khiển giao thông hoặc người kiểm soát giao thông lên 6 - 8 triệu đồng đối với người điều khiển ô tô, từ 2 - 3 triệu đồng đối với người điều khiển xe máy. Đồng thời, chủ phương tiện vi phạm còn bị trừ 3 điểm trên giấy phép lái xe.

Trung tá Nguyễn Việt Anh, Đội cảnh sát giao thông đường bộ số 7, Phòng Cảnh sát giao thông, Công an thành phố Hà Nội, cho biết: “Người dân khi tham gia giao thông cần nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về an toàn giao thông, sự điều tiết của lực lượng chức năng để đảm bảo giao thông thông suốt, không để tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra”.

Cần xây dựng văn hóa chờ đèn tín hiệu

Chuyên gia giao thông, TS Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ: “Hành vi vượt đèn vàng, đèn đỏ còn khá phổ biến trong giao thông ở nước ta, gây nguy hiểm không chỉ với chính người vi phạm mà còn cho những người tham gia giao thông khác. Cần phải có những biện pháp xử lý mạnh tay mang tính răn đe cao, làm gương để việc chấp hành hiệu lệnh giao thông đi vào nền nếp. Các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật sâu rộng, đặc biệt là cho lớp trẻ nhằm nâng cao nhận thức, văn hóa chấp hành hiệu lệnh giao thông: Tổ chức những cuộc thi, tìm hiểu gắn chặt giữa lý thuyết và thực hành, giúp các em học sinh hình thành văn hóa giao thông từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đồng thời, cũng cần nghiên cứu, sắp xếp hợp lý đèn giao thông, tránh gây ức chế cho người phải chờ đèn đỏ quá lâu”.

Ở góc nhìn văn hóa, việc chấp hành hiệu lệnh, đèn tín hiệu giao thông thể hiện nét đẹp văn hóa khi tham gia giao thông. Việc dừng đỗ đè lên vạch kẻ đường dành cho người đi bộ gây ảnh hưởng đến lối đi riêng cho người đi bộ; việc dừng xe tại nơi có bóng râm cho thấy người điều khiển phương tiện chỉ nghĩ đến lợi ích riêng, không tôn trọng cộng đồng. Ngoài ra, có rất nhiều phương tiện tham gia giao thông đã vội vã di chuyển khi còn khoảng 3 giây chờ đèn đỏ trong khi ở làn đường đèn xanh vẫn có phương tiện đang di chuyển, điều này gây ra sự rối loạn giao thông, ùn tắc giao thông ngay tại giao lộ.

Được biết, không chấp hành tín hiệu đèn giao thông nằm trong 6 nhóm hành vi có nguy cơ cao gây TNGT và được lực lượng chức năng thường xuyên xử lý. Vì vậy, thượng tôn pháp luật là yếu tố tiên quyết để nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông, lực lượng chức năng cần xử lý nghiêm minh, tạo sự răn đe, mang tính giáo dục cao để thay đổi hành vi đối với các cá nhân vi phạm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao ý thức chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.